tháng 7 2016


Cuối tuần rồi, vậy là sau 7 năm quen nhau, em cũng đã về với anh. Chúng ta sẽ cùng ghi nhớ ngày này nhé: 30/7/2016. Nhưng cũng là lần đầu tiên em dọn nhà, mà anh lại không ở bên cạnh phụ giúp em… Anh phải học, em cũng hiểu chuyện đó nên chẳng cằn nhằn gì anh cả. Đến chiều khi chuẩn bị về, anh gọi và em chỉ bảo rằng mình đang đói lắm…

Chúng ta bắt đầu cuộc sống mới rồi, cuộc sống của riêng chúng ta. Và xung quanh vẫn còn lắm bao nhiêu buồn vui mà mình sẽ cùng nhau phải vượt qua. Anh nhớ hoài những câu nói của em và về em: “Có một người để dựa vào lúc khó khăn chắc là vui lắm nhỉ”, “Nếu sợ khổ thì em đâu có yêu anh” và Cha bảo “Cha thương Tâm nhiều nhất vì Tâm là đứa phải chịu nhiều khổ cực nhất trong nhà”…

Anh tệ lắm. Rất tệ nữa kìa. Nhưng anh biết, vì em, anh đã luôn bắt mình phải cố gắng để thay đổi. Không phải chỉ vì em, mà là vì chúng ta, vì gia đình chúng ta.

… Hai ngày cuối tuần mà có nhiều cảm xúc qua em nhỉ!

Tối thứ bảy thì xem bảng điểm, biết mình đủ điệm vượt qua học phần đầu tiên của môn thi đầu tiên mà như muốn rụng rời cả tay chân, cảm xúc chẳng gì diễn tả nỗi khi “đầu đã xuôi”. Nhưng còn những bạn bè thi rớt, có người trẻ, có người nhiệt huyết, có người vượt đường xa xôi đi học… thật khó diễn tả cảm xúc và chia sẻ cùng họ. Nhưng dù sao, anh cũng đã ôm em, ôm em trong niềm vui sướng và hạnh phúc.

Nhưng đến sáng Chúa Nhật, anh đọc được dòng trạng thái “đầu hàng” của người bạn thân thiết của mình sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Anh lại một lần nữa chẳng diễn tả nổi cảm xúc của mình, anh đi ngay đến chỗ em và nói rằng người bạn đó đã đầu hàng số phận. Anh cố kiềm nén để mình đường bật khóc. Nhưng rồi anh lại ôm em và khóc, anh ôm em trong nỗi buồn và tuyệt vọng cho cuộc sống nơi người bạn kiên cường của mình…

Cuộc sống này sẽ còn lắm buồn vui, chẳng phải lúc nào cũng màu hồng và cũng không phải lúc nào cũng màu đen. Anh chỉ ước mong và cố gắng để mình sẽ biết phải sống tốt với em, để mỉnh cũng ở bên cạnh nhau trong những buồn vui của cuộc sống này…

--- Kỷ niệm tuần đầu tiên, tháng đầu tiên bước vào cuộc sống của Anh & Em ---


Khi chiếc xe máy lăn bánh – hay nói chính xác là ít phút trước khi bánh xe lăn, cảm xúc trong lòng tôi như… tụt hết cả. Trong suy nghĩ chẳng biết đang tồn tại cái gì đó để được gọi là cảm xúc hay chăng. Vui hay buồn, tiếc nuối hay không, quyến luyến hay chẳng… tôi chẳng biết. Tôi gặp từng người có mặt hôm đó đang ngồi ở vị trí quen thuộc mà gần tuần qua tôi đã cùng ở đấy với họ. Tôi bắt tay và chào tạm biệt, với nụ cười và cách nói của họ. Rồi ra sau, tôi chào cha mẹ và các em. Xe chạy và lúc này, tôi biết, cảm xúc gì đang ở trong tôi… Tôi cố kìm nén để những giọt nước mắt đã dâng tới khóe mi đừng rơi xuống khi phải rời xa những người thân thương mới quen…

Lần đầu tiên tối đến với mảnh đất này, mảnh đất của những câu từ: nắng cháy, khúc ruột, đau thương hay cằn cỗi. Thú thật, tôi đã tưởng tượng nhiều để nghĩ xem cái nắng nóng của vùng đất này là ra sao, nhưng cho đến lúc thực sự cảm nhận nó, nó vẫn khác quá xa so với những gì tôi đã hình dung.

Những người dân quê chân lấm tay bùn, những khuôn mặt khắc khổ của nếp nhăn và những mảnh đời đã bao nhiêu lần trằn trọc hai chữ tha hương, xa xứ giờ đây đang hiện hữu xung quanh tôi. Nhưng tất cả lại ghép nên ấm áp hai chữ tình thân!

Bất giác, tôi cảm thấy mình thật gần với họ, với cuộc sống này và những số phận này.

Sống cùng nhau trong gần 1 tuần đó, tôi cảm nhận được gì ngoài tình làng nghĩa xóm, ngoài tình quê mà tuổi thơ tôi cũng đã trải qua? Không, đó chính là tất cả rồi. Có thêm nữa, là cảm nhận sâu sắc hơn của những cuộc đời, của những vĩ đại sau lũy tre làng, của những giọt nước mắt mẹ cha, anh em thật sự mang ý nghĩa của những từ ngữ gần gũi trong thực tế của họ nhưng xa lạ trong cuộc sống của tôi: nghèo, khổ và hy vọng.

Đến với cuộc sống của vùng quê này, có phải chăng tôi được tận mắt nhìn lại cuốn phim quay chậm về cuộc sống khốn khổ của quê tôi, cha mẹ tôi, ông bà tôi, cô bác chú dì tôi những ngày xa xưa ấy. Câu hát “đàn trẻ thơ ngây chờ mong áo mới” như tái diễn trước mắt tôi đây. Chinh chiến đã hết rồi, khói lửa quê hương đã lùi sâu dĩ vãng rồi, nhưng sao còn khốn khó thế này, vùng đất đầu của khát vọng thống nhất đất nước???

Tôi nghe và nghe rất nhiều về những gì thế hệ sau 1975 được kể. Một miền Bắc thống khổ quyết tâm phải giải phóng một miền Nam phồn hoa. Vì sao, lý do và tại sao sự thống khổ đó có thể chiến thắng sự phồn hoa đó. Tôi đã hiểu được lý do.

Là vì nơi đây, nơi mảnh đất miền Trung cằn cỗi này, là tiêu biểu cho những thế hệ con người bất khuất, oai hùng mang trong mình dòng máu Việt Nam không bao giờ đầu hàng lũ ngoại xâm. Đây là vùng đất của những Đặng Tất nuôi chí phục quốc, lấy lại giang sơn; của Đặng Dung mài đao dưới trăng viết khúc bi hùng thời trai trẻ; của Nguyễn Công Trứ trả nợ tang bồng, mang chí làm trai thỏa sức nam bắc đông tây; của Nguyễn Du thi hào khắc cho hậu thế chữ Tâm bằng “cha” chữ Tài… Và của những người lính trẻ với vốc cơm độn, dép cao su, balo con cóc, mũ cối và điếu cày đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước với tất cả ước mơ của dòng máu Việt Nam.

Ý nghĩa chính trị là cuộc đấu trí của những người lãnh đạo và thật sự tầm vóc đó quá sâu xa để những hậu sinh như tôi hiểu được đầy đủ vì sao và tại sao! Nhưng cuộc sống thường ngày của 40 năm sau ngày thống nhất vẫn xoay quanh hai chữ cơ cực và một ý niệm vào Nam đã cho tôi hiểu những điều ngoài ý nghĩa đó.

Khát vọng của người Việt từ vùng đất Phú Thọ Hùng Vương là khát vọng hòa bình, độc lập và thống nhất. Không có ý niệm nào, ước ao nào, mong muốn nào to lớn cho bằng ước mơ hòa bình, độc lập và thống nhất trong lòng mỗi người Việt Nam. Và chỉ có trong nghèo khó, gian nan và khốn khổ, khát vọng đó mới có đủ sức được nuôi dưỡng, lớn lên và trở thành sức mạnh, cơn bão tố quét sạch những phù phiếm, xa hoa của thế giới này.

Người ta và những người được gọi là học giả từ hai bờ chiến tuyến, sẽ có đủ lý do để nói về những gì họ đã trải qua và cảm nhận. Nhưng với tôi, lý do của ngày thống nhất năm 1975 chỉ có thể là vì khao khát thống nhất đất nước này, dân tộc này vẫn lớn hơn tất cả những thứ khác nơi từng người lính của miền quê nghèo đất cày lên sỏi đá. Vì khát khao đó đã khắc sâu vào trong tim họ hơn bất cứ điều gì khác. Bên nào có khát khao thống nhất lớn hơn thì bên đó thực sự là bên chiến thắng.

Người ta cứ mãi tranh cãi với nhau cho đến tận hôm nay về đủ thứ lý thuyết “chính chị, chính em” gì của họ. Nhưng liệu đã có ai cảm ơn những người lính của hai bờ chiến tuyến từng chiến đấu cho suy nghĩ của họ. Và những người mà hôm nay bước chân họ có thể tự do đi từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam – họ đã có lời cảm ơn chân thành đến cho những mảnh đời lính cơ cực của vùng đất này – vùng đất mà đến giờ còn nghèo, còn khổ, còn đau thương như thế thì hơn nửa thế kỷ trước họ còn đã phải sống ra sao?

Cảm ơn!

Xin kính dâng hai từ Cảm ơn chân thành đến những người lính – và nhất là những người lính nghèo mà tôi đã may mắn được sống cùng, vì khát vọng thống nhất đất nước trong lòng họ - những người lính của hai bờ chiến tuyến, đã cho tôi và và con cháu tôi một Việt Nam xinh đẹp như hôm nay.

Cuộc sống này có thể đã bất công với họ, con người có thể tàn nhẫn với họ. Nhưng tôi tin rằng rồi công bằng sẽ dành cho họ những gì họ xứng đáng được hưởng lấy. Và tôi tin mạnh mẽ như thế, vì đang chảy trong tôi, trong chúng ta và cả con cháu tôi là dòng máu của Dân tộc mà Dân tộc ấy đã từng hơn 1.000 năm bị bắt làm nô lệ nhưng rồi vẫn kiên cường phục quốc và hào hùng, bất khuất đến hôm nay, đến mai sau!

Cảm ơn!

Cảm ơn vùng đất nghèo, cảm ơn lũy tre làng đã âm thầm và kiên quyết, hiền hòa và mạnh mẽ giữ cho linh hồn Việt Nam mãi luôn bất từ và trường tồn vĩnh cữu từ xưa đến nay, cùng mãi mãi đến ngàn năm sau.

Cảm ơn! Xỉn cảm ơn!

--- Một ngày trước ngày 27/7 ---

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.