tháng 4 2016


Đất nước Việt Nam này sẽ tồn tại mãi mãi đến ngàn năm, khi trên mảnh đất này vẫn còn những đứa bé như Hồ Văn Cường và cha mẹ của em - những người nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và không có đủ tiền để nuôi đứa con của mình ăn học.

Vì sao???

Hơn 1000 năm người Hán - Trung Quốc đã ra sức đồng hóa người Việt vào quốc gia của họ. Đã có lúc Việt Nam đã được gọi là "An Nam đô hộ phủ" khi nhà Đường cho rằng họ đã sáp nhập được hoàn toàn dân tộc bất khuất này vào quốc gia của họ. Đã có lúc, nền văn hóa Đại Việt chỉ trong 10 năm đã bị nhà Minh tàn phá ghê gớm, ghê tởm, khủng khiếp. Nhưng trên tất cả, sức sống Việt Nam vẫn trường tồn. Người Việt Nam vẫn độc lập sau 1000 năm bị người Hán đồng hóa, nô lệ. Việt Nam vẫn vươn cao sau 10 năm bị nhà Minh tàn phá văn hóa, vắn hiến. Đó là do sức sống kiên cường, bất khuất, mãnh liệt đang chảy trong từng cơ thể của những người bật khóc khi nghe hai tiếng: VIỆT NAM.

Đó là bởi vì qua bao nhiêu ngàn đời đau thương và mất mát, người Việt Nam vẫn còn đó những em bé như Phương Mỹ Chi, như Hồ Văn Cường... Những đứa bé mang trong mình - ngay từ lúc sinh ra, linh hồn và sức sống của dân tộc. Sức sống trường tồn và vĩnh cửu của dân tộc qua những bài ca, điệu lý, câu hò vẫn luôn hiện diện trong tiềm thức thân thương của các em - của những đứa trẻ chưa biết gì là Tổ quốc, Quốc gia, Dân tộc, mà chỉ biết đơn sơ một tình yêu mộc mạc không thể lý giải dành cho những giai điệu mà tổ tiên đã truyền lại.

KHÔNG! VIỆT NAM! VIỆT NAM KHÔNG THỂ MÃI MÃI LÀ MỘT QUỐC GIA NHƯỢC TIỂU.

Một quá khứ dựng nước và giữ nước hào hùng đã đến hồi phải bước sang một giai đoạn khác, một trang sử mới, một thời kỳ mới, đó là thời kỳ xây dựng và phát triển, kiến tạo và vươn xa, đưa Đất nước này, Quốc gia này, Dân tộc này tiến lên, vuột lên trên con đường văn minh, tiến bộ, giàu có của thế giới.

VIỆT NAM! ĐÃ ĐẾN LÚC, NHỮNG THẾ HỆ NÀY PHẢI GÁNH VÁC TRÁCH NHIỆM VÀ SỨ MẠNG NÀY.

VIỆT NAM! Chúng ta không thể để cho tiếng sóng Bạch Đằng chỉ là một tiếng âm vang của quá khứ, đừng để cho tiếng Sát Thát chỉ là lời hô vang của quá khứ và đừng để cho hai tiếng VIỆT NAM chỉ là lời nòi tự hào của riêng những người lính năm xưa từ cả hai chiến tuyến.

VIỆT NAM! VIỆT NAM SẼ LÀ TIẾNG NÓI CỦA CHÚNG TA HÔM NAY!

VIỆT NAM MUÔN NĂM! ĐỘC LẬP TỰ DO MUÔN NĂM! VIỆT NAM TRƯỜNG TỒN VĨNH CỬU MUÔN NĂM!


Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch
  
(NLĐO)- Hàng chục người dân Quảng Bình đã phải đi cấp cứu tại Trạm Y tế xã sau khi ăn nhiều món hải sản biển “nghi” nhiễm độc tại lễ khai trương ở một nhà hàng.
Tính đến tối 22-4, Trạm Y tế xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã tiếp nhận hơn 20 ca cấp cứu với triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nghi là ngộ độc thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Nguyễn Lương Ngọc - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Trạch, cho biết hầu hết bệnh nhân được đưa đến trạm xá từ rạng sáng ngày 22-4 đến chiều ngày 22-4. “Đến thời điểm hiện tại trạm đã tiếp nhận 21 trường hợp, để cấp cứu kịp thời cho nhiều bệnh nhân, trạm đã huy động hết cán bộ, cũng như các thiết bị y tế, thuốc men để kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhân, những trường hợp nhẹ thì được sơ cứu và cho về nhà tiếp tục điều trị, những ca nặng hơn hiện tại vẫn đang được điều trị và tiếp tục thep dõi” , bác sỹ Ngọc cho hay.
Theo bác sĩ Ngọc, hiện trạm đã thông báo cho Phòng Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm về tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Theo những bệnh nhân đang cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch, vào lúc 11 giờ ngày 21-4, họ đến dự lễ khai trương nhà hàng Bảo Quốc đóng trên địa bàn xã Phúc Trạch. Trong bàn tiệc có rất nhiều món ăn hải sản như cá, mực, ốc, ghẹ. Đến rạng sáng hôm sau (tức ngày 22-4), hàng chục người dự tiệc bắt đầu có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nên phải đến trạm y tế để cấp cứu.

“Sau khi đi ăn khai trương tại nhà hàng Bảo Quốc với nhiều món ăn hải sản, đến 4 giờ sáng ngày hôm sau tôi bị đau bụng dữ dội, buồn nôn và bị tiêu chảy, nên đã có sử dụng thuốc. Tuy nhiên không đỡ hơn nên gia đình đưa tôi xuống trạm y tế để kiểm tra và điều trị”, chị P.T.T., một bệnh nhân cho hay. 


Các bệnh nhân đang được cấp cứu tại Trạm Y tế xã Phúc Trạch

Được biết, tại lễ khai trương, chủ nhà hàng này đã mời hơn 200 khách, tuy nhiên có khoảng 200 người đến dự. Và hầu hết những người tham dự lễ khai trương tại nhà hàng này, sau khi ăn các món ăn hải sản về đều bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Theo nguồn tin của nhiều người, số hải sản được bày biện tại tiệc khai trương nhà hàng Bảo Quốc được mua từ huyện Quảng Trạch, nơi có rất nhiều cá biển chết bất thường trong khoảng gần nửa tháng nay. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ vụ việc.

Hoàng Phúc 


Thời Lê – Mạc tranh hùng (1533 – 1592) kéo dài đến một khoảng thời gian hơn 70 năm (1627 – 1699) của cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh là thời kỳ loạn lạc của dân tộc ta. Trong bức tranh rối ren của Đại Việt thế kỷ XVI – XVII, với một chút thi ca của kẻ sĩ “bình thiên hạ”, đã xuất hiện một dòng họ hùng cứ riêng một phương với thời gian gần 200 năm, nhưng ít được lịch sử nói đến, đó là Dòng họ Vũ và được dân gian gọi là “Chúa Bầu”.

Chúa Bầu là từ chỉ chung các đời dòng họ Vũ cát cứ ở Tuyên Quang suốt thời kỳ chia cắt Nam Bắc triều và Trịnh Nguyễn phân tranh trong lịch sử Việt Nam. Họ Vũ nhân thời loạn tự lập ở Tuyên Quang, chống chính quyền cai trị ở Thăng Long. Thời Nam Bắc triều, họ Vũ không theo nhà Mạc mà theo nhà Lê trung hưng ở Thanh Hoá, nhưng khi nhà Lê trung hưng về Thăng Long, họ Vũ cũng không thần phục hoàn toàn. Các đời họ Vũ trấn giữ trên thành ở núi Bầu nên được gọi chung là Chúa Bầu.

Người khởi nghiệp của các chúa Bầu họ Vũ là Vũ Văn Uyên, người thuộc tỉnh Hải Dương hiện nay. Thời vua Lê Chiêu Tông, ông hùng cứ ở trấn Đại Đồng (phủ Tuyên Quang), được nhân dân đi theo. Lúc đó Lê Chiêu Tông đang gặp thời rối ren ở kinh kỳ, phong cho ông làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Bá Hầu. Vũ Văn Uyên đóng căn cứ tại thành Nghị Lang.

Từ đó, các đời Chúa Bầu tùy từng lúc theo Mạc hay Lê có khác, những cũng thay nhau hùng cứ vùng Tuyên Quang, truyền được đến 7 đời, 6 thế hệ. 

Chúa Bầu khởi nghiệp là do được lòng dân. Sau biết nương nhờ thời thế mạnh yếu từng lúc khác nhau của các tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh – Mạc mà gầy dựng thanh thế, xây dựng giang sơn riêng cho mình. Nhưng sau, đến đời Chúa Bầu [Đô đốc thiêm sự Khoan Quận Công] Vũ Công Tuấn (1669 – 1699), vì vừa chống đối nhà Trịnh, không theo nghĩa phù Lê lại còn ra sức cướp bóc nhân dân mà bao đời nay theo họ Vũ, nên cuối cùng bị triều đình nhà Lê bắt giết năm 1699. 

Vậy nên câu nói “Vua, là thuyền vậy; dân là nước vậy. Nước có thể chở thuyền, cũng có thế lật thuyền” ngẫm thấy đúng hơn bao giờ hết.

Dòng họ Vũ hùng cứ gần 200 năm ở đất Tuyên Quang là do lòng dân Tuyên Quang tin theo. Vì không biết nương theo sức dân mà gây dựng cơ nghiệp, nếu đổi lại thì biết đâu họ Vũ chẳng thành một họ hoàng triều? Nhưng lịch sử phát triển là thế, thể chế nào không chăm lo cho dân, tàn ác với dân, không lấy dân làm gốc, thì sớm muộn cũng đến ngày tàn diệt.


Hùng Vương hay vua Hùng, là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết, các vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Các Ngài cũng chính là Tổ tiên của người Việt Nam hiện đại.

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng là một ngày lễ của Việt Nam nhằm kính nhớ đến các Vua Hùng. Đây là ngày hội truyền thống của dân tộc Kinh tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nhưng được dân Việt trong cũng như ngoài nước đều kỷ niệm.

Ngày giỗ Hùng Vương từ lâu đã được công nhận là một trong những ngày quốc lễ của Việt Nam. Từ thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam đã quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch; đổi lại dân địa phương được triều đình miễn cho những khoản thuế ruộng cùng sưu dịch và sung vào lính.

Sang thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 Tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 Tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.

Ngày 10 Tháng 3 từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.

Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì năm 2007 mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại".

Trong dân gian Việt Nam có câu lục bát lưu truyền từ xa xưa:

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca,
Nước non vẫn nước non này ngàn năm.

Hình tượng các Vua Hùng là biểu trưng thiêng liêng của lòng tự hào, tự tôn dân tộc nơi mỗi con người Việt Nam. Sông có nguồn, cây có cội và người Việt có gốc tích Cha Rồng, Mẹ Tiên cùng Quốc Tổ Hùng Vương. Nhớ về Quốc Tổ, mỗi người Việt Nam thêm tự hào về cội nguồn của mình và gắng sức giữ gìn nguồn cội quốc gia trường tồn cho đến muôn đời sau.

Video clip hoạt hình thú vị về công đức các Vua Hùng:
https://www.youtube.com/watch?v=OZcyy5oRp0U

Chúc các bạn những ngày nghỉ Giỗ Tổ vui vẻ và hạnh phúc!

Dệt may, ta được một phần thì nước ngoài được 4 phần

Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Hugaco, vốn FDI sẽ giúp ngành dệt may phát triển được những khâu sản xuất mà trong nước chưa đầu tư được
Cần phải coi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là cơ hội để thu hút vốn FDI và DN hãy xem dòng vốn này là tài nguyên để nuôi ngành công nghệ dệt may Việt Nam phát triển. 
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HDQT Tổng công ty cổ phần Dệt May Hưng Yên (Hugaco) chia sẻ quan điểm như vậy tại  Tọa đàm trực tuyến: “Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” vừa diễn ra, khi nói về cơ hội của ngành dệt may, của các doanh nghiệp nội trước làn sóng vốn FDI chảy mạnh vào ngành dệt may.

“Cần bàn thêm về vấn đề hưởng lợi của nước ngoài. Hãy thử làm phép so sánh, Tập đoàn Dệt May Việt Nam là một doanh nghiệp lớn, nhưng vốn điều lệ chỉ có hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi một doanh nghiệp FDI như Texhong, họ thực hiện một dự án tại Việt Nam 450 - 500 triệu USD. Thế để thấy, với tỷ lệ vốn nhỏ như vậy, trong kinh doanh,  ta được một phần thì nước ngoài được 4 phần. Công nghệ ta cũng kém hơn nước ngoài. Đó cũng là thách thức của lực lượng lao động và doanh nghiệp Việt Nam. Tôi quan niệm, TPP là cơ hội để chúng ta phát triển. và càng không nên nghĩ là ta mất cơ hội, mà  hãy coi đó là tài nguyên để nuôi ngành công nghệ dệt may bứt phá.

Liên quan đến việc thời gian gần đây có nhiều Tập đoàn đa quốc gia tới Việt Nam đầu tư, ông Dương cho rằng,  không nên quá lo vì các tập đoàn lớn vào Việt Nam để chiếm hết thị phần của doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp thừa hiểu rằng, các tập đoàn đó chỉ nhằm vào những nguồn hàng đơn giản như sơ mi nam và các loại sợi đơn giản bởi họ không có thị trường trong khi Việt Nam chuyên làm những mặt hàng phức tạp như áo jacket trong khi doanh nghiệp Hàn Quốc thì không làm được như ta.

“Lợi thế của chúng ta là tâm lý của người Việt, chúng ta hiểu hơn nên chắc chắn chúng ta thắng họ. Chúng ta không nên quá bi quan khi cho rằng họ vào đây để chiếm hết thị phần của chúng ta”.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cũng cho rằng, dệt may là ngành thâm dụng lao động, Hiệp định TPP sẽ có một số tác động rất rõ ràng, như giúp ngành dệt may tăng trưởng xuất khẩu. Tạo việc làm, giải quyết vấn đề lao động, nhất là lao động nông thôn, do lao động dệt may không đòi hỏi nhiều lao động lành nghề, kỹ năng cao như một số ngành khác.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam là một doanh nghiệp lớn, nhưng vốn điều lệ chỉ có hơn 5.000 tỷ đồng, trong khi một doanh nghiệp FDI như Texhong, họ thực hiện một dự án tại Việt Nam 450 - 500 triệu USD. Thế để thấy, với tỷ lệ vốn nhỏ như vậy, trong kinh doanh,  ta được một phần thì nước ngoài được 4 phần. Công nghệ ta cũng kém hơn nước ngoài.
TPP cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài để cơ cấu lại ngành dệt may vốn yếu ở khâu đầu tư thượng nguồn, tức là sợi, vải, nhuộm hoàn tất, do yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi.

Quan trọng hơn, TPP thúc đẩy cải cách thể chế tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, minh bạch hơn. Tác động tiêu cực có thể dự báo là đầu tư nước ngoài sẽ lấn át đầu tư trong nước, và họ mới là người hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nếu các doanh nghiệp trong nước không hợp lực, liên kết để phát triển

Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường TPP hiện chiếm tới 65% tổng kim ngạch. Năm 2015, xuất khẩu vào thị trường TPP đạt gần 15 tỷ USD, trong đó Mỹ 11 tỷ USD Nhật Bản 2,8 tỷ, còn lại là các thị trường khác.

“Khi thuế suất về 0%, các doanh nghiệp dệt may sẽ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh, dự báo kim ngạch xuất khẩu vào TPP trong những năm tới có thể tăng 15 - 20%/năm”, theo ông Cẩm.

Theo Thế Hải
baodautu.vn

Hơn 5.000 trang tài liệu TPP thử thách nhà sản xuất
Để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ TPP, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe

(ĐTCK) Là hiệp định thương mại tự do phức tạp nhất trong lịch sử với 5.544 trang, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng sẽ là thử thách lớn đối với các nhà sản xuất hàng hóa ở Việt Nam nếu không thấu hiểu và áp dụng chính xác các quy tắc xuất xứ phức tạp và dễ nhầm lẫn.

Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp ngay từ bây giờ

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, những ngành có thể có tác động tích cực với việc xóa bỏ thuế quan từ TPP là thủy sản, may mặc, giày dép, nội thất, còn những ngành có thể có sự cạnh tranh mạnh từ nhập khẩu là chăn nuôi (bò, heo, gia cầm), thực phẩm chế biến, cơ khí ôtô, công nghiệp hóa chất, công nghiệp nặng. Tất nhiên, để tận dụng những ưu đãi thuế quan từ TPP, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe. 

Ông Nestor Scherbey, cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA) cho rằng, các công ty đa quốc gia (FDI) sẽ phải xác định lại chuỗi cung ứng toàn cầu của họ để tận dụng các ưu đãi thuế do các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP mang lại, khi sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường TPP. Điều này cũng mang đến cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và các công ty toàn cầu khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần sẵn sàng đầu tư mới trong sản xuất nguyên vật liệu và hàng hóa. Tuy nhiên, phải chú ý các yêu cầu cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc của nguyên vật liệu và các thành phần được sử dụng để sản xuất, lắp ráp thành phẩm để xuất khẩu sang một nước TPP”, ông Nestor Scherbey nói.

Theo ông Nestor Scherbey, các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ các chuyên gia về hải quan để xác định tiêu chuẩn TPP về hàng hoá của mình và nên đầu tư trong những dịch vụ như vậy.

Ngoài ra, các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu nên thực hiện các quy trình lưu trữ và chuẩn bị để thay đổi chúng. Tối thiểu, các nhà sản xuất cần yêu cầu nhà cung cấp các nguyên vật liệu và linh kiện cung cấp các tài tiệu chứng minh nguồn gốc của các nguyên liệu và linh kiện được sử dụng để sản xuất và lắp ráp ra hàng hoá xuất khẩu đến một quốc gia TPP. Các nhà sản xuất hàng hoá xuất khẩu cần biết một cách chính xác mã phân loại hàng hoá được cơ quan hải quan áp dụng với hàng hoá cuối cùng của họ tại quốc gia TPP họ xuất khẩu tới. 

Kết nối và kiểm soát thông tin bằng thương mại điện tử

Về phía Chính phủ, ông Nestor Scherbey khuyến nghị, nên thiết lập một cơ sở dữ liệu thông tin thương mại của các doanh nghiệp FDI và các nhà cung cấp trong nước, với mục đích xác định cơ hội cho các công ty Việt Nam để trở thành nhà cung cấp cho các công ty FDI. Với sự giúp đỡ từ các chuyên gia kỹ thuật, các cuộc điều tra được tiến hành để xác định cụ thể hàng hóa trung gian mà Việt Nam có thể sản xuất, cung cấp cho các công ty FDI để các sản phẩm xuất khẩu đủ điều kiện hưởng ưu đãi từ TPP. 

Các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập nguồn thông tin thương mại liên quan đến các hiệp định thương mại tự do và các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các thủ tục chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giúp họ tìm hiểu về việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những trung tâm thông tin thương mại mới này nên tiến hành nghiên cứu thị trường xuất khẩu liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài, dịch các tiêu chuẩn và yêu cầu nước ngoài, phổ biến thông tin này cho các doanh nghiệp trong nước.

Được biết, VTFA đang làm việc với DiCentra - một công ty công nghệ cao của Mỹ, để phát triển cổng thương mại B2B toàn cầu Vinababa. Cổng thương mại này đang được thiết kế và phát triển, cho phép các nhà sản xuất Việt Nam đăng ký hàng hoá cũng như thông tin của họ không mất phí. Các sản phẩm sẽ được công bố trên Internet trong một thư mục chung. VTFA cũng đang phát triển các chương trình đào tạo và hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ để được lựa chọn làm đối tác.     
Ngọc Lan

http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/hon-5000-trang-tai-lieu-tpp-thu-thach-nha-san-xuat-148678.html 



Thủy sản chế biến Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới

Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh về sự hiểu biết của các doanh nghiệp (DN) về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 91% DN còn biết quá ít về TPP, 20% DN chưa từng nghe về TPP, 45% DN có nghe nhưng không biết sâu, 26% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ. Đây là tỷ lệ quá thấp để các DN có thể áp dụng TPP vào hoạt động thương mại.

 Lý giải cho việc thiếu quan tâm đến TPP, nhiều DN cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn nên họ phải gồng mình để lo cho sự tồn tại của DN, ít có thời gian quan tâm, tìm hiểu kỹ về TPP. Đặc biệt, các DN còn chung tâm lý là “tới đâu hay tới đó”. TPP còn xa vời và không ảnh hưởng nhiều đến ngành nghề của DN đang hoạt động.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, Hiệp định TPP có hiệu lực được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn đến các quốc gia thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), TPP, các DN cần phải hiểu rõ các quy định trong hiệp định để vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Về phía cơ quan chức năng, giải pháp làm thay đổi nhận thức của DN cần thông qua các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo theo từng ngành hàng, từng quy định cụ thể, tránh việc tuyên truyền mang tính chung chung.

Hiệp định TPP được 12 quốc gia thành viên TPP chính thức ký kết ngày 4/2/2016 và sẽ được Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn trong thời gian tới. Các quốc gia thành viên TPP phấn đấu đưa hiệp định này thực thi vào đầu năm 2018. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhiều dòng thuế được bãi bỏ, một số dòng hàng còn lại mang tính nhạy cảm cần được giảm dần theo các năm theo lộ trình cam kết cụ thể. Hiệp định TPP có 30 chương, DN cần nắm rõ 6 chương sau để có thể tận dụng của hiệp định trong tổng số 30 chương.

Thứ nhất, Chương 2 về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa. Trong tất cả các Hiệp định FTA, chương về cắt giảm thuế quan là 1 trong những chương quan trọng. Theo đó, hàng hóa của 1 nước xuất khẩu sang quốc gia thành viên khác sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết của các bên. Chẳng hạn: Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với 66% dòng thuế và 86,5% dòng thuế vào năm thứ 4. Các mặt hàng còn lại có lộ trình từ 5- 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, lộ trình trên 10 năm. Hay như Hoa Kỳ cam kết vào thời điểm hiệp định có hiệu lực, khoảng 98% kim ngạch nông, thủy sản và 75% kim ngạch hàng công nghiệp (không bao gồm dệt may) được miễn thuế NK.

Hàng nông sản xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong TPP 

Do đó, các DN cần phải kiểm tra mức thuế được áp dụng tại thời điểm xuất khẩu (XK) để chọn phương án thuế tối ưu nhất (thuế bằng không hoặc thấp nhất) trong xu thế các FTA đan xen nhau. Ví dụ, XK sang Nhật Bản khi TPP có hiệu lực, các DN có thể lựa chọn trong 4 loại ưu đãi: FTA Việt Nam- Nhật Bản (VJFTA), FTA ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), TPP và hệ thống ưu đãi (GSP).

Trong Hiệp định TPP, việc cắt giảm thuế quan của mỗi quốc gia thành viên sẽ dựa vào các cam kết các bên và được quy định cụ thể trong chương này.

Thứ hai, Chương 3 về quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Đây là chương chính và được coi như xương sống của mỗi FTA.

Để tận dụng hiệu quả ưu đãi từ Hiệp định TPP, hàng hóa của DN cần phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định và yêu cầu cụ thể trong Chương 3.

Thứ ba, Chương 4 về dệt may. Dệt may luôn luôn là mặt hàng nhạy cảm trong thương mại quốc tế. Với Hiệp định TPP, dệt may là một trong những chủ đề được các nhà đàm phán Việt Nam quan tâm. Dệt may cũng được báo đài đưa tin nhiều về nội dung của chương này. Bản chất của Chương dệt may là cần phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể, nói chính xác là quy tắc xuất xứ trong ngành Dệt may cần phải đáp ứng yêu cầu hàng hóa được hưởng ưu đãi theo cam kết tại Chương 2 của hiệp định.

Để đánh giá về cơ hội của ngành này khi Hiệp định TPP có hiệu lực, nhiều báo đài đưa tin, đây là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sau khi nghiên cứu kỹ các yêu cầu của chương này, dệt may hầu như không được hưởng lợi gì từ hiệp định, nếu các điều kiện về sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam không có bước thay đổi mang tính đột phá chiến lược. Đây là bài toán rất khó có thể có lời giải trong ngày một ngày hai.

Thứ tư, Chương 6 về phòng vệ thương mại. Phòng vệ thương mại được chia làm 3 biện pháp: (1) Chống bán phá giá; (2) Chống trợ cấp và (3) Tự vệ.

Ví dụ, trong TPP, các quốc gia có thể áp dụng biện pháp tự vệ như một cơ chế tự vệ tạm thời cho phép một thành viên thực hiện một biện pháp tự vệ tạm thời đối với một sản phẩm của một hoặc nhiều bên trong khoảng thời gian không vượt quá 2 năm, nếu việc NK tăng đột biến hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Không bên nào được áp dụng biện pháp tự vệ nhiều hơn một lần đối với cùng một loại sản phẩm và không áp dụng với biện pháp hạn ngạch thuế quan và hạn chế số lượng.

Thứ năm, Chương 7 về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Chương SPS trong TPP dựa trên các quy định của Hiệp định SPS của WTO về xác định và quản lý rủi ro theo cách không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết; bảo đảm mục tiêu mở rộng và thúc đẩy thương mại bằng nhiều cách giải quyết các vấn đề về SPS; thừa nhận việc công nhận tương đương là biện pháp thúc đẩy thương mại thông qua việc công nhận lẫn nhau đối với một biện pháp SPS, nhiều biện pháp SPS và cả hệ thống. Việc áp dụng biện pháp SPS dựa trên cơ sở khoa học, không phân biệt đối xử, minh bạch trong quá trình đánh giá rủi ro.

Thứ sáu, Chương 8 về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Các quốc gia thành viên TPP đồng ý hợp tác để bảo đảm các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, không tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại. Để cắt giảm chi phí cho các DN TPP, đặc biệt là DN nhỏ, các thành viên TPP nhất trí các quy định giúp xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp đối với các sản phẩm, thiết lập quy trình dễ dàng hơn giúp các công ty tiếp cận thị trường các nước TPP. Hiệp định TPP bao gồm các phụ lục liên quan tới các quy định về các lĩnh vực cụ thể nhằm thúc đẩy các cách tiếp cận chung về chính sách trong khu vực TPP.

Hiệp định TPP được 12 quốc gia thành viên TPP chính thức ký kết ngày 4/2/2016 và sẽ được Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn trong thời gian tới. Các quốc gia thành viên TPP phấn đấu đưa hiệp định này thực thi vào đầu năm 2018.
TIN LIÊN QUAN
So sánh với các FTA mà Việt Nam là thành viên
Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Chang tien si Viet quyet danh bai benh ung thu hinh anh 1

Tiến sĩ Phan Minh Liêm.

“Việc hoàn thành nghiên cứu cơ bản chỉ mới khởi đầu. Chúng tôi cần 10-12 năm để hoàn thiện nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng”, tiến sĩ Phan Minh Liêm chia sẻ với Zing.vn. 

Tôi bắt đầu nghiên cứu ung thư từ khi theo học ngành Công nghệ sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM.

Nhận được học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam khi còn theo học, với tôi, đây là điều bản thân chưa từng nghĩ tới.

Quá trình tuyển chọn, cấp học bổng của quỹ trải qua 3 vòng: lọc hồ sơ; thi năng lực Anh ngữ, kiến thức chuyên ngành và trả lời phỏng vấn giáo sư đến từ các trường đại học uy tín cùng Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Đây là vòng thi rất gắt gao bởi những yêu cầu khắt khe từ người tuyển chọn. Bên cạnh đó, những ứng viên đều xuất sắc.

Giai đoạn này, mỗi ngày, tôi dành khoảng 8 tiếng cho việc tự học sau giờ học tập, nghiên cứu tại trường. Tôi tập trung cao độ cho việc ôn luyện tiếng Anh và kiến thức chuyên ngành, luyện tập phỏng vấn, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước.

Sau khi vượt qua các vòng này, ứng viên sẽ được giáo sư và Quỹ Giáo dục Việt Nam hỗ trợ về thư giới thiệu, luyện thi GRE, TOEFL, các khoá huấn luyện về kỹ năng mềm, hỗ trợ hội nhập, vé máy bay, học phí, bảo hiểm sức khoẻ... để nộp đơn xin học các trường đại học uy tín của Mỹ.

Trong giai đoạn 5 tuần học GRE, TOEFL với cường độ cao, tôi học khoảng 14 tiếng mỗi ngày và làm bài test thử vào cuối tuần. Đó là những ngày đêm thực sự gian khổ.

Hàng ngày, tôi vùi đầu vào sách vở, tìm kiếm kiến thức từ mọi nguồn thông tin. Nhưng vì đam mê cháy bỏng, chưa một lần tôi nghĩ tới việc "trì hoãn thành công".


Năm 2005, tôi bắt đầu chương trình tiến sĩ tại Đại học Texas, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Houston, Texas, Mỹ. Tôi chọn ngành Y Sinh học với định hướng phát triển các liệu pháp mới trong phòng ngừa và điều trị ung thư, bao gồm các môn học chuyên sâu về Sinh học ung thư, Phương pháp nghiên cứu, Y học, Sinh hoá...

Ung thư là một trong những thách thức lớn nhất đối với y học hiện đại và đe doạ sức khoẻ của hàng triệu người. Mỗi năm, thế giới có khoảng 8 triệu người ra đi và hơn 14 triệu ca mắc ung thư mới.

Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong do ung thư thuộc hàng cao nhất trên thế giới do đa phần ca bệnh ung thư tại nước nhà thường phát hiện ở giai đoạn muộn.

Từ lâu, tôi mong muốn góp phần vào việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị và phòng ngừa ung thư hiệu quả để đẩy lùi căn bệnh quái ác này.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân tới ngôi trường mơ ước này, tôi đặt ra mục tiêu cố gắng hết sức để học tập và nghiên cứu nhằm giúp bệnh nhân ung thư. Hơn 7 năm, tôi luôn tự nhủ phấn đấu hết khả năng để giữ vẹn lời hứa ấy.

Tôi tập trung nghiên cứu tìm hiểu các phương pháp ức chế quá trình chuyển hoá năng lượng của tế bào ung thư để giúp tiêu diệt khối u một cách đặc hiệu và chính xác, không làm ảnh hưởng các tế bào khoẻ mạnh.
Công việc gặp rất nhiều khó khăn do tế bào ung thư đa dạng và liên tục tiến hoá. Việc hiểu rõ cách thức tế bào ung thư sản xuất năng lượng và phát triển các phương pháp ức chế quá trình này không hề đơn giản.

Nhóm tôi đã kết hợp nhiều ngành khoa học, ứng dụng, và cải tiến nhiều phương pháp và công nghệ hiện đại để hoàn thành công trình nghiên cứu. Phát hiện từ những nghiên cứu này mở ra niềm hy vọng mới trong việc tiêu diệt tế bào ung thư một cách hiệu quả và chính xác. Nhưng việc hoàn thành nghiên cứu cơ bản chỉ mới là khởi đầu. Chúng tôi vẫn cần 10-12 năm nữa để hoàn thiện nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu lâm sàng.

Căng thẳng, áp lực là một trong những điều tôi nhớ nhất khi nhắc về môi trường làm việc và học tập tại đây, nhất là trong giai đoạn bắt đầu. Khi đó, học viên còn nhiều bỡ ngỡ trước bạn bè có thành tích học tập xuất sắc, cùng môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại.

Quả thực, nhiều lúc, tôi kiệt sức. Ung thư phức tạp hơn tôi tưởng! Chúng liên tục tiến hoá, không ngừng biến đổi, khiến cho việc tìm ra điểm yếu của tế bào ung thư rất khó khăn.

Không ít lần, việc nghiên cứu của tôi rơi vào bế tắc. Chưa từng nghĩ đến bỏ cuộc, nhưng cảm giác bất lực thì tôi trải qua nhiều lần. Những lúc ấy, tôi thường ngồi thiền tĩnh tâm để suy nghĩ về các kết quả nghiên cứu, nhằm tìm ra những điểm yếu của tế bào ung thư và các giải pháp cho công việc của mình.

Chang tien si Viet quyet danh bai benh ung thu hinh anh 2
Ngoài ra, tôi cũng chọn cách giải toả bằng việc tập võ, rèn luyện tính kiên trì, cách suy nghĩ sáng tạo, khả năng chịu đựng gian khổ và thích nghi... Tôi nghĩ đam mê và sự kỷ luật, tính kiên nhẫn là các yếu tố không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học, cũng như "làm" tiến sĩ.

Tôi cho rằng, bên cạnh những thú vị vốn có, việc học tiến sĩ còn bao hàm nhiều thử thách, chông gai. Nhưng chưa bao giờ, tôi coi đây là việc quá khó, bởi quan niệm, nếu người khác học được thì chỉ cần mình cố gắng, kiên trì và theo đúng phương pháp, sẽ có một ngày thành công. Chúng ta chỉ thất bại khi bỏ cuộc!

Sau khi tốt nghiệp, tôi được MD Anderson mời làm việc tại Khoa Nội tổng quát, chuyên ngành Phát triển thuốc và liệu pháp mới để điều trị và phòng ngừa ung thư.

Môi trường nơi đây không chỉ hiện đại, bao gồm đầy đủ trang thiết bị tối tân cho việc học tập, nghiên cứu, con người của mảnh đất này cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi rất nhiều từ chuyên môn, tới kỹ thuật nghiên cứu, phân tích...

Dù vậy, đối với tôi, tất cả chỉ mới bắt đầu. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ phấn đấu hết sức cùng những người bạn của mình.

Tiến sĩ Phan Minh Liêm sinh năm 1983, tại Khánh Hoà. Anh hiện công tác tại Trung tâm ung thư MD Anderson (Texas, Mỹ) và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Anh từng là sinh viên khoa Công nghệ Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Tốt nghiệp đại học năm 2005, Phan Minh Liêm giành suất học bổng tiến sĩ tại Mỹ.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu ở môi trường quốc tế, anh là người Việt Nam đầu tiên được 4 lần vinh danh trên bức tường danh dự của Viện Anderson, Houston, Texas - viện ung thư số một tại Mỹ.

Từ cậu bé chăn trâu trở thành tiến sĩ

Cha mắc bệnh qua đời khi 45 tuổi. Chưa đầy 6 tháng sau, em gái ngã xuống ao chết đuối. Gạt nước mắt thương mẹ, Nguyễn Khắc Điệp sang Nga du học, mong có ngày trở về giúp mẹ và em.
Tiến sĩ Phan Minh Liêm
Trung tâm ung thư MD Anderson, Texas, Mỹ
Đồ họa: Phượng Nguyễn; Video: Hoàng Hiệp

xay-dung-chien-luoc1

(DĐDN) – Hàng loạt hội nghị, hội thảo được tổ chức gần đây chỉ để trả lời câu hỏi: “Với TPP, các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh”?

 Hiệp định TPP chưa được trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 3 này, song công tác chuẩn bị đang được tiến hành tích cực để cơ quan lập pháp có thể thông qua ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV. Doanh nghiệp Việt Nam dĩ nhiên cũng cần tăng tốc chuẩn bị.

Mặt hàng gì, thị trường nào?

Hãy quan sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) – đó là lời khuyên của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Không phải ngẫu nhiên mà tỷ trọng vốn FDI đổ vào ngành công nghiệp chế biến – chế tạo luôn chiếm tỷ lệ cao hơn cả.

Ông Hải phân tích: “Xét riêng hoạt động thương mại quốc tế của nước ta, năm 2015, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một số ngành xuất khẩu lớn đóng vai trò chủ đạo như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải nhiều năm qua có sự tăng trưởng đều và khá cao”.

Vẫn theo ông Hải, các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng từ 78-95% số dòng thuế và các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…

xay-dung-chien-luoc2

Hướng đến thị trường mục tiêu nào là một câu hỏi không kém phần quan trọng khác cũng đã được chuyên gia này giải đáp. Theo ông, trong TPP, 2 thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ có quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, mỗi năm khoảng 1.800 tỷ USD với đầy đủ các chủng loại hàng hóa thuộc phẩm cấp khác nhau, có sức mua cao, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác.

Chi tiêu mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ khoảng 10-12 tỷ USD/năm
 
Chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh dệt may và giày dép – hai ngành hàng có khả năng đạt được lợi ích lớn nhất, việc có quan hệ FTA với Hoa Kỳ còn giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của nước này (và nhiều nước khác như Nhật Bản, Canada…). Đây là một lợi thế lớn so với doanh nghiệp của nhiều nước cạnh tranh với Việt Nam. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng chi tiêu mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10-12 tỷ USD; hoàn toàn có thể là một kênh tiêu thụ lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xếp ngay sau Hoa Kỳ về độ hấp dẫn, Nhật Bản cũng luôn là thị trường thương mại quan trọng, chiếm tới 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.

Trong TPP, 2 thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản
Bên cạnh đó, theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của nước ta cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này chưa thực sự lớn do khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ta chưa cao. Mặc dù vậy, một số doanh nghiệp của nước ta đã nỗ lực vươn ra một số thị trường TPP (như Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư tại Peru), tạo “bàn đạp” thâm nhập vào khu vực Trung và Nam Mỹ…

Nỗ lực không của riêng ai

Do đó, nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ.

Theo ông Trần Thanh Hải, đồng thời với những nỗ lực của nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc chủ động tận dụng tốt các lợi thế, thuận lợi của quá trình hội nhập để tham gia sâu vào phân công lao động quốc tế, chuỗi sản xuất của nhiều loại mặt hàng khác nhau; chủ động nắm bắt tình hình nhu cầu thị trường, các chính sách quản lý nhập khẩu của các nước để tránh thiệt hại do bị kiện phòng vệ thương mại tại các trang web nêu trên và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. “Không thể chần chừ hơn nữa, giờ là lúc doanh nghiệp nên mạnh tay đầu tư cho nghiên cứu và phát triển để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, nâng trình độ gia công lên những sản phẩm cao cấp, có giá trị cao hơn”, ông Tuấn thúc giục. Đặc biệt, việc cử cán bộ có trách nhiệm tham gia các chương trình tập huấn về vấn đề phòng vệ thương mại để tận dụng lợi ích từ các hiệp định và tự bảo vệ khỏi các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước cũng là một khuyến nghị mạnh mẽ từ các chuyên gia về vấn đề này.

Cam kết của các đối tác tiềm năng nhất trong TPP
 Cam kết của Hoa Kỳ

Các mặt hàng công nghiệp (trừ dệt may): 85,6% tổng số dòng thuế công nghiệp được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực (74,2% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đương với 6 tỷ USD). Vào năm thứ 10, Hoa Kỳ sẽ xóa bỏ xấp xỉ 100% số dòng thuế công nghiệp.

Thủy sản: Xóa bỏ ngay hoặc vào năm thứ 3 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (riêng cá ngừ chế biến xóa bỏ vào năm thứ 10).

Giày dép: 85% số dòng thuế giày dép được xóa bỏ ngay (tương đương 39,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,15 tỷ USD), đồng thời 3,2% số dòng thuế có kim ngạch lớn (58% kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD) Hoa Kỳ cam kết giảm ngay từ 40% – 55% mức hiện hành và xóa bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm thứ 12.

Đồ gỗ, cao su, dây cáp điện: Xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu trừ lốp ô tô (xóa bỏ thuế vào năm thứ 10) và 2 dòng thuế dây cáp điện (xóa bỏ thuế vào năm thứ 5).

Sản phẩm nhựa: 50% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại xóa bỏ sau tối đa vào năm thứ 5 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Điện, điện tử: Khoảng 80% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay, một số mặt hàng còn lại được xóa bỏ vào năm thứ 3 đến năm thứ 5 và chỉ một số ít sản phẩm được xóa bỏ vào năm thứ 10.

Dệt may: 73,1% số dòng thuế (1.182 dòng) được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, chiếm 46,1% kim ngạch (tương đương 3,5 tỷ USD); Thêm 7% số dòng thuế dệt may sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 5.

Ngay tại thời điểm bắt đầu thực hiện Hiệp định, 19,7% số dòng thuế có kim ngạch lớn, chiếm tổng số 51,3% xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ được giảm thuế suất từ 35-50% so với mức hiện hành và được xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 12 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết của Nhật Bản

Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản(tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.

Nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình so với cam kết tại Hiệp định FTA Việt Nam – Nhật Bản như đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của VN được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ…. Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong FTA Việt Nam – Nhật Bản sẽ được xóa bỏ trong TPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Giày dép: 79,5 % kim ngạch các xóa bỏ thuế vào năm thứ 10 và các mặt hàng còn lại (giày da) sẽ xóa bỏ thuế suất vào năm thứ 16.

Vali, túi xách bằng da: Xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

Dệt may: 98,8% số dòng thuế sẽ xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 97,2% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Nhật Bản. Những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế vào năm thứ 10.
Cẩm Hà

>> Các giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP

http://enternews.vn/xay-dung-chien-luoc-kinh-doanh-thoi-tpp.html 

  

 

 

Các chuyên gia và doanh nghiệp thảo luận tại hội nghị TPP hôm 8-4 tại TP.HCM. Ảnh: Thu Nguyệt
(TBKTSG Online) - “Chúng ta đã nghe nhiều về cơ hội và lợi ích của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng đây là thời gian thích hợp để thay đổi... chúng ta cần trao đổi về thách thức để cùng nhau giải quyết nhằm tận dụng cơ hội”, ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), cho biết trong một hội nghị về TPP hôm qua 8-4.

Tại hội nghị “TPP: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Nhân sự (HR Media) tổ chức tại TP.HCM, ông Nestor Scherbey cho rằng TPP là một hiệp định thương mại tự do phức tạp nhất trong lịch sử, với những cam kết dài đến 5.544 trang.

Trong đó, TPP tổng hợp tất cả những quy tắc mang tính kỹ thuật và phức tạp của Hệ thống kết hợp mã phân loại hàng hóa của thuế hải quan và những quy tắc phức tạp về Trị giá hải quan của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994. Ngoài ra, TPP cũng có rất nhiều ngoại lệ riêng. Chính điều này tạo ra những thách thức to lớn cho cả doanh nghiệp và các cán bộ Chính phủ để có thể thấu hiểu và áp dụng chính xác các tiêu chuẩn cho những trường hợp cụ thể.

Để chứng minh cho sự phức tạp của TPP, ông Nestor Scherbey đưa ra một số ví dụ về quy tắc xuất xứ trong TPP mà người nghe không thể hiểu nổi nếu không phải là doanh nghiệp trong ngành.

Chẳng hạn như, về bình đun nước sôi, có mã HS thuộc chương 84 trong biểu thuế, để đáp ứng quy tắc về xuất xứ trong TPP, mã số HS cấp độ 6 số cho bình đun nước sôi 84.02.11 phải được chuyển đổi từ phân nhóm này sang phân nhóm khác trong cấp độ 4 số, hay phải phân loại hàm lượng khu vực như 35% theo cách tính trực tiếp, hoặc 45% theo cách tính gián tiếp, hoặc 55% theo cách tính giá trị tập trung, chỉ tính tới nguyên phụ liệu không có xuất xứ của nhóm 84.02.

Hay ngoài ra, tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chứng nhận xuất xứ, nhưng TPP cũng quy định doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ trong 5 năm để phục vụ cho việc hậu kiểm. Nếu hải quan kiểm tra và phát hiện có sai phạm trong việc tự chứng nhận xuất xứ thì doanh nghiệp có thể bị chế tài rất nặng, do đó doanh nghiệp cần dành thời gian và nguồn lực để áp dụng các quy định này một cách chính xác.

Do đó, chuyên gia này cho rằng trên thực tế, thương mại tự do không hẳn là tự do.

Cũng theo ông Nestor Scherbey, TPP có hiệu lực vào năm 2017 hay 2018 không phải là điều quan trọng, vì dù 2017 hay 2018 thì thời gian còn lại cũng quá ngắn, do đó doanh nghiệp cần chuẩn bị cho TPP, và phải tìm hiểu ngay từ bây giờ các thách thức của TPP, về các quy tắc xuất xứ, các quy định về hài hoà hoá hải quan, định giá hải quan,…

“Chúng ta phải đặt câu hỏi là hiện chúng ta có bao nhiêu sản phẩm, và có biết chính xác mã HS cũng như xuất xứ cho tất cả các nguyên phụ liệu của sản phẩm đó hay không. Hãy tập trung vào thách thức đi, đừng bàn về cơ hội nữa. Thách thức là điều chúng ta phải giải quyết để tận dụng cơ hội này”, vị này nói.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, phần lớn nguyên phụ liệu của ngành may mặc nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó 60% nhập từ Trung Quốc. Do đó, từ đây đến năm 2018 (khi TPP dự kiến có hiệu lực), thực sự có nhiều doanh nghiệp may mặc rất lo vì thời gian còn quá ngắn, làm sao để chuẩn bị có nguyên liệu trong TPP nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may.

Cũng tại hội nghị, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội từ TPP bằng cách hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Theo bà Virginia Foote, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành tại Bay Global Strategies (Mỹ) và là Đồng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), một trong những điều quan trọng nhất trong TPP là hợp tác, doanh nghiệp nước ngoài cũng cần hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, và doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, bà Virginia Foote cho biết bà không thấy có sự hợp tác thực sự tại Việt Nam, vì các doanh nghiệp FDI thường đầu tư 100% vốn tại các cơ sở tại Việt Nam hơn là hợp tác kinh doanh. “Phải làm sao kết hợp được FDI và trong nước”, bà Virginia Foote nói.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, hiện đã có không ít doanh nghiệp FDI đang và chuẩn bị đầu tư dệt nhuộm tại Việt Nam, nhưng trong đó có những doanh nghiệp đầu tư khép kín từ kéo sợi đến cắt – may. Ông Hồng cho rằng, doanh nghiệp FDI không nên đầu tư khép kín như hiện nay mà nên liên kết với doanh nghiệp Việt Nam vì may mặc là thế mạnh của Việt Nam.

Tại Việt Nam, ưu thế của doanh nghiệp FDI ngày càng rõ, với việc chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng điều khác biệt ở Việt Nam so với Trung Quốc hay một số nước ASEAN khác là sự tách biệt giữa doanh nghiệp FDI và trong nước, không có liên kết giữa hai bên được dẫn dắt bởi ngành công nghiệp phụ trợ, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright.

“Liệu có động lực để Việt Nam tăng trưởng mà không dựa vào lao động giá rẻ, doanh nghiệp FDI, mà dựa vào sự phát triển trỗi dậy của các ngành kinh tế trong nước liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Thành đặt vấn đề.

Theo bà Virginia Foote, trong mùa hè năm nay, Quốc hội Mỹ bắt đầu tiến trình phê chuẩn hiệp định TPP. Mỗi nước TPP có quy trình phê chuẩn khác nhau. Các nước TPP được kỳ vọng triển khai các quy định cần thiết để hiệp định này có thể thực thi vào năm 2018.

Bà Virginia Foote cho rằng Việt Nam có nhiều quy định pháp luật cần phải điều chỉnh so với các nước khác trong TPP, nên bà hy vọng Việt Nam làm nhanh hơn để đáp ứng yêu cầu của TPP, cũng như hoàn tất các công việc liên quan đến pháp lý vào cuối năm 2017.

Trong vòng hai năm sau khi các nước ký kết TPP, hiệp định này sẽ có hiệu lực vào thời điểm 60 ngày sau khi tất cả các nước thành viên phê chuẩn và sẵn sàng để thực thi. Nếu trong hai năm mà hiệp định này không được đầy đủ 12 nước thành viên phê chuẩn, TPP vẫn sẽ có hiệu lực sau 60 ngày sau khi được 85% số thành viên TPP phê chuẩn. Các nước thành viên còn lại có thể tham gia TPP sau khi đã phê chuẩn và thực thi các cam kết.

http://www.thesaigontimes.vn/144804/Tap-trung-vao-thach-thuc-dung-ban-co-hoi-tu-TPP-nua.html

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.