tháng 3 2017


Đầu tháng 3, chính thức kết thúc hợp đồng với đơn vị. Đến giữa tháng quyết đinh đi đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vì dù sao 4 năm 6 tháng qua mình cũng phải đóng đầy đủ, không sót tháng nào. Nhưng do thiếu sổ BHXH - mà đơn vị hẹn đến cuối tháng có sẽ gọi lên, thế là chờ. Ngày 30, bên đơn vị nói có, thế là chiều mình lên lấy sổ BHXH.

Qua ngày 31/3, sáng sớm đưa vợ đi chợ xong cũng 9g, liền chạy lên trung tâm ở Bình Thạnh. Lên đến nơi do đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nên bốc số ngồi chờ. Số thứ tự mình 1060, đến nơi đang giải quyết số 1045, thế là ngồi chờ. Đi vôi photo 2 sổ BHXH, có 8 tờ mà chỗ photo của Trung tâm Bình Thạnh này lấy 10.000, đúng là lạm thu, lạm quyền.

Ngồi chờ một hồi thiệt lâu, đến số mình thì hí hửng mang lên cho "đầy tớ" xem. Hồ sơ đầy đủ, giấy tờ rõ ràng, "đầy tớ" xem xét xong bảo ngày 3/5 quay lại lấy kết quả. Định mệnh cuộc đời sao trớ trêu vậy??? Mình nghỉ 1/3, 30/3 có sổ, 31/3 mang sổ đi làm thủ tục rồi giờ hẹn 3/5 lên lấy kết quả??? Trong thời gian đó thì tiền trợ cấp thất nghiệp của mình đâu???

Đúng là quan liêu, đúng quy trình. Théo nào mà đúng quy trình áp dụng cho tất cả mọi người, mà dân đen thì chịu thiệt mà mấy ông quan chức, đầy tớ thì lại giàu có là sao??? Công lý ở đâu???


1.1 Kế hoạch xét hỏi
Hỏi người bị kiện 
- Ông cho biết căn cứ pháp lý để ban hành QĐ 643 ngày 19 tháng 5 năm 2013 về việc cấp đất cho ông Hoàng Văn Tuấn là gì?
- Đất được cấp cho ông Hoàng Văn Tuấn có đang tranh chấp hay không?
- Ông cho biết thẩm quyền cấp đất dành cho hộ gia đình là của ai?
- Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền cấp đất cho hộ gia đình hay không?
- Giấy chứng nhận số 94/CN ngày 01/7/1992 là cấp nhà hay cấp đất cho ông Hoàng Văn Ngọc.
- Ông cho biết nếu người đã qua đời không để lại di chúc, thì tài sản được phân chia theo quy định của pháp luật là đúng hay sai?
- Nếu nhiều người đồng thừa kế cùng ủy quyền cho một người thừa kế, thì phải có xác nhận của tất cả các người đồng thừa kế là đúng hay sai?

Hỏi người liên quan:
- Ông cho biết, đất ông đang sử dụng có nguồn gốc từ năm 1992 đúng hay sai?
- Đất này do nông trường Thanh Khê cấp cho ông theo diện kinh tế mới đúng hay sai?
- Vậy đất ông đang sử dụng là do nông trường Thanh Khê cấp cho cha ông là Hoàng Văn Ngọc theo diện kinh tế mới là đúng hay sai?
- Khi tiến hành xin cấp GCNQSDD với cơ quan Nhà nước, đất ông đang sử dụng có tranh chấp với ai hay không?
- Ông cho biết cha ông và bà nội của ông qua đời vào năm nào?
- Trước khi qua đời, cha ông có để lại di chúc hay không?
- Ông có bao nhiêu anh chị em và mẹ ông hiện đang ở đâu?
- Khi đứng tên nhận thừa kế, ông có được các anh chị em và mẹ ông cùng ký xác nhận để ông được nhận toàn bộ thừa kế hay không?
- Bà nội của ông là bà Lê Thị Khuyên có ký xác nhận để ông được nhận toàn bộ thừa kế hay không?
- Trước năm 1992 bà Ngoan sinh sống tại đâu? Với ai?
- Trước năm 1992, ông nội của ông là ông Hoàng Văn Bảy có được nông trường Thanh Khê cấp đất theo diện kinh tế mới hay không?
- Đất ông đang sử dụng có phải nguồn gốc do nông trường Thanh Khê cấp cho ông nội của ông hay không?

Hỏi người khởi kiện:
- Bà Thanh cho biết lý do thực hiện đại diện ủy quyền cho bà Hoàng Thị Ngoan?
- Bà Thanh cho biết nguồn gốc đất được cấp cho ông Hoàng Văn Tuấn theo QĐ 643 trên đây là từ đâu mà có?
- Bà biết sự việc sổ hộ khẩu tại căn nhà số 5B/33 ấp 9, xã Thanh Tảo, huyện Bình Đà, TP. H không có tên mẹ bà là Lê Thị Khuyên và em bà là Hoàng Thị Ngoan khi nào?
- Khi biết sự việc trên, bà đã làm gì?
- Trước ngày 19 tháng 5 năm 2013, ấp 9 và UBND xã Thanh Tảo có tổ chức họp mặt các bên để giải quyết tranh chấp đất tại căn nhà 5B/33 trên đây không?
- Khi quyết định khởi kiện ra Tòa, nguyện vọng của bà đối với thửa đất 5B/33 trên đây là gì?

1.2 Bài luận cứ
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị đại diện Viện kiểm sát, vị đại diện UBND huyện Bình Đà cùng luật sư đồng nghiệp và tất cả mọi người đang có mặt trong khán phòng ngày hôm nay, tôi là Nguyễn A – luật sư thuộc VPLS A., Đoàn luật sư TP. H.

Hôm nay, tôi có mặt trong phiên tòa này vơi tư cách là người bảo vệ cho bà Hoàng Thị Ngoan – người có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng từ QĐ 643/QĐ-UB do UBND huyện Bình Đà ban hành ngày 19 tháng 5 năm 2013 cấp GCNQSDĐ cho ông Hoàng Văn Tuấn. Bà Ngoan đã có giấy ủy quyền cho bà Hoàng Thị Thanh – chị ruột, thay mặt bà tham gia phiên Tòa hôm nay.

Dựa trên hồ sơ vụ án, quá trình thẩm vấn công khai tại phiên Tòa, tôi cho rằng có đầy đủ căn cứ pháp lý để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị Ngoan và tuyên hủy toàn bộ QĐ 643 trên đây. Sau đây tôi xin trình bày các căn cứ pháp lý này:

Thứ nhất, QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 được ban hành sai thẩm quyền.
Khoản 2 Điều 52 Luật Đất đai 2003, quy định về thẩm quyền cấp GCNQSDĐ đối với hộ gia đình như sau:

“2. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.”

Đối chiếu với QĐ 643, phần xác định thẩm quyền ban hành trong quyết định đã thể hiện người ký ban hành là Phó Chủ tịch ký thay Chủ tịch UBND huyện Bình Đà. Như vậy, căn cứ vào Khoản 2 Điều 52 LĐĐ 2003, QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 đã ban hành sai về mặt thẳm quyền.

Thứ hai, QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 được ban hành trái với trình tự cấp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.

Ngày 19/5/2013, ông Hoàng Văn Tuấn được UBND huyện Bình Đà cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất tại địa chỉ 5B/31 ấp 9, xã Thanh Tảo, huyện Bình Đà, TP. H. Nhưng trước đó, bà Hoàng Thị Ngoan và bà Lê Thị Khuyên đã có đơn xin giải quyết tranh chấp tại chính thửa đất này. Cụ thể ngày tháng gửi đơn như sau:

Ngày 14/5/2010, bà Hoàng Thị Ngoan gửi “Đơn yêu cầu xin xác nhận chủ quyền đất” đến chính quyền ấp 9, xã Thanh Tảo. Nội dung đơn tại bút lục 31. Đơn này đã được ông trưởng ấp 9 Phạm Tuấn Hợi ký tên xác nhận. Ngoài ra, đơn còn kèm theo sổ hộ khẩu NK4 thể hiện cha mẹ bà Ngoan và bà Ngoan là người có tên trong hộ khẩu này.

Ngày 06/02/2013, bà Lê Thị Khuyên gửi “Đơn yêu cầu” đến UBND xã Thanh Tảo với nội dung xin cấp chủ quyền đất cho con bà là Hoàng Thị Ngoan. Nội dung đơn tại bút lục 32.

Ngày 30/4/2013, bà Hoàng Thị Ngoan gửi “Đơn yêu cầu” đến UBND xã Thanh Tảo với nội dung tương tự như trên. Nội dung đơn tại bút lục 33.

Qua những đơn từ trên đây đã thể hiện thửa đất 5B/31 hiện đang có tranh chấp giữa các bên trong gia đình ông Hoàng Văn Tuấn. 

Căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 48 NĐ 181/2004/NĐ-CP hướng đẫn thi hành LĐĐ 2003 quy định về cấp GCNQSDĐ như sau:

“2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà toàn bộ thửa đất hoặc một phần thửa đất không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất không có giấy tờ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đất không có tranh chấp;”

Như vậy, vì thửa đất tại địa chỉ 5B/31 ấp 5, xã Thanh Tảo, huyện Bình Đà, TP. H. hiện đang có tranh chấp nên UBND huyện Bình Đà không được phép cấp GCNQSDĐ cho bất cứ ai cho đến khi tranh chấp được giải quyết xong. Do đó, QĐ 643 ngày 19/5/2013 đã được ban hành trái với trình tự cấp GCNQSDĐ theo luật định.

Thứ ba, QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 được ban hành dựa trên căn cứ không chính xác.

Trước tiên, QĐ 643 ban hành dựa trên tờ trình ngày 01/5/2013 của trưởng phòng TN & MT huyện Bình Đà. Nội dung tờ trình cho rằng thửa đất 5B/31 không có tranh chấp là sai so với thực tế, nội dung tranh chấp đã được trình bày ở trên.

Tiếp theo, nội dung tờ trình ghi rằng “đất do nông trường Thanh Khê quản lý cấp cho dân đi kinh tế mới, gia đình Hoàng Văn Ngọc được cấp nhà đất vào năm 1992” dựa vào GCN 94/CN ngày 01/7/1992 do nông trường Thanh Khê cấp là sai về mặt nội dung căn cứ. Tại bút lục số 19 thể hiện nội dung giấy chứng nhận, ông Hoàng Văn Ngọc là chủ hộ căn nhà số 8 dãy T40 lô 7 (nay là địa chỉ 5B/31) chỉ được cấp ngôi nhà vách lá, không thể hiện nội dung ông Ngọc được cấp đất tại địa chỉ này. Do đó, căn cứ viện dẫn của Trưởng phòng TN & MT huyện Bình Đà là sai về mặt thực tế.

Thứ tư, QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 được ban hành không đúng theo quy định về thừa kế.

Ông Ngọc qua đời ngày 16/5/2010, mẹ ông là bà Lê Thị Khuyên qua đời sau đó 3 năm vào ngày 02/4/2013. Trước khi mất, ông Ngọc không để lại di chúc, do đó toàn bộ tài sản của ông được chia theo pháp luật.

Điểm a Khoản 1 Điều 676 BLDS 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;”

Căn cứ vào lời khai của bà Hoàng Thị Thanh tại bút lục 59 và lời trình bày của ông Tuấn tại phiên Tòa hôm nay, ông Ngọc có tất cả 6 người con và vợ ông hiện nay vẫn còn sống, cùng với tại thời điểm ông Ngọc qua đời, mẹ ông là bà Lê Thị Khuyên vẫn còn. Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật trên đây, toàn bộ tài sản của ông phải được chia đều thành 8 phần, bao gồm: 6 người con, 1 người vợ và mẹ ruột. Nếu có sự thay đổi về phân chia thừa kế, phải có đồng ý của tất cả 8 người đồng thừa kế trên đây.

Trong nội dung giấy ủy quyền nhận thừa kế ngày 17/3/2010 cho ông Hoàng Văn Tuấn, chỉ có xác nhận của 3 người là Hoàng Văn Tăng, Hoàng Thị Vân, Hoàng Thị Lệ. Như vậy là còn thiếu 4 người đồng thừa kế. Do đó, nội dung ủy quyền này không hợp lệ, trái với quy định của pháp luật, dẫn đến việc QĐ 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 cũng được ban hành trái pháp luật.

Kính thưa HĐXX, dựa vào những phân tích ở trên cùng với các cơ sở pháp lý được viện dẫn, căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 163 Luật TTHC 2010, tôi kính đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị Ngoan, tuyên hủy toàn bộ Quyết định 643/QĐ-UB ngày 19/5/2013 do Chủ tịch UBND huyện Bình Đà ban hành.

Trên đây là toàn bộ quan điểm trình bày của tôi, kính mong HĐXX xem xét. Xin trân trọng cảm ơn HĐXX và mọi người đã chú ý lắng nghe!


1.1 Kế hoạch xét hỏi
Hỏi người bị kiện 
- Ông Thành cho biết căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để Thanh tra Sở VHTT-DL G. ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 23/QĐ-XP ngày 10 tháng 03 năm 2014 đối với bà Nguyễn Thị Tuyết?
- Theo QĐ 23, bà Tuyết đã có hành vi vi phạm gì? Mức xử phạt là bao nhiêu?
- Theo Biên bản số 11/BB-VPHC ngày 23 tháng 12 năm 2013 do Đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở VHTT-DL lập, bà Tuyết đã vi phạm về nội dung gì?
- Ông cho biết, vì sao QĐ 23 ban hành ngày 10/3/2014 dựa trên BB 11 ngày 23/12/2013 nhưng lại có nội dung xử phạt khác hoàn toàn?
- Ông cho biết Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm quy định tại Điều 25  Mục II Chương 2 Nghị định 167/2013 ngày 12 tháng 11 năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì thẩm quyền xử phạt thuộc về Thanh tra LĐTB-XH hay Thanh tra VHTT-DL?
- Như vậy, ông cho biết hành vi vi phạm trong QĐ 23 thuộc thẩm quyền xử phạt của ai?
- Ông cho biết thời hạn ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với trường hợp của bà Tuyết tối đa bao nhiêu ngày?
- Như vậy, QĐ 23 ban hành ngày 10 tháng 3 năm 2014 đã vượt quá thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Tuyết kể từ ngày lập biên bản xử lý vi phạm là đúng hay sai?

Hỏi người khởi kiện:
- Bà Tuyết cho biết ngày 23 tháng 12 năm 2013, nhà trọ Hoàng Lan do bà làm chủ đã xảy ra sự việc gì?
- Biên bản 11 ngày 23 tháng 12 năm 2013 do Thanh tra VHTT-DL lập có nội dung như thế nào?
- Nội dung biên bản 11 có đúng với sự việc diễn ra vào tối 23 tháng 12 năm 2013 hay không?
- Bà nhận được QĐ 23 ngày 10 tháng 3 năm 2014 vào ngày tháng năm nào?
- Nội dung xử phạt trong QĐ 23 là gì?
- Bà Tuyết khẳng định cho HĐXX biết bà có hành vi vi phạm như trong QĐ 23 đã nêu hay không?
- Bà giải thích như thế nào đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Lành không được ghi tên vào sổ đăng ký của nhà trọ Hoàng Lan?
- QĐ 23 đã gây ra những ảnh hưởng như thế nào cho công việc và cuộc sống của bà?
- Trong phiên tòa này, bà mong muốn HĐXX làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bà?

1.2 Bài luận cứ
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa vị đại diện Viện kiểm sát, vị đại diện Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch tỉnh P. cùng luật sư đồng nghiệp và tất cả mọi người đang có mặt trong khán phòng ngày hôm nay, tôi là Nguyễn A – luật sư thuộc VPLS A., Đoàn luật sư tỉnh G.

Hôm nay, tôi có mặt trong phiên tòa này vơi tư cách là người bảo vệ cho quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của bà Nguyễn Thị Tuyết – là người bị xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 23/QĐ-XP ngày 10 tháng 3 năm 2014 do Chánh thanh tra Sở VHTT-DL tỉnh G. ký quyết định ban hành. Quyết định số 23 đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của bà Tuyết, đã xử phạt bà Tuyết lỗi phạt mà bà Tuyết không hề vi phạm,  do đó bà Tuyết đề nghị quý Tòa tuyên hủy toàn bộ Quyết định số 23 trên đây.

Quyết định số 23 trên đây được ban hành dựa trên Biên bản xử lý vi phạm hành chính số 11/BB-VPHC ngày 23 tháng 12 năm 2013 do Đoàn kiểm tra của Thanh tra Sở VHTT-DL tỉnh G. lập lúc 21g10’ cùng ngày đối với hoạt động bị cho là vi phạm hành chính của bà Tuyết trong quá trình quản lý cơ sở kinh doanh của mình là nhà trọ Hoàng Lan. Sự việc được tóm tắt ngắn gọn như sau:

Vào thời điểm ban tối khi Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra nhà nghỉ Hoàng Lan, tại phòng số 11 có ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành đang có quan hệ vợ chồng với nhau, trong đó bà Nguyễn Thị Lành không được chủ cơ sở nhà nghỉ Hoàng Lan ghi tên vào sổ lưu trú của cơ sở. Tiếp theo, khi kiểm tra tại phòng số 9 thì bắt gặp ông Phan Văn và bà Nguyễn Thị Thùy đang cùng nằm xem tivi. Trên cơ sở kiểm tra hai phòng này, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính số 11 đối với bà Tuyết. Trong Biên bản số 11 này, Đoàn kiểm tra chỉ kết luận “chủ cơ sở nhà trọ Hoàng Lan thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hành vi vi phạm như trên.”

Vậy mà trong QĐ số 23 ban hành hơn 2 tháng sau ngày lập Biên bản số 11, Chánh thanh tra Sở VHTT-DL tỉnh G. lại xử phạt bà Tuyết về tội (xin được trích dẫn nguyên văn): “thiếu tinh thần trách nhiệm tạo điều kiện cho người khác lợi dụng cơ sở  kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để tổ chức hoạt động mại dâm” với mức phạt 15.000.000 đồng căn cứ vào Khoản 1 Điều 25 NĐ 167/2013/NĐ-CP. Như vậy, có thể thấy rằng Quyết định 23 này đã xử phạt bà Tuyết một lỗi vi phạm mà bà không hề thực hiện và Biên bản số 11 xử lý vi phạm ngày 23/12/2013 không hề đề cập đến.

Ngoài nội dung không đúng với thực tế sự việc đã diễn ra, Quyết định 23 còn vi phạm nghiêm trọng các quy định về thẩm quyền, căn cứ pháp lý và thời hiệu xử phạt. Đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyết, tôi xin đề nghị HĐXX tuyên hủy toàn bộ Quyết định 23 vì những lý do sau:

1. Quyết định 23 ban hành dựa trên Biên bản 11 nhưng Biên bản 11 lại căn cứ vào Nghị định 158/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hoàn toàn không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

2. Biên bản số 11 không kết luận bà Tuyết có hành vi thiếu trách nhiệm để người khác lợi dụng thực hiện việc mua bán dâm nhưng Quyết định 23 lại xử lý vi phạm hành chính đối với bà Tuyết về hành vi này.

3. Căn cứ vào Điều 58 Luật XLVPHC 2012, Biên bản làm việc số 11 ngày 9/3/2014 tại trụ sở Sở VHTT-DL tỉnh G. chỉ được lập 01 bản và cho rằng bà Tuyết đã ký tên thừa nhận hành vi như QĐ 23 nêu ra là không có giá trị pháp lý vì đây không phải biên bản vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, phải được lập tại thời điểm và tại nơi xảy ra vi phạm và lập thành ít nhất 02 bản có giá trị pháp lý như nhau. Do đó, Biên bản làm việc số 11 ngày 9/3/2014 tại trụ sở Sở VHTT-DL tỉnh G không có giá trị pháp lý làm chứng cứ trong phiên tòa ngày hôm nay.

4. Căn cứ Điểm e Khoản 2 Điều 6 TT 33/2010 ngày 05/10/2010 của Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Thường và bà Nguyễn Thị Lành lưu trú tại phòng số 11 và ông Phan Văn cùng bà Nguyễn Thị Thùy tại phòng số 9 không bắt buộc phải xuất trình giấy đăng ký kết hôn khi vào nhà trọ.

5. Tất cả các đôi lưu trú tại phòng 9 và 11 trên đều có bản tường trình ngay sau khi Đoàn kiểm tra kiểm tra và có đầy đủ thông tin cá nhân của từng người, hoàn toàn không có việc mua bán dâm như QĐ 23 đề cập.

6. Bà Tuyết đề nghị được nộp phạt khung thấp nhất vì bà Tuyết thừa nhận mình sai trong việc không ghi tên bà Nguyễn Thị Lành vào sổ quản lý như quy định, nên  chấp nhận chịu xử phạt đúng với lỗi vi phạm và xin xử phạt ở mức thấp nhất, bà Tuyết không hề thừa nhận mình có hành vi thiếu trách nhiệm để người khác lợi dụng thực hiện mua bán dâm như QĐ 23 đã khẳng định.

7. Căn cứ vào Điều 66 Luật XLVPHC năm 2012 về “Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, kể từ thời điểm kiểm tra nhà trọ Hoàng Lan ngày 23/12/2013 đến ngày ra Quyết định xử phạt hành chính ngày 10/3/2014 là 77 ngày, tức đã vượt quá thời hạn 60 ngày ra Quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật.

8. Và quan trọng hơn hết, căn cứ Điều 69 NĐ 167/2013 ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định về Thẩm quyền xử phạt hành chính của Thanh tra, Quản lý thị trường thì nội dung xử phạt của Quyết định 23 thuộc thẩm quyền ban hành của Thanh tra Lao động - Thương binh và Xã hội, không phải thẩm quyền của Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kính thưa Qúy Tòa, bà Tuyết thừa nhận mình đã có sai sót khi không ghi tên khách lưu trú theo quy định và sẵn sàng chịu mọi hình thức chế tài đúng pháp luật. Tuy nhiên, Quyết định 23 đã căn cứ vào hành vi mà bà Tuyết không hề thực hiện để xử phạt, qua đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Tuyết. Đồng thời, Quyết định 23 đã được ban hành trái thẩm quyền, vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Vì vậy, cùng với những phân tích ở trên, căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 163 Luật TTHC 2010, kính đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy toàn bộ Quyết định 23 ngày 10/3/2014 do Chánh Thanh tra Sở VHTT-DL tỉnh G. ban hành.

Trên đây là toàn bộ quan điểm trình bày của tôi, kính mong HĐXX xem xét để thân chủ tôi là bà Nguyễn Thị Tuyết được đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn!


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ - Abraham Lincoln đã từng nói: "Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu". Câu nói của ông mang nhiều ý nghĩa, bài học cho cuộc sống cũng như công việc, một trong số đó là về sự chuẩn bị. Trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ công việc nào, chúng ta đều cần suy nghĩ, nghiền ngẫm và chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi thứ có liên quan để công việc đó đạt được kết quả như ý muốn. Nghề luật sư cũng thế và một trong số đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng mọi vấn đề cần thiết trước khi bắt tay soạn thảo hợp đồng lại càng đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo hơn nữa của người luật sư.

Trong thực tiễn các hoạt động có liên quan đến việc xác lập hợp đồng giữa các bên, những tranh chấp xảy ra thường xoay quanh các điều khoản trong hợp đồng.  Những điều khoản được biên soạn không kỹ lưỡng, thiếu thống nhất về mặt ngữ nghĩa, nội dung biên soạn thừa hoặc thiếu, giải thích không rõ ràng là một trong những lý do phát sinh rủi ro và tranh chấp khi hợp đồng có hiệu lực.

Việc biên soạn hợp đồng ngoài việc xoay quanh mục đích các bên hướng đến, còn phải mang tính dự liệu những biện pháp đối với các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Thật vậy, bất kỳ loại hợp đồng nào – đặc biệt là loại hợp đồng trong hoạt động kinh doanh thương mại, luôn tiềm ẩn những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện mà nguyên nhân có thể là: sự thiếu thiện chí của các bên, giải thích sai hợp đồng, lợi dụng kẽ hở trong hợp đồng nhằm mục đích trục lợi bất chính, những sự kiện bất khả kháng mà nội dung hợp đồng không đề cập, các vấn đề mang tính nguyên tắc, chuyên sâu của mục đích, ngành nghề mà hợp đồng hướng đến không được quy định rõ ràng, cụ thể…

Bản chất hợp đồng là sự thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp của các bên và mang tính ràng buộc, buộc tuân thủ về quyền lời và nghĩa vụ của bên này với bên kia và ngược lại. Nếu có tranh chấp phát sinh, bên thứ ba sẽ tùy vào nội dung hợp đồng (không xét trường hợp vô hiệu) để bắt buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình được quy định trong hợp đồng. Nếu hợp đồng rơi vào trường hợp vô hiệu nhưng có bất lợi, thiệt hại cho một trong các bên thì nghĩa vụ bồi thường của bên gây ra thiệt hại sẽ căn cứ nhiều nhất vào các điều khoản, quy định trong hợp đồng cùng những điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

Với vị trí của nghề luật sư đang dần được nâng cao trong xã hội, việc nhờ cậy đến sự giúp đỡ của luật sư trong việc thương thảo, đàm phán, soạn thảo hợp đồng là yêu cầu, nhu cầu tất yếu của xã hội. Người luật sư đòi hỏi trước tiên phải có nền tảng pháp lý vững chắc, sau đến là hiểu biết chuyên sâu về một hoặc một số lĩnh vực nhất định và cuối cùng là kinh nghiệm sống phong phú. Đây là những yêu cầu bắt buộc phải có để luật sư soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng.

Nội dung hợp đồng thường xoay quanh lợi ích kinh tế, vật chất giữa các bên. Lĩnh vực hợp đồng hướng đến thường đòi hỏi nhiều kiến thức, vấn đề mang tính chuyên ngành, chuyên môn của lĩnh vực đó. Vì vậy, hợp đồng tự bản chất đã mang trong mình bản chất lợi ích và yêu cầu chuyên môn chuyên sâu. Do đó, khi soạn thảo, người luật sư đòi hỏi các kỹ năng trên cùng việc nắm vững hai nguyên tắc này để xây dựng một bản hợp đồng phù hợp nhất, bảo vệ lợi ích chính đáng tốt nhất cho khách hàng.

Với những lý do trên, học viên chọn đề tài “Các công việc luật sư cần thực hiện trước khi soạn thảo hợp đồng cho khách hàng” cho bài thu hoạch của mình nhằm có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn, sâu sắc hơn các công việc liên quan đến việc soạn thảo hợp đồng mà luật sư cần thực hiện trước khi chính thức soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng.

2. Đối tượng và phạm vi tìm hiểu
Đối tượng: những công việc luật sư cần thực hiện trước khi soạn thảo hợp đồng cho khách hàng. 
Phạm vi:
Giai đoạn trước khi soạn thảo hợp đồng dành cho khách hàng.
3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tìm kiếm, phân tích và tổng hợp tài liệu: phương pháp này được thực hiện bằng cách tìm kiếm các tài liệu liên quan đến lĩnh vực hợp đồng, công việc của luật sư về soản thảo hợp đồng và các văn bản quản lý Nhà nước có liên quan đến hợp đồng.

4. Kết cấu của báo cáo
Chương I: Một số vấn đề lý luận về hợp đồng.
Chương II: Các công việc luật sư cần thực hiện trước khi soạn thảo hợp đồng.
Chương III: Công việc soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng.
---//---

CHƯƠNG I.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG.
1.1 Một số khái niệm 
Theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông do Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2002, hợp đồng được định nghĩa: là sự thỏa thuận, giao ước giữa hai hay nhiều bên quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia, thường được viết thành văn bản. Theo đó, cách hiểu phổ thông biết rằng hợp đồng phải có từ hai bên trở lên tham gia, cùng quy định quyền và nghĩa vụ của các bên về một vấn đề nào đó.

Đối với quy định của pháp luật, Bộ luật Dân sự 2005 (BLDS 2005) tại Điều 121 đã quy định: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ quy định này, có thể thấy rằng hợp đồng là một loại giao dịch dân sự được pháp luật bảo đảm thực hiện nếu tuân thủ các “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” được quy định tại Điều 122 BLDS 2005.

Cũng trong BLDS 2005, tại Điều 388 đã quy định: Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đồng thời, BLDS 2005 cũng quy định một số loại hợp đồng dân sự như hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng ủy quyền…

Mặc dù ngay tại Điều 1 BLDS 2005 đã quy định về Phạm vi điều chỉnh của BLDS đối với các quan hệ dân sự trong xã hội – cách riêng đối với hợp đồng, nhưng trong thực tiễn áp dụng đã không tránh khỏi sơ sót của những người áp dụng các quy định của pháp luật về hợp đồng trong lĩnh từng vực cụ thể như thương mại, lao động, tín dụng… do chỉ tìm hiểu hợp đồng thông qua luật chuyên ngành. Do đó, tại BLDS 2015 (sẽ có hiệu lực từ 01/01/2017), “Điều 385: Khái niệm hợp đồng” đã định nghĩa “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Ngoài ra, theo Điều 406 BLDS 2005 thì tùy theo tiêu chí, hợp đồng còn có thể phân thành nhiều loại như: hợp đồng song vụ, hợp đồng đơn vụ, hợp đồng chính, hợp đồng phụ, hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, hợp đồng có điều kiện.

Như vậy, qua thực tiễn hoạt động xã hội và việc thay đổi quy định pháp luật theo chiều hướng điều tiết các quan hệ xã hội ngày một hiệu quả, chuẩn mực hơn, khái niệm hợp đồng đã được phân định cụ thể và rõ ràng hơn.

Ngoài những quy định chung về hợp đồng nêu trên, trong thực tiễn xã hội còn có những loại hợp đồng khác như hợp đồng thương mại, hợp đồng lao động; hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo thời gian… (Điều 62 Luật Đấu thầu 2013); hợp đồng hợp tác kinh doanh… Các loại hợp đồng này được quy định theo luật chuyên ngành hoặc qua thực tiễn áp dụng pháp luật mà được các bên giao kết hợp đồng lựa chọn làm tên gọi nhằm thể hiện chính xác mục đích giao kết của mình.

Tóm lại, định nghĩa hợp đồng đã được quy định tại BLDS, tùy theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, tiêu chí sẽ có những loại hợp đồng khác nhau. Hợp đồng phải có ít nhất hai chủ thể tham gia. Hợp đồng phải quy định quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng thường được soạn thành văn bản (vì pháp luật vẫn đảm bảo thực hiện hợp đồng miệng nếu đúng pháp luật).

1.2 Soạn thảo hợp đồng
Soạn thảo hợp đồng là một công việc không hề đơn giản nếu thực hiện một cách nghiêm túc và chuẩn mực. Thật vậy, cho dù chỉ là một thỏa thuận thuê một căn phòng nhỏ khoảng 10 m2 để ở, nếu phải lập hợp đồng để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên thuê và cho thuê, sẽ phải thể hiện rất nhiều nội dung, như: thời gian thuê, thời hạn thanh toán, điều kiện thanh toán, thời gian sử dụng, điều kiện sửa chữa, nâng cấp, trường hợp cho thuê lại, trường hợp hư  hỏng do khách quan, chủ quan…

Suy rộng ra, nếu các bên cùng xác lập một hợp đồng mà giá trị lợi ích hay mục đích hướng đến về vật chất hoặc tinh thần đều mang ý nghĩa đặc biệt giữa các bên, thì nội dung và hình thức được thể hiện trong hợp đồng phải rất kỹ lưỡng, thận trọng và trang trọng.

Như định nghĩa đã nêu, các quan hệ xã hội đã làm phát sinh rất nhiều loại hợp đồng và pháp luật chỉ quy định những loại hợp đồng mang chất tiêu biểu, thông dụng. Cùng với việc mỗi hợp đồng sẽ có những độ phức tạp khác nhau liên quan đến những chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể trong xã hội. Do đó, việc soạn thảo hợp đồng đòi hỏi không những nội dung thể hiện phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể, đúng chuyên ngành, lĩnh vực mà hình thức thể hiện cũng phải rõ ràng, phù hợp với chuyên ngành, mục đích, nội dung mà hợp đồng hướng đến. Vì vậy khi soạn thảo hợp đồng, cần lưu ý hai vấn đề gồm: hình thức và nội dung.

1.2.1 Hình thức
Hình thức của hợp đồng là cách thức biểu hiện ra bên ngoài của những nội dung  dưới một dạng vật chất hữu hình nhất định. Theo đó, những điều khoản mà các bên đã cam kết thỏa thuận phải được thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức nhất định, hay nói cách khác hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. BLDS 2005 đã quy định về hình thức của hợp đồng như sau:

“Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự
1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.
Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Như vậy, xét trên tiêu chí quy định của pháp luật, hình thức hợp đồng chia thành hai loại:
- Hình thức hợp đồng không buộc tuân theo quy định của pháp luật
- Hình thức hợp đồng buộc phải tuân theo quy định của pháp luật
Các hình thức này có thể được thể hiện dưới ba dạng:
- Lời nói
- Văn bản
- Hành vi cụ thể

Trong thực tiễn cuộc sống, các dạng hình thức trên đây đều được áp dụng và hình thức hợp đồng bằng văn bản có thể được xem là sử dụng nhiều nhất. Hợp đồng văn bản tùy tính chất, mức độ, tầm quan trọng của nội dung mà nó thể hiện sẽ phải buộc tuân hoặc không tuân theo một hình thức nhất định của pháp luật. Thường hình thức mà pháp luật buộc phải tuân theo là công chứng hoặc chứng thực, hoặc đăng ký, xin phép ở một số trường hợp ít thông dụng khác. 

Khi soạn thảo hợp đồng, bắt buộc người soạn thảo phải hình thành một văn bản vật chất cụ thể và các bên đều phải giữ các văn bản giống nhau, có hiệu lực như nhau. Căn cứ vào văn bản hợp đồng các bên dễ dàng thực hiện quyền của mình và thực hiện quyền yêu cầu của mình đối với bên kia vì vậy bản hợp đồng đó coi như là một bằng chứng, chứng minh quyền dân sự của mình. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý vững chắc hơn so với các hình thức còn lại.

Ngoài ra, vì phải soạn thảo hợp đồng thành một văn bản nhất định, mang tính chất và nội dung quan trọng đối với các bên, nên ngoài những quy định cơ bản về hình thức hợp đồng đã được pháp luật quy định, người soạn thảo còn phải tuân theo các nguyên tắc soạn thảo văn bản khác như tính logic, tính hợp lý, bố cục các phần trong hợp đồng, ngôn ngữ, văn phong sử dụng phải phù hợp với ngữ cảnh, nội dung thể hiện bên trong hợp đồng… Mặt hình thức này của hợp đồng tuy không được BLDS quy định, nhưng trong thực tiễn soạn thảo hợp đồng lại đóng một vai trò hết sức quan trọng cho việc lựa chọn, thực hiện và tuân theo nội dung hợp đồng được thể hiện.

Như vậy, về mặt hình thức, pháp luật đã có những quy định chung nhất để hợp đồng được bảo đảm thực hiện hoặc không thực hiện vì quyền lợi chính đáng giữa các bên. Cùng với đó, trong thực tiễn, hình thức hợp đồng còn phải tuân theo các nguyên tắc nhất định nhằm chuyển tải một nội dung chính xác và phù hợp theo yêu cầu của các bên liên quan trong hợp đồng.

1.2.2 Nội dung
Nội dung hợp đồng là tổng thể những vấn đề, sự việc thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết hợp đồng đúng theo quy định của pháp luật. Điều 402 BLDS 2005 quy định về nội dung của hợp đồng dân sự như sau: 

“Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:
1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm
2. Số lượng, chất lượng;
3. Giá, phương thức thanh toán;
4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Phạt vi phạm hợp đồng;
8. Các nội dung khác”

Pháp luật đã quy định những nội dung cơ bản như trên mà hợp đồng phải thể hiện thông qua các điều khoản được soạn thảo. Mục đích của việc quy định này nhằm bảo đảm một nền tảng cơ bản mà nội dung hợp đồng phải thể hiện và là căn cứ pháp lý để giải quyết tính hiệu lực của hợp đồng nếu có tranh chấp phát sinh giữa các bên về nội dung hợp đồng. Ngoài những nội dung cụ thể này các bên còn có thể thỏa thuận xác định với nhau thêm một số nội dung khác tùy theo tính chất, mục đích của hợp đồng.

Bản chất hợp đồng khi soạn thảo đã phải mang những quy chuẩn, nguyên tắc, chuyên ngành, chuyên sâu của mục đích mà các bên hướng đến. Hợp đồng mua bán một căn hộ chung cư đòi hỏi các vấn đề phải được soạn thảo phải xoay quanh quyền, nghĩa vụ của bên bán và bên mua, cách thức thanh toán, thời gian, địa điểm thanh toán, các đặc tính liên quan đến căn hộ giao nhận, thuế, bảo hành, phạt vi phạm hợp đồng… Tất cả những vấn đề này sẽ được chuyển tải thành từng Điều và những Khoản trong một Điều sao cho bảo đảm được qyền và nghĩa vụ chính đáng của các bên. Các điều khoản này đều phải được hiểu theo một nghĩa duy nhất đối với các bên liên quan.

Ngoài ra, BLDS 2005 còn quy định về phụ lục hợp đồng như sau:
“Điều 408. Phụ lục hợp đồng
1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”

Phụ lục hợp đồng luôn liên quan đến nội dung chính của hợp đồng và được xác lập, thêm vào khi các bên cảm thấy cần thiết phải có phụ lục kèm theo hợp đồng chính.

Tóm lại, nội dung hợp đồng cần thể hiện trước hết quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, phải được hiểu theo một nghĩa chung duy nhất, thường có chế tài kèm theo đối với bên vi phạm hợp đồng, tùy theo mục đích, đối tượng của hợp đồng mà các điều khoản được phân chia khác nhau và có mức độ chuyên ngành, chuyên sâu khác nhau.

1.3 Người soạn thảo hợp đồng
Pháp luật không quy định về người soạn thảo hợp đồng phải là ai, làm công việc gì, do đó, người soạn thảo hợp đồng là bất kỳ ai trong xã hội và thường sẽ có mức độ chịu trách nhiệm khác nhau đối với hợp đồng do mình biên soạn. Đồng thời, hình thức và nội dung hợp đồng đều đòi hỏi những kỹ năng, yếu tố, trình độ nhất định từ người soạn thảo.

Tùy theo tính chất quan trọng hay bản chất của hợp đồng mà các bên liên quan có thể tự mình biên soạn hoặc nhờ một bên không liên quan khác soạn thảo, miễn là phù hợp với mục đích mà các bên hướng đến và đúng pháp luật. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường có những biểu mẫu soạn sẵn về hợp đồng liên quan đến một vấn đề cụ thể. Các mẫu hợp đồng này thường do họ tự biên soạn hoặc nhờ một bên cố vấn, có thể là luật sự hoặc đối tượng khác.

Tóm lại, đối với người soạn thảo hợp đồng, cần nắm rõ mục đích mà các bên hướng đến để soạn thảo những điều khoản tương thích phù hợp. Cần có kiến thức cơ bản hoặc chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực trong hợp đồng để chuẩn bị hoặc dự liệu biện pháp ngăn chặn, khắc phục, giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh khi thực hiện hợp đồng. Đồng thời, người soạn thảo cần nắm vững các nguyên tắc về hình thức hợp đồng và cách thức soạn thảo để hợp đồng không những chặt chẽ về nội dung mà còn chuẩn mực, logic, phù hợp về mặt hình thức.
---//---

CHƯƠNG II.
CÁC CÔNG VIỆC LUẬT SƯ CẦN THỰC HIỆN TRƯỚC KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG
2.1 Xác định chủ thể hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng dân sự là những người tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng và phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó. Để tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng, các hệ thống pháp luật đều qui định chủ thể phải có năng lực chủ thể nhất định. Theo đó, yêu cầu về chủ thể tham gia hợp đồng “có năng lực hành vi dân sự” là một trong những  điều kiện tiên quyết để hợp đồng có hiệu lực.

Luật sư là người được một trong các bên lựa chọn để soạn thảo hợp đồng, mặc dù vậy, trước khi soạn thảo, luật sư cần xác định rõ các yêu cầu về chủ thể - tìm hiểu rõ về các bên tham gia vào hợp đồng. Đối với khách hàng của mình, tùy theo là cá nhân hay pháp nhân, luật sư cần khẳng định chính xác trước khi soạn thảo hợp đồng theo yêu cầu của khách hàng rằng khách hàng có đầy đủ năng lực hành vi, tư cách pháp lý để là một bên trong hợp đồng.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân cần kiểm tra tư cách của người đại diện theo pháp luật được quy định trong hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu khách hàng là người được ủy quyền, cần có giấy ủy quyền có giá trị pháp lý.

Việc kiểm tra và xác định tư cách chủ thể đối với bên còn lại trong hợp đồng thường sẽ được thực hiện trong quá trình đàm phán trước khi thực hiện soạn thảo và ký kết hợp đồng. Nếu một bên mang tư cách pháp nhân, trong quá trình đàm phán, luật sư cần tư vấn để khách hàng tìm hiểu kỹ về hồ sơ, năng lực chuyên môn, tư cách pháp lý của đối tác để bảo đảm hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành đầy đủ khi được ký kết.

Vấn đề xác định chủ thể hợp đồng trước khi soạn thảo hợp đồng thường đơn giản nhưng vô cùng quan trọng. Ví dụ như việc đối tác là người hoặc đơn vị được ủy quyền từ một bên thứ ba, thời điểm đàm phán, soạn thảo, ký kết, thực hiện hợp đồng phát sinh trường hợp thời gian ủy quyền hết hạn, dẫn đến việc thực hiện hợp đồng gặp rủi ro, thậm chí phát sinh tranh chấp, bất lợi dành cho khách hàng.

Như vậy, trước khi soạn thảo hợp đồng, luật sư cần xác định các chủ thể tham gia vào hợp đồng có đầy đủ năng lực pháp lý hay không, bằng cách kiểm tra, quan sát hồ sơ cá nhân, hồ sơ pháp nhân của các bên tham gia ký kết hợp đồng. Điều này sẽ đảm bảo cho hợp đồng có hiệu lực thi hành khi không vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại “Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” BLDS 2005.

2.2 Xác định mục đích của hợp đồng
Trong mọi trường hợp, luật sư phải luôn làm rõ, nắm bắt cặn kẽ và hiểu biết sâu rộng về mục đích soạn thảo hợp đồng mà các bên ký kết. Việc xác định mục đích chính yếu của hợp đồng không phải chỉ dựa vào yêu cầu, trình bày của khách hàng mà còn phải dựa vào chính phán đoán và nhận xét của luật sư. Vì mặc dù là một bên soạn thảo độc lập và không liên quan, nhưng luật sư có trách nhiệm nghề nghiệp và năng lực chuyên môn để xác định hợp đồng mình soạn thảo có thật sự đúng mục đích khách hàng trình bày hay không hay khách hàng tiềm ẩn một mục đích khác, không trình bày cùng luật sư.

Mục đích hợp đồng trong trường hợp được khách hàng trình bày rõ ràng, cụ thể, chi tiết và luật sư căn cứ vào đó để soạn thảo, thì bản thân luật sư phải đặt mình vào vị trí khách hàng khi soạn thảo hợp đồng, tức là có hiểu biết thêm cả lĩnh vực chuyên môn được đề cập trong hợp đồng. Luật sư có năng lực và trình độ pháp lý để cung cấp một bản hợp đồng chặt chẽ, đúng quy định pháp luật cho khách hàng. Luật sư còn buộc phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng liên quan đến lĩnh vực mà mục đích của hợp đồng hướng đến.

Từ việc xác định được chính xác mục đích của hợp đồng, luật sư sẽ phân chia nội dung hợp đồng thành các phần và điều khoản phù hợp sao cho quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng được bảo đảm an toàn một cách chính đáng nhất. Đồng thời đưa ra những chế tài, biện pháp khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro không thể tránh khỏi. Các phần và điều khoản này phải gắn liền với từng mục đích cụ thể (nếu có) và mục đích chung duy nhất của hợp đồng. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các phần và điều khoản trong hợp đồng sẽ góp phần làm cho mục đích chính đáng của hợp đồng được bảo đảm thực hiện.

Vì vậy, sau khi đã chắc chắn các chủ thể đã đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia ký kết hợp đồng, luật sư phải xác định đúng mục đích cuối cùng mà khách hàng (hoặc các bên) hướng đến. Từ mục đích đã được xác định đó, luật sư sẽ xây dựng các phần, các điều khoản xoay quanh và làm cho hợp đồng trở thành phương thế vững chắc nhất bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng hoặc các bên tham gia hợp đồng.

2.3 Xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh
Chủ thể và mục đích hợp đồng được xác định chuẩn xác sẽ giúp cho việc xác định những quy phạm pháp luật điều chỉnh hợp đồng được chính xác. Thật vậy, nếu mục đích các bên hướng đến trong hợp đồng là mua bán một căn hộ chung cư thì những quy phạm pháp luật điều chỉnh chắc chắn sẽ khác với hợp đồng mua bán một căn nhà thông thường.

Ngoài ra, đối với các chủ thể không giống nhau về quốc tịch, địa điểm ký kết, khác biệt ngôn ngữ, văn hóa… việc lựa chọn hệ thống quy phạm pháp luật để điều chỉnh hợp đồng là điều cực kỳ quan trọng. Có thể xem việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng thuộc phần xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh.

Một hợp đồng thương mại quốc tế giữa một bên là doanh nghiệp Việt Nam và một bên là doanh nghiệp Hoa Kỳ ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm cà phê từ Brazil. Hợp đồng này được các bên ký kết tại Singapore và lựa chọn các quy phạm pháp luật của Vương quốc Anh để điều chỉnh hợp đồng. Các bên thống nhất lựa chọn trung tâm trọng tài thương mại X tại Nga sẽ là cơ quan tài phán trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Nội dung và hình thức hợp đồng đều đúng theo pháp luật các bên đã thống nhất lựa chọn.

Việc giao thương toàn cầu hóa ngày nay đã trở nên vô cùng thông thoáng, hình thức và nội dung hợp đồng phức tạp như trên hoàn toàn có thể xảy ra và rõ ràng các bên phải lựa chọn một hệ thống quy phạm pháp luật làm căn cứ để điều chỉnh hợp đồng. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu doanh nghiệp Việt Nam có cần đưa vào hợp đồng việc tuân theo pháp luật Việt Nam khi thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê nguồn gốc Brazil là Việt Nam? Luật sư soạn thảo hợp đồng sẽ phải chú ý vấn đề này và đưa vào hợp đồng những quy phạm pháp luật cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên khách hàng của mình.

Đối với một hợp đồng có thể có rất nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh. Để có thể xác định đúng văn bản pháp luật điều chỉnh, luật sư cần nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật, xác định đúng đối tượng và phạm vi áp dụng của từng văn bản cho từng quan hệ hợp đồng.

Việc lựa chọn các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hợp đồng còn đòi hỏi ở luật sư một năng lực tập họp nhanh chóng, chính xác những văn bản điều chỉnh đến nội dung, mục đích của hợp đồng do mình soạn thảo. Công việc này không được thừa hoặc thiếu, hoặc nhất định phải đảm bảo các nội dung chính có văn bản quy phạm chính xác điều chỉnh. Việc xác định đúng, chuẩn xác các văn bản uqy phạm pháp luật này vừa thể hiện trình độ, năng lực của luật sư, vừa giúp khách hàng tin tưởng hơn vào luật sư và hạn chế tối đa những rũi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

2.4 Chuẩn bị kiến thức liên quan
Luật sư đã có trình độ, kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực pháp lý khi áp dụng vào hợp đồng. Tuy nhiên, vì hợp đồng luôn mang tính chất chuyên sâu, chuyên ngành về một lĩnh vực, ngành nghề nhất định nên đòi hỏi ở luật sư đồng thời phải có sự hiểu biết đối với lĩnh vực mình soạn thảo. Vì vậy, trước khi soạn thảo hợp đồng, luật sư cần chuẩn bị, tìm kiếm những thông tin, vấn đề có liên quan đến nội dung trong hợp đồng. Để khi hợp đồng đã được soạn thảo, khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng không chỉ ở năng lực pháp lý mà còn cả khả năng nắm bắt, hiểu biết về vấn đề của khách hàng, tạo dựng niềm tin và sự tin tưởng nơi khách hàng dành cho luật sư.

Trước hết, luật sư cần tự mình chuẩn bị các kiến thức liên quan này. Bằng tư duy pháp lý và các căn cứ pháp lý đã được xác định sẽ là nền tảng, điều chỉnh nội dung hợp đồng, luật sư chuẩn bị những căn cứ pháp lý khác có thể có liên quan một cách gián tiếp khi hợp đồng được thực hiện. Đồng thời, quan trọng hơn hết, luật sư cần nắm rõ, hiểu kỹ những khái niệm, định nghĩa, diễn giải, ứng dụng đối với những công cụ, vấn đề, giải pháp, ứng dụng mang tính chất chuyên ngành, chuyên sâu liên quan đến nội dung của hợp đồng.

Ngày nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã cho phép luật sư có thể tìm kiếm, chuẩn bị nhiều kiến thức, thông tin cùng lúc, từ nhiều nguôn khác nhau cho một vấn đề. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu sự việc, đánh giá, tìm kiếm các kiến thức liên quan đến nội dung, mục đích của hợp đồng, luật sư phải nắm bắt kỹ lượng, cụ thể và chi tiết các vấn đề có liên quan mà mình đã xác định, tìm kiếm được.

Cuối cùng, luật sư phải hệ thống các kiến thức, thông tin mình đã tìm được thành một thể thống nhất, mạch lạc, logic và hài hòa với các quy định của pháp luật là nền tảng chính yếu của hợp đồng. Các kiến thức, thông tin này sẽ được văn bản hóa thành những điều khoản cụ thể trong hợp đồng, quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ chính đáng của các bên và đặc biệt là mức chế tài, bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm một cách chính đáng đối với các bên tham gia hợp đồng.

Như vậy, cùng với các công việc cần chuẩn bị ở trên, trước khi bắt tay soạn thảo hợp đồng, cùng với kiến thức pháp lý sẵn có, luật sư phải tự trang bị, tìm hiểu, tăng khả năng hiểu biết cho chính mình về các vấn đề mang tính chất chuyên ngành, chuyên sâu có liên quan đến nội dung, mục đích của hợp đồng sẽ do các bên ký kết và thực hiện trong tương lai.

2.5 Trao đổi với khách hàng
Khi cần thiết phải làm rõ các yêu cầu của khách hàng trong quá trình chuẩn bị soạn thảo hợp đồng, luật sư cần yêu cầu khách hàng cung cấp thêm các thông tin, tài liệu chứng minh liên quan đến các nội dung hợp đồng để có thể soạn thảo như những thông tin về các bên trong hợp đồng, đối tượng hợp đồng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cả, phương thức thanh toán… Nếu có vấn đề còn nghi vấn, chưa rõ ràng thì đề nghị khách hàng giải thích thêm và nếu cần thiết, luật sư nên tự xác minh để bảo đảm độ chính xác cao nhất cho vấn đề còn nghi vấn.

Về nguyên tắc, công việc trao đổi với khách hàng cần thực hiện thường xuyên trong quá trình chuẩn bị để soạn thảo hợp đồng. Tuy nhiên, với vai trò là người soạn thảo – tức nhận được sự tin tưởng, ủy thác của khách hàng cho việc thay mặt khách hàng chuẩn bị một bản hợp đồng có giá trị, luật sư nên cân nhắc các vến đề cần tham khảo thêm ý kiến của khách hàng hoặc cách thức thu nhận thông tin thêm từ khách hàng sao cho hợp lý, tránh gây phiền hà đến khách hàng và ảnh hưởng uy tín của luật sư.

Trước khi đưa ra bản hợp đồng chính thức, luật sư sẽ phải có bản dự thảo hợp đồng để khách hàng và các bên xem qua, thỏa thuận với nhau. Vì vậy, luật sư có thể căn cứ, dựa trên tính chất của vấn đề cần xem xét thêm để các bên trong hợp đồng cùng thảo luận, thống nhất các vấn đề này. 

Việc trao đổi thêm thông tin với khách hàng nếu xảy ra cũng nên được chuẩn bị, trình bày sao cho khách hàng hiểu được tính chất, mức độ của vấn đề mà luật sư buộc phải có sự tư vấn trực tiếp từ khách hàng để soạn thảo một hợp đồng đầy đủ nhất, phù hợp nhất. Việc trao đổi có thể diễn ra dưới hình thức văn bản được gửi đi chính thức từ luật sư, một cuộc gặp trực tiếp với khách hàng để thảo luận và trong mọi trường hợp, nên hạn chế việc trao đổi qua điện thoại nếu vấn đề thật sự quan trọng, có thể ảnh hưởng đến việc thực thi hợp đồng trong tương lai.

Tóm lại, sau các bước chuẩn bị ở các mục trên, luật sư đã có thể phác họa cho mình một bản dự thảo và hợp đồng chính thức khá đầy đủ. Việc trao đổi thêm với khách hàng mang tính chất củng cố vững chắc các điều khoản được biên soạn trong hợp đồng. Những vấn đề cần thêm ý kiến từ khách hàng phải là những vấn đề thật sự khó khăn, luật sư không thể tự mình quyết định và bắt buộc phải được khách hàng hỗ trợ. Tránh việc yêu cầu khách hàng hỗ trợ quá nhiều lần hoặc quá nhiều vấn đề, sẽ làm ảnh hưởng đến đánh giá và sự tin tưởng của khách hàng đối với năng lực của luật sư.

2.6 Tham khảo ý kiến chuyên gia
Việc tham khảo ý kiến chuyên gia thể hiện sự thận trọng, cẩn thận của luật sư trong việc soạn thảo hợp đồng. Các đối tượng để luật sư tham khảo này không nhất thiết phải là những chuyên gia về pháp lý, hợp đồng hoặc lĩnh vực liên quan trong hợp đồng mà có thể là những người có khả năng hiểu biết về cách thức soạn thảo hợp đồng, nội dung chính trong hợp đồng, mục đích của hợp đồng… Hay đơn giản là những luật sư đồng nghiệp đã từng thực hiện những bản hợp đồng tương tự.

Trước khi soạn thảo hợp đồng hoặc trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình thực hiện hợp đồng, luật sư đều luôn cần chuẩn bị cho mình những nguồn ý kiến tham khảo đáng tin cậy. Hợp đồng mặc dù được soạn thảo trên các cơ sở khách quan và phải trải qua các bước chuẩn bị kỹ lưỡng như trên, nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi ý kiến và suy nghĩ chủ quan của luật sư về các vấn đề liên quan trong hợp đồng.

Ngoài ra, nếu bản hợp đồng sau khi soạn thảo và được mang đến cho khách hàng xem xét mà còn quá nhiều vấn đề cần thay đổi, chỉnh sửa sẽ lại càng ảnh hưởng nhiều hơn đến uy tín của luật sư, cũng như đánh giá về năng luật của luật sư từ khách hàng. Hơn nữa, trong bất kỳ công việc nào liên quan đến hành nghề luật sư, thận trọng bao giờ cũng mang lại hoặc bảo vệ nhiều lợi ích chính đáng hơn cho không chỉ luật sư mà còn cho cả khách hàng (ngoại trừ những tình huống đặc biệt cần có sự quyết định ngay tức khắc).

Khác với việc trao đổi ý kiến với khách hàng đôi khi cần sự trang trọng về hình thức trao đổi giữa luật sư và khách hàng, việc tham khảo ý kiến từ một bên độc lập có thể được luật sư sử dụng linh hoạt, phù hợp từng trường hợp, vấn đề cần tham khảo sao cho có thể đạt được mong muốn cuối cùng, hợp lý cho những ý định của mình.

Tóm lại, cùng với việc trao đổi thêm ý kiến với khách hàng, việc tham khảo ý kiến chuyên gia của luật sư khi chuẩn bị soạn thảo hợp đồng cũng là một điều cần thiết và cân nhắc để lựa chọn cách thức, thời điểm sử dụng hợp lý. Việc tham khảo cần khéo léo và tế nhị để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, uy tín của luật sư cũng như giá trị của hợp đồng sẽ bảo đảm được thực hiện trong tương lai.
---//---




CHƯƠNG III.
SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG CHO KHÁCH HÀNG
3.1 Dự thảo hợp đồng
Soạn dự thảo hợp đồng (bước 1), đàm phán, sửa đổi bổ sung dự thảo (bước 2), hòan thiện – ký kết hợp đồng (bước 3) là một quy trình cần thiết. Soạn dự thảo hợp đồng giúp cho luật sư văn bản hóa những công việc đã chuẩn bị để soạn thảo hợp đồng chính thức, đồng thời dự liệu những gì các bên muốn thực hiện trước khi đàm phán, ký kết hợp đồng chính thức. Dự thảo hợp đồng giống như một bản kế hoạch cho việc đàm phán, khi có một dự thảo tốt coi như đã đạt 50% công việc đàm phán và ký kết hợp đồng.

Soạn thảo dự thảo hợp đồng được xem như một giai đoạn chính thức mà luật sư cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị hợp đồng để khách hàng đàm phán, ký kết chính thức. Khi soạn bản dự thảo, tất cả các điều khoản, tên gọi, nội dung chính hoặc phụ… đều được thể hiện đầy đủ, chi tiết theo như quá trình đã chuẩn bị của luật sư. Qúa trình chuẩn bị đầy đủ, chi tiết, cẩn thận thì dự thảo hợp đồng sẽ sớm được các bên chấp nhận, đồng ý là hợp đồng chính thức và tiến hành ký kết.

Nếu dự thảo hợp đồng không được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dẫn đến uy tín luật sư bị giảm sút, công việc chọn lọc, chuẩn bị lại những nội dung chính và phụ cần soạn thảo theo mục đích của khách hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, nếu bản dự thảo không đạt được chất lượng như mong muốn của các bên, sẽ kéo dài thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng và gây ra những thiệt hại không đáng có cho các bên, trong đó có khách hàng của luật sư.

Vì vậy, khi soạn thảo, luật sư phải xem bản dự thảo hợp đồng như một hợp đồng chính thức, qua đó đặt hết toàn bộ sự tập trung, năng lực, kỹ năng của mình để hoàn thành một bản dự thảo chất lượng, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng và các bên tham gia hợp đồng.

3.2 Soạn thảo hợp đồng chính thức
Khi đến giai đoạn này, luật sư đã hoàn thành xong các bước chuẩn bị để soạn thảo hợp đồng theo ý kiến khách hàng. Nếu bản dự thảo hợp đồng có những vấn đề cần chỉnh sửa, luật sư sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng để hoàn thiện những vấn đề đó.

Về cơ bản, hợp đồng thường có ba phần cơ bản: Phần mở đầu, Phần nội dung và Phần ký kết. Sự phân chia hợp đồng thành các phần như trên là cần thiết. Một mặt giúp cho hình thức hợp đồng được trình bày chuyên nghiệp, logic, dễ nhận biết các thành phần chính, nội dung chính mà các bên cần trao đổi. Mặt khác, nội dung hợp đồng sẽ dễ dàng được trao đổi, đánh gái theo ý kiến của các bên, từ đó tiến tới việc thống nhất/không thống nhất về một vấn đề cụ thể và có phương án thỏa thuận phù hợp nhất.

Phần mở đầu thường nghiêng về hình thức trình bày và xác định tư cách chủ thể của các bên.

Phần nội dung sẽ bao gồm những điều khoản quy định về đối tượng của hợp đồng; tiêu chí về giá, cách tính, phương thức thanh toán; các điều khoản liên quan đến quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong hợp đồng và cuối cùng là các điều khoản về hiệu lực của hợp đồng, bảo đảm thực hiện hợp đồng, giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại liên quan đến hợp đồng.

Phần ký kết là các điểu khoản về việc xác nhận ý chí tự do xác lập hợp đồng giữa các bên.

Việc soạn thảo hợp đồng là yêu cầu không thể thiếu trong quá trình hành nghề luật sư và đòi hỏi người luật sư cần luôn luôn nâng cao kiến thức của mình cả chiều sâu và chiều rộng, để khi soạn thảo sẽ có cách nhìn và đánh giá phụ hợp với mục đích cũng như nội dung hợp đồng mà mình hướng đến.
---//---


PHẦN KẾT LUẬN

Soạn thảo hợp đồng là một công việc không hề đơn giản, nhất là hợp đồng thương mại, hợp đồng có nhiều bên tham gia hoặc những hợp đồng có tính chất phức tạp. Hợp đồng là một đối tượng được pháp luật bảo hộ. Bằng những quy định chung trong BLDS và các quy định riêng trong luật chuyên ngành, hợp đồng được bảo đảm các tính chất có hiệu lực, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các bên trách nhiệm thi hành hợp đồng giữa các bên.

Luật sư với nền tảng pháp lý vững vàng và vai trò ngày càng được nâng cao trong xã hội, đã ngày càng được lựa chọn nhiều hơn cho một bên độc lập soạn thảo hợp đồng theo mục đích và nội dung mà các bên sẽ ký kết hướng đến. Bản chất của hợp đồng luôn phức tạp vì quy định những vấn đề, sự việc liên quan đến một chuyên ngành, chuyên môn nhất định mà chắc chắn luật sư không hoàn toàn nắm bắt được ngay từ đầu.

Nhưng bằng khả năng, tư dúy pháp lý và những quy trình thu thập, xử lý kiến thức, thông tin của mình, luật sư sẽ tiếp nhận và chọn lựa một cách nghiêm túc, phù hợp, hiệu quả các vấn đề này và đáp ứng được yêu cầu của khach hàng. Để đạt được điều đó, luật sư cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi soạn thảo hợp đồng.

Công việc chuẩn bị này đòi hỏi luật sư phải chuyên nghiệp hóa các công đoạn làm việc của mình, nắm vững các kiến thức pháp lý có liên quan, có kỹ năng tìm, phân tích và vận dụng những vấn đề có liên quan. Và cuối cùng là việc trình bày, soạn thảo bản hợp đồng sao cho khách hàng hoàn toàn chấp thuận và đồng ý với đề xuất của luật sư.

Tóm lại, có thể khẳng định được rằng, giai đoạn chuẩn bị, thực hiện những công việc cần làm trước khi soạn thảo hợp đồng là vô cùng quan trọng. Có chuẩn bị tốt, nắm bắt các vấn đề, định hướng, xác định đường đi chính xác cho nội dung hợp đồng, luật sư chắc chắn sẽ soạn thảo thành công một bản hợp đồng vừa thể hiện được khả năng, trình độ của luật sư, vừa đáp ứng yêu cầu của khách hàng. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Từ điển Tiếng Việt phổ thông / Viện ngôn ngữ học, 2002.
2. Giáo trình kỹ năng tư vấn pháp luật / Học viện Tư pháp, 2012.
3. Website Báo Pháp luật Việt Nam điện tử - http://baophapluat.vn/ 
4. Website Bộ Tư pháp – http://www.moj.gov.vn/Pages/home.aspx 
5. Website Công ty luật Hiếu Gia – http://luathieugia.com   
6. Website Công ty luật Dương Gia – https://luatduonggia.vn/ 
7. Website Công ty luật Trí Tuệ Luật – http://www.tritueluat.com 


Khi bước sang tuổi 30, rất có thể bạn sẽ đạt được bước tiến lớn trong sự nghiệp và kiếm được rất nhiều tiền. Nếu bạn là một người biết tiết kiệm, tài khoản của bạn có thể tăng dần qua từng năm, bạn có thể sở hữu thêm một ngôi nhà đẹp và chuẩn bị dần cho kế hoạch về hưu.

Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn tuổi 30 quan trọng này mà bạn đưa ra những quyết định sai lầm về tiền bạc, có thể bạn sẽ phải hối hận suốt đời. Theo chuyên gia tài chính Jared Snider, dưới đây là 5 chiến lược tiền bạc quan trọng bạn cần biết ở tuổi 30 để thành công về sau này.

1. Đừng quá thận trọng

“Rất nhiều người ở độ tuổi 30 không dám đối mặt với rủi ro nữa. Họ lo sợ về bất cứ điều gì có thể xảy ra chẳng hạn như những sự kiện chính trị trong ngày hoặc diễn biến bất thường của thị trường khiến họ mất trắng”, Snider cho biết.

Tuy nhiên, nếu bạn đã sẵn sàng muốn đạt được thành công về tài chính ở tuổi 30 và kiếm được một khoản thu nhập lớn, bạn cần biết cách tiết kiệm và dám chấp nhận rủi ro. Ở tuổi 30, bạn vẫn còn hơn một thập kỷ nữa để đến tuổi nghỉ hưu thông thường. Vì vậy, nếu trốn chạy khỏi thị trường ở thời điểm đó, bạn có thể sẽ mất rất nhiều thứ.

“Khi bạn 30 tuổi, bạn vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Do vậy, bạn vẫn còn khá nhiều thời gian để đo lường rủi ro. Đừng lơ là với những rủi ro, nhưng cũng đừng quá thận trọng với chúng kẻo bạn sẽ bỏ lỡ mất cơ hội quý báu để làm giàu”, chuyên gia tài chính Snider nói.

2. Không làm giàu bằng đồng lương

Với hầu hết chúng ta, việc đạt được một vị trí nào đó trong sự nghiệp được coi là thành công và giúp gia tăng thu nhập nhờ tiền lương tăng. Tức là bạn làm việc để kiếm tiền và phục vụ đồng tiền. Tuy nhiên người giàu luôn biết rằng, nguồn gốc của sự giàu có xuất phát từ việc bạn phải khiến tiền làm việc cho mình. Đây cũng là nguyên tắc chủ yếu mà tác giả của cuốn sách làm giàu số một thế giới "Rich Dad, Poor Dad" thường đề cập.

Việc chủ động tạo ra nguồn thu nhập cho chính mình quan trọng hơn thụ động nhận tiền lương mỗi tháng và nó sẽ là cách tốt nhất giúp bạn tích lũy tài sản. Hãy đem tiền đi đầu tư cổ phiếu, chi trả cổ tức, bất động sản hoặc kinh doanh một cái gì đó, chứ đừng để tiền nằm yên một chỗ.

3. Đừng chi tiêu vượt quá mức thu nhập

Bạn được tăng lương và đạt được mức thu nhập 6 con số mỗi năm, mọi chuyện dường như quá tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn đừng lấy điều đó làm hài lòng và lao vào ăn tiêu quá đà. Hãy cân nhắc xem liệu gia đình bạn có sử dụng hết 5 phòng ngủ trong căn nhà mới không? Liệu chiếc xe Maserati quyền lực có khiến cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn không?

Tất nhiên, nếu bạn có đủ khả năng để đáp ứng những cám dỗ của bản thân, điều đó cũng rất tuyệt. Nhưng đừng bao giờ để những cám dỗ này làm ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm hưu trí của bạn.

“Nếu một người ở tuổi 30 có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng họ ăn tiêu quá đà khiến cho chi tiêu vượt quá mức thu nhập, họ có thể hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc ở hiện tại nhưng sẽ là bất hạnh về sau này. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có cần đến những món đồ xa xỉ và tốn kém đó khi về hưu không”, chuyên gia tài chính Snider nói.

4. Không bao giờ để tiền nhàn rỗi

Grant Cardone – một người từng tay trắng lâm vào cảnh nợ nần ở tuổi 21 và vươn lên trở thành triệu phú năm 30 tuổi cho biết: “Cách duy nhất để tiết kiệm tiền là mang chúng đi đầu tư. Bạn đừng bao giờ dùng khoản tiền để đầu tư này vào bất kì mục đích nào khác, kể cả những trường hợp khẩn cấp”.

Tất nhiên, đầu tư luôn gắn liền với rủi ro và nguy cơ mất tất cả; nhưng đó cũng là kênh sinh lời nhanh nhất. Trung bình các triệu phú đầu tư khoảng 20% tổng thu nhập của họ mỗi năm. Tài sản của các tỷ phú không phải đo bằng số tiền tăng lên trong tài khoản mỗi năm mà ở cách họ đầu tư như thế nào.

5. Đầu tư cho bản thân

Hầu hết chúng ta đều cho rằng người giàu tham lam và luôn theo đuổi tiền bạc. Nhưng thực tế là đa số các triệu phú theo đuổi thành công trước tiền bạc. Tiền chỉ là thước đo sự giàu có khi bạn đã đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời mình.

Ở một khía cạnh nào đó, người giàu bị coi là ích kỷ và chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nhưng nếu bạn không biết lo cho chính bản thân mình, bạn cũng chẳng thể lo được cho bất cứ ai khác. Bạn không thể cho đi những thứ mà bạn thậm chí còn không có. Như vậy, triết lý của sự giàu có là bạn phải đạt được những gì bạn muốn, sau đó giúp đỡ người khác theo cách của bạn.

Nếu người nghèo nghĩ rằng đầu tư cho bản thân là một điều vô bổ thì người giàu hoàn toàn ngược lại. Họ tự tạo cho mình nền tảng giáo dục tốt nhất, cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời nhất. Với họ, đầu tư cho bản thân chính là tiền để để phát triển và gặt hái thành công sau này.
Rào cản khiến những người thông minh đôi khi lại lao đao trong sự nghiệp
Huy Hoàng

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.