Từ lâu tôi luôn tự hỏi, vì sao những bài hát về truyền thống lịch sử, tinh thần dân tộc của người Trung Quốc lại hay, hào hùng và thậm chí bi hùng mà vẫn cực hay như thế? Còn Việt Nam chúng ta, vẫn nhiều những bài hát về lịch sử, truyền thống dân tộc hay lắm, nhưng có vẻ ít và không có những tiết tấu hào hùng, bi hùng so sánh ngang được với họ, tại sao lại như thế?
Lịch sử của người Trung Quốc là lịch sử của chủ nghĩa dân tộc tộc đại Hán, là lịch sử bành trướng bờ cõi về bốn phía Đông – Tây – Nam – Bắc của người Hán. Chính từ lịch sử dân tộc đó, đã hình thành nên những nét văn hóa dành riêng cho sức mạnh, đao kiếm và chiến trường. Những bài hát về Nhạc Phi – người anh hùng dân tộc chống Nguyên của người Hán, thật bi hùng như một thời kỳ đen tối lúc bấy giờ của người Hán. Hay những bài ca về tình huynh đệ của “108 anh hùng Lương Sơn Bạc, những bài ca của thời quốc gia đại loạn ca ngợi tình anh em, chủ tướng, vợ chồng trong “Tam quốc diễn nghĩa”, “Xuân Thu chiến quốc”, “Hán Sở tranh hùng”, hay những bộ phim thời kỳ thế kỷ XIX –XX… đều nêu lên một khát vọng Trung Hoa nam nhi tự cường, tự lấy sức mình mà bình định quốc gia. Dĩ nhiên, tất cả phải bằng một điệp khúc: nuôi chí, tỏ tài, tụ người, đánh trận và huy hoàng hoặc bi hùng.
Tất cả những giá trị truyền thống văn hóa chiến trường từ khi lập quốc mấy ngàn năm trước công nguyên đó đã tạo ra những ca từ hào hùng, kỳ vĩ trong những bài hát ca ngợi chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc.
Nhưng còn với người Việt Nam, dân tộc chúng ta dường như có những nét văn hóa trái ngược hoàn toàn với “truyền thống văn hóa chiến trường” của người Trung Quốc.
Người Việt Nam nếu theo Sử ký, đến nay cũng trên dưới 6.000 năm truyền đời, còn theo lịch sử cũng trên dưới 3 – 4.000 năm. Một quãng thời gian lâu dài để xây dựng những giá trị truyền thống văn hóa tinh hoa của dân tộc. Nhưng đau buồn thay, trong lịch sử dân tộc ngàn năm đó, người Việt đã hơn 1.000 năm phải sống dưới ách nô lệ, đồng hóa tàn bạo, khủng khiếp của người Trung Quốc. Đến năm 938 thì giành lại độc lập tự chủ đến hôm nay, nhưng rồi cũng phải sống trong loạn lạc, chia ly, chiến tranh xâm lược, chiến tranh nội chiến mà triều đại nào cũng có. Bởi thế, từ dòng lịch sử đau thương của nội chiến và chiến tranh, sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người dân Việt là niềm ao ước, khát khao về hòa bình, hạnh phúc và tự do. Những bộ phim “Ngọn nến Hoàng cung”, “Bình Tây đại nguyên soái”, “Trần Thủ Độ”, “Đêm hội Long Trì”, “Ván bài lật ngửa”… ai ai cũng nhận ra những ca từ nhẹ nhàng, khao khát của những giá trị văn hóa hòa bình đích thực.
Từ những khao khát cháy bỏng trong lòng người dân Việt đó, những bài tình ca của mỗi vùng miền đã trổ sinh và truyền đời qua ngàn năm lập quốc từ huyền sử đến nay. Từ Câu hò vĩ dạ, Điệu hò sông Mã, Quan họ Bắc Ninh đến Lý, Hò miền Nam cùng những ca từ Mẹ, Cha, Anh, Em, Bậu, Dì, Mạ, Cậu, Chú… đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt: nhẹ nhàng, đằm thắm, yêu quê hương, yêu hòa bình, khao khát tự do, khao khát hạnh phúc và ước mong một cuộc đời không lửa khói…
Những ca từ của dân tộc hòa bình đó đã đối lập hoàn toàn với những ca từ mang giá trị truyền thống văn hóa chiến trường của người Trung Quốc. Như suốt mấy ngàn năm qua, khi những binh đoàn người Hán cuồn cuồn lửa cháy, phong ba sang xâm lược đất nước chúng ta, thì dân tộc Việt lại nhẹ nhàng, đằm thắm, oai hùng và kiên cường đánh lui tất cả mọi cuộc xâm lăng. Để rồi ngàn đời nay, một chân lý trường tồn và vĩnh cửu vẫn tồn tại bất khuất với thời gian:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Vì thế, dân tộc Việt Nam này đã tồn tại bằng những bài ca như nhịp điệu bolero tôi vẫn hằng nghe…
Đăng nhận xét