Latest Post

duy tân, nguyễn phúc, cuộc sống, lạc quan

Dòng đời cứ trôi và thời gian cứ đi qua cùng cảm xúc. Có những ai đã lặng lẽ cống hiến cuộc đời mình cho những điều nhỏ bé vĩ đại và có những ai vẫn vẫy vùng trong cuộc sống còn chưa tìm thấy lối ra... Lối ra để đi qua cái tuổi chông chênh của trưởng thành và trẻ nhỏ, của chín chắn và cứ-mặc-đi!

Mỗi ngày là một bước chân. Và có những ngày bước chân như lạc nhịp, hay trong cái tuổi chông chênh này, bước chân sẽ hay lạc nhịp như thế!? Muốn bước thật chậm, nhưng cũng muốn thật nhanh, muốn bước thật chắc nhưng cũng muốn thật nhanh. Muốn! Muốn! và Muốn! - Cái tuổi của Muốn! quá nhiều thứ, quá nhiều điều và tất cả lại trở thành một mớ bòng bong hỗn độn chẳng thấy rõ đâu là đâu...

Cuộc sống cơm áo gạo tiền sẽ luôn đầy những lo âu và suy nghĩ, nhưng nếu chỉ trầm mình trong nghĩ suy và âu lo mà không thể gượng nổi một nụ cười, cuộc đời sẽ bị cuộc sống đưa về đâu!? Có những bước chân mà đôi khi muốn gượng gạo kèm theo một nụ cười, cũng thật khó. Có những ngày dù bão hay nắng, dù mưa hay không mưa, và dù muốn cũng không nở được cho môi một nụ cười. Suy Nghĩ à và Hành Động nữa, các ngươi thật ích kỷ khi giấu đi đã bao lâu nay một nụ cười Lạc Quan của ngày xưa đâu mât, đâu mất rồi hả hai đứa!?

Có những lúc, dòng đời vội vã đẩy đưa ta đi ngang qua một người không may mắn của số phận. Đôi mắt mãi chìm đắm trong bóng tối không ánh sáng cả cuộc đời. Đôi chân, cánh tay mãi mãi đã là một phần của cát bụi trước khi cả thể xác trở về cát bụi. Nhìn lại mình, thật đầy đủ. Rồi lúc đó lại thấy bản thân mình thật may mắn, được số phận ưu ái hơn những con người kia, vậy cớ sao mà không nỗ lực, không cố gắng, không kiên trì, không quyết tâm... làm tất cả để thành công!? Nhưng rồi, mọi chuyện lại trở về của những ngày bước chân lạc nhịp...

Đôi khi muốn hét thật to, nhưng hét xong rồi sẽ làm gì? Chẳng biết! Hằng ngày đọc báo, xem tin và kìa, bao nhiêu những con người đã có cho mình những cơ ngơi bạc tỷ, bất chấp thủ đoạn và cách làm. Chẳng liên quan! Nhưng số tiền họ có, khiến ta cảm thấy thèm thuồng, mong muốn phải có, nhưng có đánh đổi nhân bản của 4 năm kiên trì mà đánh đổi hay chăng??? Chuyện đó quá lớn lao, và dù vẫn có trên báo đó, nhưng tuổi 27 với cơ ngơi bạc tỷ thì chỉ là chuyện cổ tích giữa đời thời.

Chông chênh! Và chính trong lúc chông chênh này lại cảm giác thật thèm thuồng một định hướng tương lai, một cách sống mạnh mẽ, một con đường được vạch ra rõ ràng. Nhưng kết luận cuối cùng, thành hay bại, là do chính bản thân ta quyết định. Sắc đẹp, tiền tài, danh vọng cũng chỉ là những cái sẽ đến, sẽ qua và sẽ mất. Vậy càng hay, torng chính khi Chông Chênh này, sẽ chọn cho mình con đường nào để đi tiếp đây? Phải chọn, hoặc dù không hay phải chọn, thì dòng đời vẫn vội vã như trước đây nó vẫn vậy!

Thôi dừng lại, một chút thôi, ngay lúc này, khi viết ra những dòng này. Sẽ tiếp tục và bắt đầu lại, từ hôm nay với những gì năm xưa đã lỡ để quên đâu đó. Tìm lại thôi, Lạc Quan - mi ở đâu, mi còn trốn hoài trong Tuổi Thơ làm gì mà không chịu buông ra mà đến với Hiện Tại!? Đến đây, Lạc Quan, chúng ta cùng đi tìm Thành Công, nếu lỡ gặp Mẹ của hắn, nhớ chào hỏi lễ phép và đừng thưa chuyện quá lâu kể sẽ trễ chuyến tàu cuối, mà phải nhanh chân lên mà đi tìm Thành Công cho sớm nhất có thể!

Nào, Lạc Quan, tạm biệt Tuổi Thơ đi, chúng ta lên đường nào! Còn Tuổi Thơ, cậu hạnh phúc thế đủ rồi, phải cho Hiện Tại và cả Tương Lai cùng hạnh phúc với cậu nữa chứ, đúng không!!!

Lạc Quan, chúng ta đi!


Gia đình là một nền tảng để xây dựng nên con người. Thật may mắn, thật hạnh phúc cho những ai khi sinh ra đã có đầy đủ cả cha và mẹ. Và hạnh phúc gấp ngàn lần hơn khi được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình... Hạnh phúc, đơn giản là nụ cười, là nơi mà mỗi khi cuộc sống phải vướng muộn phiền, lo toan, chúng ta sẽ biết có một nơi, có một chỗ, có những người để tìm đến, để trở về và để được lắng nghe.

Nhưng thật ra, dù không có những điều trên đi chăng nữa, cũng không phải là cuộc đời bất hạnh. Vì bất hạnh hay hạnh phúc là một sự lựa chọn, và mỗi chúng ta đều có sự lựa chọn cho riêng mình.

Khi nhìn mọi sự, mọi người ở hiện tại và bất giác ta nghĩ về quá khứ, nhớ về những gì đã qua và dâng lên trong mình một nỗi niềm khó tả... Rồi xen lẫn trong những đám mây ký ức lẫn lộn đầy cảm xúc đó, ta cảm thấy như có có chút cay cay của lòng hối hận, của sự ăn năn... Vậy tức là rõ ràng rồi, trong quá khư được tô sắc đầy kỷ niệm màu hồng, ta đã nhìn ra những lầm lỗi của tuổi thơ, của những ngày tưởng mình có gia đình, của những ngày còn có ông bà, ngôi nhà và những giây phút chẳng lo toan.

Cuộc sống này phải nghiêm túc nhưng lắm lúc lại giống trò đùa, trò chơi của Tạo Hóa đối với hàng tỷ con người. Khi còn nhỏ ta mong mình lớn, để một ngày rời ra khỏi ngôi nhà đã nuôi nấng mình, đến những nơi ta muốn đến, sống với những điều ta muốn sống. Rồi khi lớn lên, ta lại mong mình bé lại, được nhỏ nhoi trong những lời than trách yêu thương, trong những bữa cơm với món ăn mà mình không bao giờ có quyền quyết định - thỉnh thoảng đôi khi cũng sẽ được tham vấn ý kiến một chút...!


Và còn một trò đùa khác, Tạo Hóa à, đến bây giờ tôi mới nhận ra. Đó là những lỗi lầm không bao giờ được nhận ra khi ta làm ra nó, phải mất một thời gian lâu, khi ta chợt nhìn thấy mình của ngày xưa ở hiện tại, ta mới biết mình đã sai... Chắc trên dưới 10 năm có lẽ, ta mới nhận ra và hành trình hối lỗi bắt đầu cho đến khi những năm sau nhắm mắt xuôi tay chẳng biết có kết thúc hành trình đó được hay không!? Mà dẫu, có sống thọ đến bao lâu chăng nữa, thì đã bảo là trò đùa của Tạo Hóa rồi, thì hành trình hối lỗi đó sao kết thúc được!? Vì có ai tắm hai lần trên một dòng sông đâu, và ông bà mất rồi sao nghe được tiếng nói của cháu con?

Nhưng không sao, người chết có của cuộc sống của người chết và người sống có cuộc sống của người sống. Cuộc sống là cuộc lữ hành trần thế, chạy đua với thời gian và để tiến mình về phía trước. Giây phút ta nhận ra trong mình dâng lên niềm hối lỗi vì những ngày xưa thơ dại, có lẽ cũng giống như một chặng dừng chân, để nghĩ mệt, để tiếp thêm sức mạnh, để tiếp thêm niềm tin rồi vững vàng bước tiếp, bước nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn.

Mệt vì cuộc sống đầy bon chen, lo toan và muộn phiền giờ đây ta đã được có cho mình một giây phút nhìn lại, hối lỗi với bản thân, xả hết những nhọc nhằn, rồi bắt đầu tiếp hành trình mới mà không còn những vướng bận cũ kỹ, xa xôi nữa.

Sức mạnh từ những điều được gọi là gia đình, từ những điều thiêng liêng mà ngay từ đầu số phận đã ưu ái dành cho ta. Từ trong những ký ức sâu thẳm của tuổi thơ, với bao điều được dạy dỗ để sống nên người, ta được dịp nhìn lại, tự hứa sẽ làm tốt hơn và bước đi tiếp trên hành trình của mình!

Không sao cả! Mọi thứ vẫn ổn! Những gì không có, ta sẽ tự làm ra. Những gì không thể có, ta sẽ tìm điều thay thế khác. Những khó khăn không bao giờ thôi dội tới, thì ta cũng sẽ không bao giờ thôi can đảm đón nhận và xử lý nó. Kỷ niệm đã được phủ đầy một lớp bụi thời gian, hiện tại mới là cuộc sống của chúng ta và tương lai là điều ta có thể xây dựng. Hãy để quá khứ với những kỷ niệm đẹp và những điều hối lỗi ở hiện tại được ngủ yên trong dòng suối thời gian. Hãy sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại với gia đình, tình yêu và tình thân ta đang có. Hãy nhìn về tương lai, bắt đầu xây dựng nó bằng những điều ta sẽ làm từ hiện tại hôm nay...!

Ngày xưa ơi, cho tôi gửi một lời xin lỗi...!



Sài Gòn mấy hôm nay ảnh hưởng của bão ngoài miền Trung, nên sáng nào hầu như nhẹ thì trời âm u, không chút nắng, còn nặng thì mưa thối đất thối trời. Nghĩ vậy chắc cũng may cho mình được chút, trời không oi bức nên giấc ngủ của em được tốt hơn... Chỉ tội ở quê nhà, nhà mình nghe nói chuồng bò bị sập, làng xóng ít nhà nào là không bị hư hại. Bão tới, người mình sống đã quen rồi, nhưng vẫn khổ thay vì nó!


Trở lại Sài Gòn, nhộn nhịp, sôi động là vậy, mà giờ không nắng chỉ âm u, lại làm cho ai cũng thấy có cái gì đó khác. Nhưng, chính tôi đã khác rồi. Ngày sinh viên, ngày còn thơ thẩn cứ hay lấy cái không khí xung quanh mà làm thơ, làm văn, làm cảm xúc rồi viết ra để lưu lại cho mình mấy dòng tự sự. Bây giờ thì khác, mà chắc hầu hết người ta là thế, cuộc sống này vẫn chảy thôi như sông vẫn chảy về biển mặc dù có bão mưa to lớn thế nào. Sài Gòn có nắng hay không, và mưa có lớn nhường nào, thời giản vẫn chạy và dòng người vẫn đi...Thấm thoát mà trôi nhanh, nhiều thứ đã trôi qua nhanh...

Mới ngày nào lên sài Gòn, giờ thoát đã tròn 9 năm.
Mới ngày nào rời ghế giảng đường, giờ đã hơn 5 năm.
Mới ngày nào cầm tay em đi qua con đường sau lưng nhà thờ, giờ đã 8 năm.
Và mới ngày nào lang thang một mình đây đó của Sài Gòn, giờ đã có em và một bé thiên thần sắp đến, sẽ cùng tôi bước hết cả cuộc đời.

Thời gian trôi nhanh và kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống bởi thế cũng nhiều. Càng lớn càng nghiệm ra rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là làm chủ chính mình. Vì làm chủ người khác thì dễ thôi, chí ít là có tiền, có quyền là được cũng mặt bên ngoài. Nhưng làm chủ mình trong cả hành động và suy nghĩ thì lại là mới khó. Có nhiều cái phải vấp ngã rồi, người ta mới có thể tự cảm nhận mà hiểu ra được những điều mà trước đó tưởng chừng như mình đã hiểu. Âu cũng là điều bình thường của cuộc sống, thành bại hay trưởng thành cũng chỉ khác nhau mỗi như thế này.

Còn mấy tháng nữa, những ngày trên ghế Học viện sẽ kết thúc. Thật lòng cứ mong được mãi thế này để ê a những ngày vui tươi trong lớp học, để căng thẳng trong những điều đã được báo trước. Nhưng như thế thì cuộc đời sẽ buồn chán lắm. Ai rồi cũng phải lớn, ai rồi cũng phải trưởng thành và đều phải đặt cho mình một cái hẹn với thành công. Những kỷ niệm đẹp thì chỉ là kỷ niệm, chỉ có hiện tại và tương lai mới mang những ý nghĩa riêng của nó.

Khi vấp ngã, quan trọng phải biết đứng lên. Khi thấy bản thân mình chưa cố gắng hết sức, thì hãy hết sức đi mà đừng chần chừ. Thời gian của mình chưa đến, thì hãy chuẩn bị để khi nó đến mình sẽ không bị bất ngờ rồi bỏ qua cơ hội.

Không sao cả, vấp ngã thì đứng lên, thất bại thì làm lại nhưng quan trọng là phải tự tin mà bước tiếp mạnh mẽ hơn.


Một phút lắng đọng cho tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng và thư thả. Cuộc sống vội vã nên mấy ai chẳng muốn điều này? Dẫu bước chân và ý chí có mạnh mẽ đến đâu, chúng ta cũng mong mỏi cho chính mình một giây phút như thế. Dòng đời ngược xuôi, người đi tấp nập, cuộc sống bộn bề, đời người lo toan và phận người ngắn ngủi.

Tôi muốn viết nhưng khi bắt đầu tôi chẳng biết mình sẽ viết gì?

Rồi dòng đời, rồi cuộc sống, rồi phận người và rồi tôi nhớ Bạn...!

Bạn ra đi trong cái tuổi đẹp nhất của đời người. Trong cái tuổi chông chênh của trưởng thành và trẻ dại, của chững chạc và cuồng chân... Bạn ra đi khi gia đình vừa chớm nở. Khi đứa trẻ chưa í ơi rõ hai tiếng mẹ cha và ánh mắt thơ ngây đầy hy vọng với vầng khăn tang quấn trên đầu... Khi đứa trẻ còn mỉm cười yêu thương bên Bạn đang xanh màu Hy vọng của chồi xanh thiên đường.

Cái tuổi của trạm dừng nghỉ ngơi một đời người để chuẩn bị cho nửa phần đời còn lại vẫy vùng trong ước mơ và hoài bảo. Nhưng với Bạn đó cũng là trạm dừng chân cuối cùng. Bạn ra đi khi chúng ta đang lớn, khi những đứa trẻ năm nào bên giáo đường tuổi thơ đang trên đường trưởng thành. Bạn ra đi để lại một con đường đầy sỏi đá và hoa hồng, để chúng tôi trong từng nhịp bước không nguôi nhớ thương về bạn. Đấng Thiêng liêng trong niềm tin thổn thửa của nhịp đập con tim căng tràn nhựa sống giờ đây đã đón Bạn về trong nỗi tiếc thương của bạn bè, người thân quanh Bạn...

Chúng tôi ở lại, giữ bạn trong tim, nhớ bạn trong lòng và biết thật rồi giờ đây ký ức tuổi thơ đã đóng đinh mãi một người Bạn yêu thương không bao giờ còn lớn nữa cùng chúng tôi...

Ai trong mỗi chúng ta cũng có một vùng trời ký ức của tuổi thơ. Nơi vùng trời đó, mỗi khi cuộc sống đầy bộn bề lo toan và khó khăn, chúng ta lại nghĩ về, lại tìm về và như được tiếp thêm cho chính mình nhựa sống mà tiếp bước hành trình. Cuộc sống cần chúng ta mơ những giấc mơ thật lớn và ước ao những điều lớn lao. Để chúng ta sẽ cố gắng và bước đi với tinh thần và khát kaho mạnh mẽ nhất. Để cuộc đời chúng ta đẹp cùng cuộc đời đẹp của tất cả mọi người xung quanh.

Trong cái tuổi của chông chênh gần nửa đời người, có người đã dừng bước và về nơi vĩnh hằng, có người đang dò dẫm và bước những bước vô tư, nhưng cũng có những người đang vững chãi hay cuồng bước những đôi chân về phía vượt qua chông chênh. Ai cũng có những bước đi của mình với Niềm tin và Hy vọng. Chẳng ai may mắn hơn ai, chẳng ai nỗ lực hơn ai? Cuộc sống này cần cả hai điều đó. Tuổi chông chênh này cần cả hai điều đó.

Người ra đi về cõi vĩnh hằng nghĩa là đã xong con đường cuộc đời này. Người ở lại tiếp bước trên con đường bản thân để đến và đạt lấy những giấc mơ của mình mà mang về vui say trong cõi vĩnh hằng mà ai rồi cũng sẽ đến.

Cuộc sống có khó khăn thì ý chí mới được trui rèn. Người sống có nghị lực thì mới đạt được những giấc mơ.

Cõi vĩnh hằng thì ai rồi cũng sẽ đến.

Nhưng những giấc mơ thì không phải ai cũng may mắn được bước đến.

Mỗi người có một hành trình riêng và hãy hoàn thành hành trình đó.

Tạm biệt Bạn tôi. Cảm ơn Bạn vì tất cả!


Thánh Phero là vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội Công giáo hoàn cầu. Ngài được Chúa Giêsu chọn làm Giáo hoàng bằng câu chuyện nổi tiếng 3 lần hỏi Ngài có yêu mến Chúa không. Trong câu chuyện đó, ở lần hỏi thứ ba, Kinh thánh diễn tả lại rằng Thánh Phero đã buồn phiền vì Thầy mình hỏi mình có yêu mến Thầy hay không đến ba lần. Lần thứ ba, Thánh Phero đã trả lời khác với hai lần trước:

- Thưa Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy. - Sau đó, Chúa đặt Ngài làm Giáo hoàng và trao cho Ngài "Chìa khóa nước Thiên Đàng".

Thánh Phero là thủ lãnh Nhóm 12 Tông đồ được Chúa tuyển chọn. Đó là những người nhiệt thành và phù hợp với giáo lý Tình yêu mà Chúa đang ra giảng. Và Thánh Phero là người đứng đầu nhóm những người nhiệt thành đó. Ngoại trừ Juda - Kẻ Phản Bội - mà nay đã trở thành câu chuyện kinh điển về lòng trung thành, ít ai biết rằng khi Chúa bị bắt và chuẩn bị Chịu chết, người thủ lãnh Tông đồ, người được Chúa yêu thương, tin tưởng đó lại chính là người chối Chúa ba lần.

Kinh thánh đã chép lại rằng, khi Chúa bị bắt, các Tông đồ đều bỏ trốn, trốn chạy vì sợ quân linh cũng sẽ bắt luôn mình. Duy chỉ có 3 người đã quay lại và đi theo 3 cách khác nhau.

Thánh Gioan - Tông đồ trẻ nhất, đã tìm cách qua sự quen biết với các đầy tớ ở nơi giam giữ Chúa để cùng dắt Phero vào bên trong đền thờ và đến gần sát với nơi Chúa đang ngồi chờ xét xử, xung quanh lúc đó có rất nhiều người. Và người thứ ba, là Juda - kẻ đã bán Chúa nhưng đã đến gặp những kẻ chủ mưu, ném bỏ 30 đồng bạc của cái giá phản Thầy và đi thắt cổ chết.


Thánh Gioan có sự quen biết, nhưng đã không đến gần với Thầy mình như thể cũng để cho Thầy còn chút an ủi. Juda đã theo Chúa suốt cả hành trình 3 năm rao giảng, được chọn vào Nhóm 12 và bán Thầy. Juda cũng theo Chúa đến nơi Người bị giam giữ, nhưng đã chạy đến với những kẻ lợi dụng mình để hại Thầy mình. Juda hối hận nhưng không tìm đến Thiên Chúa, không nhớ những Lời và Tình yêu mà mình đã có suốt 3 năm qua, Juda thắt cổ tự vẫn và không tin vào Lòng Thương Xót của Chúa sẽ tha thứ cho mình.

Nhưng Phero - người Tông đồ trưởng Chúa yêu, đã đến gần sát và mặt đối mặt với Thầy mình hơn tất cả. Trong giây phút Tình Yêu Cứu Độ đang sắp gần trọn vẹn như Lời Hứa năm xưa ở Vườn Eden của Chúa Cha nhân từ, Phero đã ở đó và là người bạn đồng hành với Con Thiên Chúa bằng tất cả những nỗi niềm của một người vừa trốn chạy, nhưng còn hơn thế nữa.

Một người đến và hỏi Ông có biết Chúa không? Ông trả lời Không!

Người thứ hai đến hỏi Ông có biết Chúa không? Ông trả lời Không?

Và người thứ ba đến quả quyết ông biết Chúa. Ông thề là Không?

Trong Bữa tiệc Ly của buổi chiều hôm Chúa bị bắt, Ngài đã nói với Phero rằng "Trước khi gà gáy, anh sẽ chối Thầy ba lần!" - và ngay lúc lời thề của Phero vừa dứt, gà đã gáy!


Thánh Phero nhìn Chúa với đôi mắt đang nhìn mình. Giống như Juda, Phero đã cùng Thầy và Nhóm 12 rong ruổi trên con đường rao giảng giáo lý Tình yêu suốt 3 năm qua, đã cùng nghe, cùng nghĩ, cùng sống, cùng cầu nguyện với người Thầy của mình. Khác với Juda, Phero đã can đảm sau phút hoảng sợ của "đàn chiên bị đánh tan tác", ông đã tìm đến Chúa - dù chỉ là vòng lẩn quẩn tránh mặt Chúa của mình, ông đã chối Chúa đến 3 lần - như lời Chúa đã nói trước, ông đã nghe tiếng gà gáy, đã nhìn và tìm đến anh mắt Thương Xót của Thầy mình. 

Chúa đã nhìn Ông bằng ánh mắt của Lòng Thương Xót. Lòng Ông lúc này nhẹ nhõm và Ông chạy đi, Ông khóc với tất cả những cảm xúc yêu thương mà Chúa đã dành cho mình.

Sau Ngày chúa chịu chết, Ông ở cùng các anh em Tông đồ và Đức Maria. Ông đã nghĩ gì trong 3 ngày ây? Khi nghe các phụ nữ đến viếng mộ Chúa và hốt hoảng trở về báo rằng ngôi mộ trống, Ông đã chạy đi cùng Gioan. Nhưng nếu Gioan đứng lên bên ngoài cửa mộ, thì người Tông đồ trưởng - vị Giáo hoàng tiên khởi của Hội thánh đã tiến vào bên trong, khóc thương hối lỗi lần thứ hai và chính thức lãnh nhận sứ mệnh mà Chúa đã giao phó.


Chúa đã sống lại, Ngài hiện ra với các Tông đồ sau đó suốt 40 ngày và Ngài lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha toàn năng, kết thúc thời gian chờ đợi Lời Hứa và mở ra thời đại mới của Nhân loại - thời đại sống để trở về với quê hương Thiên quốc.

Juda đã bán Chúa với giá 30 đồng bạc. Juda đã hối hận vì bán một người công chính và ném trả 30 đồng bạc đó cho những kẻ ác ôn hại Thầy mình. Juda đã đi thắt cổ tự vẫn như sự bế tắc của cuộc đời mình.

Phero đã chối Thầy 3 lần. Phero đã hối hận vì chối bỏ người đã yêu thương mình và đã khóc trong nỗi uất hận yếu hèn của thân phận con người. Phero đã tìm đến Chúa, đã hối hận và cuộc đời Phero đã không đi vào bế tắc như Juda. Đó là lý do vì sao Chúa đã chọn Phero làm vị Giáo hoàng tiên khởi.

Lúc cuối đời, khi Hội thánh trong thành Jerusalem bị bách hại quá nhiều, ông có ý trốn đi nơi khác. Khi vừa ra đến cửa thành, ông thấy Chúa đi ngược vào trong. Ông hỏi Chúa rằng Ngài đi đâu? Chúa nói Người vào thành để chết một lần nữa. Và năm đó, năm 64 sau công nguyên, Thánh Phero chịu tử vì đạo tại Jerusalem nơi Thầy mình đã Chịu nạn. Nhưng khi chết, Ông muốn mình bị đóng đi ngược vì nói rằng Ông không xứng đáng để được giống như cách Chúa đã chết.


Phero và Juda - hai Tông đồ trong Nhóm 12 - hai con người đã được Chúa chọn cho hành trình 3 năm rao giảng giáo lý Tình yêu. Khi biến cố Cứu chuộc xảy đến, hai người đều phạm những tội lỗi như nhau. Nhưng một người chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân để rồi đi đến sự bế tắc và tự kết liễu cuộc đời mình trong tuyệt vọng. Còn một người đã tìm đến Lòng Thương Xót của Chúa để hối lỗi ăn năn và tìm thấy ánh sáng cho cuộc đời mình để rồi cuộc đời được kết thúc trong Hy vọng và niềm vui Chết Vì Tình Yêu.

Hai cuộc đời này là hai sự lựa chọn cho chính chúng ta.

Khi vấp ngã và cuộc đời bế tắc, chúng ta sẽ là ai? Là Juda hay Phero?

Là người chỉ dựa vào sức mình rồi đi đến bế tắc,

Hay là người biết cậy dựa vào Thiên Chúa tình yêu và tìm thấy Niềm Hy vọng cho cuộc đời mình!

Đó là sự lựa chọn mà Thiên Chúa dành cho mỗi chúng ta!



Tôi để lại dưới đây lời tự sự của Bạn - người Bạn tôi yêu quý và trân trọng. Chúng ta cùng chung niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân lành và giàu lòng xót thương, nhưng nơi Bạn mới cho tôi thấy rõ niềm tin và hình ảnh của người Cha nhân lành ấy.

Mỗi người chúng ta sinh ra đều vì một lý do nào đó. Và cuộc đời của chúng ta là hành trình để đi tìm lý do đó. Bạn đã mang đến cho chúng tôi niềm vui khi được ở bên cạnh Bạn, nghe Bạn nói, nhìn Bạn cười và khiến chúng tôi cảm thấy yêu mến cuộc sống của mình hơn, trân trọng cuộc sống của mình hơn và yêu mến Bạn nhiều hơn. Đó là lý do Bạn đã đến trong cuộc sống này!

Trong niềm tin của chúng ta, Bạn đã được mời gọi để trở về Ngôi Nhà chung trước chúng tôi, hãy vững tin Bạn nhé, trong tim tôi mãi mãi có hình ảnh của Bạn!


"26 tuổi.cái tuổi qá đẹp qá hoàn hảo cho một con ng và cũng qá trẻ để chết.thế nhưng tôi lại đang đi vào đoạn cuối của con đường ấy.con đường qá đau thương và đau đớn.nhưng tôi lại cảm thấy con đường ấy thật nhẹ nhàng và tươi đẹp vì bên tôi là gia đình bạn bè bằng hữu.ko còn gì fai tiếc nuối và lưu luyến trong kiếp ng này nữa.bây giờ có ra đi cũng cảm thấy thật thanh thản.
những ngày khổ đau vừa qa thật lòng cám ơn gia đình ng thân bạn bè và anh em xa gần đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi.để tôi có đủ can đảm đi tiếp đoạn đường còn lại của đời ng.rồi mai này tôi sẽ xa tất cả tôi chỉ mong ng ở lại sẽ đc bình an và hạnh phúc.trọn kiếp vẫn mãi bình an.chân thành cảm ơn rất nhiều.tôi-be-oanh."


“Dân chủ là kết quả của những cuộc đấu tranh, của chiến lược, sự khéo léo, tầm nhìn, và lòng dũng cảm”, và rằng nơi nào mà nền dân chủ thành công thì nơi ấy cần có sự tận tụy, tài năng, lòng can đảm, và niềm đam mê tự do – “và đó là nơi mà hai từ ‘chính trị’ mang ý nghĩa tốt đẹp nhất”, Larry Diamond đã viết như vậy trong cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của ông.

Giáo sư Chính trị học Larry Diamond (ĐH Stanford) là một nhà khoa học xã hội chuyên tâm. Ông từng đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu sự cẩu thả của Mỹ trong việc xây dựng nền dân chủ ở Iraq, và kết quả của nghiên cứu này được trình bày trong cuốn “Squandered Victory”.
Tác phẩm “Tinh thần Dân chủ” (The Spirit of Democracy) là một dự án rộng hơn, nó đi từ Malawi tới Singapore, rồi Venezuela. Trong cuốn sách này, Diamond nghiên cứu các quốc gia có nền dân chủ bị sụp đổ tính từ thời điểm “làn sóng dân chủ hóa thứ ba” bắt đầu vào năm 1974 và cho đến nay (2008) vẫn chưa hồi phục. Ông không chỉ kể ra những quốc gia đã quá phi dân chủ như Nigeria – bị chi phối bởi tham nhũng nặng nề, mà còn cả Nepal, Thái Lan và quần đảo Solomon.
Ông nghiên cứu về cái gọi là “căn bệnh của sự cai trị mang tính cá nhân” ở châu Phi, cũng như vai trò của chế độ quân chủ, chủ nghĩa dân túy và Hồi giáo ở Trung Đông đối với sự sụp đổ của dân chủ. Một nghiên cứu bi quan đến vậy có thể khiến người đọc cảm thấy “Tinh thần Dân chủ” mang một nỗi sầu thê thảm. Song trên thực tế, Diamond lại không hoàn toàn bi quan cho lắm: ông tin rằng rồi đây gần như cả thế giới sẽ tiến tới dân chủ bằng cách này hay cách khác.
Ông viết, “Vào giữa những năm 1990, càng ngày tôi và rất nhiều đồng nghiệp của tôi càng nhận thức rất rõ rằng, nếu ba phần năm các quốc gia trên thế giới (nhiều trong số đó còn nghèo đói và không thuộc phương Tây) có thể chuyển mình thành những nền dân chủ, thì không có lý gì mà phần còn lại của thế giới không làm được điều đó.” Thậm chí, ông còn tin rằng các nước như Trung Quốc và Iran sẽ sớm trở thành các nền dân chủ.
Diamond cảm thấy lạc quan bởi ông đem so sánh cái hiện tại đầy những thất bại về dân chủ so với cái quá khứ hồi năm 1974, khi ông còn là thủ lĩnh sinh viên trong các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Ông nhắc lại rằng, trong quá khứ ấy, tinh thần dân chủ không hề thịnh hành. “Chỉ một phần tư số các quốc gia độc lập lựa chọn chính phủ của họ bằng các cuộc bầu cử cạnh tranh, công bằng và tự do”.
Khuynh hướng Marxist và chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu nổi lên ở châu Á và châu Phi vào thời đó. Diamond nhận thấy rằng, chế độ Haile Selassie sụp đổ ở Ethiopia đã khiến cho “hầu hết các quốc gia Châu Phi hạ Sahara rơi vào tay của quân đội hoặc các chế độ độc đảng”.
Ở khu vực Mỹ Latin, các chính phủ vốn được bầu lên một cách dân chủ cuối cùng cũng bị quân đội lật đổ và phải chịu đựng những luật lệ cai trị hà khắc. Ở Liên Xô, chủ nghĩa toàn trị không chỉ chi phối khu vực liên bang mà còn bao trùm lên cả các quốc gia vệ tinh Đông Âu quanh nó. Những nơi khác đầy rẫy hỗn loạn. Phe cánh Khmer Đỏ đã sớm kiểm soát Campuchia và giết chết khoảng một triệu đến hai triệu người (trong tổng số bảy triệu dân). Trong cộng đồng các nước Arabs, chỉ có Lebanon là một nền dân chủ.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ lại đang bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh Lạnh trước sự bành trướng của Cộng sản, và rồi phải tìm cách rút khỏi cuộc chiến ở Đông Nam Á – khi mà cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 58 nghìn công dân Mỹ cũng như hàng triệu người dân Việt Nam.
Vào thời điểm đó, Diamond đã thực hiện một chuyến đi dài ngày để tìm hiểu những nơi đang thay đổi, dù là xấu đi hay đang tốt lên. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bồ Đào Nha. Vài tháng trước đó, Phong trào cácLực lượng Vũ trang đã tiến hành đảo chính lật đổ chế độ độc tài – bán phát-xít tồn tại suốt gần 50 năm. Tại đây, Diamond đã chứng kiến cảnh lực lượng cộng sản và các lực lượng chính trị khác đối đầu quyết liệt trong một chính phủ mới.
Sau đó, ông đi về phía Nam tới Nigeria, nền dân chủ lớn nhất và hứa hẹn nhất của châu Phi. Tuy vậy, đất nước này đang rơi vào tình trạng “bất ổn kinh tế và chính trị” do bị cuộc nội chiến tàn phá dữ dội.
Từ châu Phi, Diamond đã đi đến Trung Đông, tới Ai Cập và Israel. Cả hai nước này đều đang dần khôi phục sau cuộc xung đột năm 1973. Tiếp đó là Thái Lan, đất nước “đang loay hoay tìm cách xây dựng nền dân chủ”, và Đài Loan, đất nước mà ông gọi là “một trong những quốc gia độc tài quan trọng trong phép màu Đông Á”.
Ở một khía cạnh nào đó, thì cuộc hành trình xuyên qua những miền đất ấy đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp của Diamond. Qua những trải nghiệm của riêng mình, ông nhận ra rằng số phận của một nền dân chủ không hoàn toàn bị quyết định bởi các sự kiện lịch sử hay thậm chí các lực lượng trong hệ thống chính trị, mà thật sự nó đến từ niềm đam mê và nhiệt huyết của những con người đơn lẻ.
Ông viết rằng, “dân chủ là kết quả của những cuộc đấu tranh, của chiến lược, sự khéo léo, tầm nhìn, và lòng dũng cảm”, và rằng nơi nào mà nền dân chủ thành công thì nơi ấy cần có sự tận tụy, tài năng, lòng can đảm, và niềm đam mê tự do – “và đó là nơi mà hai từ ‘chính trị’ mang ý nghĩa tốt đẹp nhất”.
Ông đưa ra dẫn chứng từ cuộc cách mạng “máy ủi” phi thường của Serbia vào tháng 10 năm 2000, khi một liên minh dân chủ gồm các đảng đối lập, cùng với một nhóm sinh viên và những người nông dân lái máy kéo để về thủ đô Belgrade và huy động hơn một triệu người tham gia cuộc biểu tình. Họ đã lật đổ chế độ cai trị tàn bạo của Slobodan Milosevic – điều mà các chính trị gia bất tài không thể nào làm được trong suốt một thập niên chịu cảnh chiến tranh tàn bạo và suy thoái kinh tế. Cuộc cách mạng ôn hoà này đã trở thành tấm gương cho toàn khu vực, tiêu biểu nhất là ở Georgia và Ukraine.
Cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của Diamond đặt ra câu hỏi rằng, liệu có phải dân chủ chỉ có thể tồn tại ở các nước giàu có và có trình độ học vấn cao, với tầng lớp trung lưu mạnh mẽ. Và có phải tất cả mọi người đều thực sự mong muốn có được nền dân chủ, hay là vẫn có những người – chẳng hạn như người Trung Quốc – tin rằng độc tài là cách tốt nhất để điều hành một quốc gia?
Để trả lời câu hỏi này, Diamond đi tìm hiểu các lực lượng đóng góp cho dân chủ, từ những tác động nội bộ đã dẫn đến hình thành xã hội dân sự, cho tới những áp lực bên ngoài như là thuyết phục ngoại giao hoặc trừng phạt kinh tế. Diamond nhấn mạnh tầm quan trọng của Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (NED), được thành lập vào năm 1983 để thúc đẩy các nền dân chủ ở nước ngoài, với những nền dân chủ thành công mà nó đã mang đến cho Ba Lan và Nicaragua.
Đáng chú ý nhất là những phân tích của Diamond về sức ảnh hưởng của người dân đến quá trình dân chủ hóa. Diamond lấy ví dụ bằng một câu chuyện về Alejandro Toledo, cựu lãnh đạo của Peru, từ một cậu bé chăn cừu nghèo khổ đã trở thành một tổng thống tham vọng và đầy lý tưởng. Nhiệm kỳ năm năm của Toledo tuy không thành công về mặt chính trị, nhưng Diamond đã coi đây là một bài học ở Mỹ Latinh.
Các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo dân chủ ở Trung Quốc và châu Phi đã cho chúng ta biết đến những cá nhân đầy lý tưởng đang tìm kiếm sự thay đổi. Ngay cả ở nước Nga hiện nay, nơi mà Diamond tin rằng dân chủ đã không còn tồn tại kể từ thời của Boris Yeltsin, thì vẫn có những nhà báo can đảm như Anna Politkovskaya, người đã bị giết chết vì cố gắng viết ra sự thật.
Dầu mỏ là một yếu tố quan trọng trong câu chuyện về sự thụt lùi của nền dân chủ ở Nga, cũng như ở nhiều quốc gia khác. Trong số 23 quốc gia có nền kinh tế bị chi phối bởi “lời nguyền dầu mỏ”, không hề có lấy một quốc gia nào được coi là dân chủ. Từ Algeria cho tới Venezuela, “tất cả các quốc gia giàu dầu mỏ trên thế giới vẫn tiếp tục chìm trong chế độ độc tài hoặc bị rơi vào nền độc tài kể từ sau năm 1974, năm khởi đầu của làn sóng dân chủ hóa thứ ba”. Theo Diamond, “khi nguồn thu từ dầu mỏ tăng lên, thì dân chủ sụt giảm”.
Cuốn sách “Tinh thần Dân chủ” của Diamond không phải là kiểu sách dành cho tất cả mọi người. Nó chứa quá nhiều số liệu thống kê so sánh, dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và các bảng xếp hạng của Freedom House. Nó đòi hỏi độc giả phải thực sự chú tâm. Song nó cũng đưa ra cơ sở vững chắc cho những ai hoài nghi luận điểm của Seymour Martin Lipset, rằng khi đất nước càng giàu thì triển vọng duy trì nền dân chủ càng lớn.
Diamond khẳng định rằng các quốc gia thuộc thế giới thứ ba chưa hẳn sẽ loay hoay mãi trong các chế độ độc tài. Ông chỉ ra, ngay cả những nơi như Burundi và Sierra Leone, sau các cuộc nội chiến tàn bạo và đẫm máu, cũng đã trở thành các nền dân chủ (dẫu còn đối mặt với nhiều rủi ro). Dân chủ có thể là một thứ gì đó xa xỉ, nhưng vấn đề chẳng nằm ở việc quốc gia giàu có hay nghèo khổ. Tất cả phụ thuộc vào sự nhiệt thành và sự tận tâm của người dân.


Thật vậy, thông điệp của cuốn sách được tóm gọn trong lời đề tặng của Diamond cho ba biểu tượng của dân chủ: Gandhi, Vaclav Havel và Daw Aung San Suu Kyi.
Diamond đưa ra một dự đoán đầy triển vọng rằng, ngay cả “những quốc gia như Iran và Trung Quốc, dù có vẻ như vẫn đang miễn nhiễm với các xu hướng dân chủ toàn cầu, song nhiều khả năng sẽ trở thành các nền dân chủ trong hai hoặc ba thập niên tới”.
Vậy thì, “nếu Trung Quốc có thể dân chủ hóa, tại sao toàn bộ thế giới lại không?”

Nguồn: http://luatkhoa.org/2017/05/gioi-thieu-sach-tinh-dan-chu-cua-larry-diamond/

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.