Thủy sản chế biến Việt Nam đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới |
Theo số liệu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh về sự hiểu biết của các doanh nghiệp (DN) về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 91% DN còn biết quá ít về TPP, 20% DN chưa từng nghe về TPP, 45% DN có nghe nhưng không biết sâu, 26% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ. Đây là tỷ lệ quá thấp để các DN có thể áp dụng TPP vào hoạt động thương mại.
Lý giải cho việc thiếu quan tâm đến TPP, nhiều DN cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn nên họ phải gồng mình để lo cho sự tồn tại của DN, ít có thời gian quan tâm, tìm hiểu kỹ về TPP. Đặc biệt, các DN còn chung tâm lý là “tới đâu hay tới đó”. TPP còn xa vời và không ảnh hưởng nhiều đến ngành nghề của DN đang hoạt động.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, Hiệp định TPP có hiệu lực được kỳ vọng đem lại lợi ích to lớn đến các quốc gia thành viên, đặc biệt là Việt Nam. Để có thể tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), TPP, các DN cần phải hiểu rõ các quy định trong hiệp định để vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Về phía cơ quan chức năng, giải pháp làm thay đổi nhận thức của DN cần thông qua các hội thảo, hội nghị, khóa đào tạo theo từng ngành hàng, từng quy định cụ thể, tránh việc tuyên truyền mang tính chung chung.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia thành viên TPP chính thức ký kết ngày 4/2/2016 và sẽ được Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn trong thời gian tới. Các quốc gia thành viên TPP phấn đấu đưa hiệp định này thực thi vào đầu năm 2018. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhiều dòng thuế được bãi bỏ, một số dòng hàng còn lại mang tính nhạy cảm cần được giảm dần theo các năm theo lộ trình cam kết cụ thể. Hiệp định TPP có 30 chương, DN cần nắm rõ 6 chương sau để có thể tận dụng của hiệp định trong tổng số 30 chương.
Thứ nhất, Chương 2 về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa. Trong tất cả các Hiệp định FTA, chương về cắt giảm thuế quan là 1 trong những chương quan trọng. Theo đó, hàng hóa của 1 nước xuất khẩu sang quốc gia thành viên khác sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi theo cam kết của các bên. Chẳng hạn: Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu (NK) đối với 66% dòng thuế và 86,5% dòng thuế vào năm thứ 4. Các mặt hàng còn lại có lộ trình từ 5- 10 năm. Một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, lộ trình trên 10 năm. Hay như Hoa Kỳ cam kết vào thời điểm hiệp định có hiệu lực, khoảng 98% kim ngạch nông, thủy sản và 75% kim ngạch hàng công nghiệp (không bao gồm dệt may) được miễn thuế NK.
Hàng nông sản xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi về thuế trong TPP |
Do đó, các DN cần phải kiểm tra mức thuế được áp dụng tại thời điểm xuất khẩu (XK) để chọn phương án thuế tối ưu nhất (thuế bằng không hoặc thấp nhất) trong xu thế các FTA đan xen nhau. Ví dụ, XK sang Nhật Bản khi TPP có hiệu lực, các DN có thể lựa chọn trong 4 loại ưu đãi: FTA Việt Nam- Nhật Bản (VJFTA), FTA ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), TPP và hệ thống ưu đãi (GSP).
Trong Hiệp định TPP, việc cắt giảm thuế quan của mỗi quốc gia thành viên sẽ dựa vào các cam kết các bên và được quy định cụ thể trong chương này.
Thứ hai, Chương 3 về quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ. Đây là chương chính và được coi như xương sống của mỗi FTA.
Để tận dụng hiệu quả ưu đãi từ Hiệp định TPP, hàng hóa của DN cần phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ được quy định và yêu cầu cụ thể trong Chương 3.
Thứ ba, Chương 4 về dệt may. Dệt may luôn luôn là mặt hàng nhạy cảm trong thương mại quốc tế. Với Hiệp định TPP, dệt may là một trong những chủ đề được các nhà đàm phán Việt Nam quan tâm. Dệt may cũng được báo đài đưa tin nhiều về nội dung của chương này. Bản chất của Chương dệt may là cần phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể, nói chính xác là quy tắc xuất xứ trong ngành Dệt may cần phải đáp ứng yêu cầu hàng hóa được hưởng ưu đãi theo cam kết tại Chương 2 của hiệp định.
Để đánh giá về cơ hội của ngành này khi Hiệp định TPP có hiệu lực, nhiều báo đài đưa tin, đây là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, sau khi nghiên cứu kỹ các yêu cầu của chương này, dệt may hầu như không được hưởng lợi gì từ hiệp định, nếu các điều kiện về sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm tại Việt Nam không có bước thay đổi mang tính đột phá chiến lược. Đây là bài toán rất khó có thể có lời giải trong ngày một ngày hai.
Thứ tư, Chương 6 về phòng vệ thương mại. Phòng vệ thương mại được chia làm 3 biện pháp: (1) Chống bán phá giá; (2) Chống trợ cấp và (3) Tự vệ.
Ví dụ, trong TPP, các quốc gia có thể áp dụng biện pháp tự vệ như một cơ chế tự vệ tạm thời cho phép một thành viên thực hiện một biện pháp tự vệ tạm thời đối với một sản phẩm của một hoặc nhiều bên trong khoảng thời gian không vượt quá 2 năm, nếu việc NK tăng đột biến hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Không bên nào được áp dụng biện pháp tự vệ nhiều hơn một lần đối với cùng một loại sản phẩm và không áp dụng với biện pháp hạn ngạch thuế quan và hạn chế số lượng.
Thứ năm, Chương 7 về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Chương SPS trong TPP dựa trên các quy định của Hiệp định SPS của WTO về xác định và quản lý rủi ro theo cách không hạn chế thương mại hơn mức cần thiết; bảo đảm mục tiêu mở rộng và thúc đẩy thương mại bằng nhiều cách giải quyết các vấn đề về SPS; thừa nhận việc công nhận tương đương là biện pháp thúc đẩy thương mại thông qua việc công nhận lẫn nhau đối với một biện pháp SPS, nhiều biện pháp SPS và cả hệ thống. Việc áp dụng biện pháp SPS dựa trên cơ sở khoa học, không phân biệt đối xử, minh bạch trong quá trình đánh giá rủi ro.
Thứ sáu, Chương 8 về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT). Các quốc gia thành viên TPP đồng ý hợp tác để bảo đảm các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật, không tạo ra rào cản không cần thiết đối với thương mại. Để cắt giảm chi phí cho các DN TPP, đặc biệt là DN nhỏ, các thành viên TPP nhất trí các quy định giúp xóa bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp đối với các sản phẩm, thiết lập quy trình dễ dàng hơn giúp các công ty tiếp cận thị trường các nước TPP. Hiệp định TPP bao gồm các phụ lục liên quan tới các quy định về các lĩnh vực cụ thể nhằm thúc đẩy các cách tiếp cận chung về chính sách trong khu vực TPP.
Hiệp định TPP được 12 quốc gia thành viên TPP chính thức ký kết ngày 4/2/2016 và sẽ được Quốc hội các quốc gia thành viên phê chuẩn trong thời gian tới. Các quốc gia thành viên TPP phấn đấu đưa hiệp định này thực thi vào đầu năm 2018. |
TIN LIÊN QUAN | |
So sánh với các FTA mà Việt Nam là thành viên | |
Doanh nghiệp đã sẵn sàng |
Đăng nhận xét