Việt Nam hôm nay.


Khi được sinh ra trên thế giới này, tất cả mọi con người đều phải rơi vào hai trạng thái: quyền được lựa chọn và quyền không được lựa chọn.

Con người không được quyền lựa chọn màu da, sắc tộc, nguồn gốc, cha mẹ và thân thể.
Nhưng khi lớn lên, con người được quyền lựa chọn lời nói, lắng nghe, lao động và suy nghĩ.

Một quốc gia cũng như thế, khi lập quốc hay lúc “khai sinh” một quốc gia, dân tộc đó không có quyền lựa chọn những nước xung quanh mình phải là những quốc gia nào. Vì một quốc gia được hình thành trên cơ sở một dân tộc, một dân tộc lại được hình thành trên cơ sở xã hội cộng đồng của một nhóm người và xã hội cộng đồng đó đã hình thành nên những giá trị đặc trưng của ngôn ngữ, văn hóa, bản sắc riêng của nhóm người, của cộng đồng và của dân tộc ấy.

Việt Nam cũng thế. Quốc gia nhỏ bé này dù tự hào mình đã từng lớn mạnh, hùng cường như thế nào chăng nữa thì vẫn truyền đời phải ở cạnh một đại quốc với lãnh thổ rộng lớn gấp trăm lần diện tích Việt Nam – đó là Trung Quốc.

Một giảng viên luật dạy về Công pháp quốc tế, khi sinh viên đặt câu hỏi về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, đã thẳng thắn tuyên bố rằng:
-         Chúng ta làm gì thì làm nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng, hàng xóm của chúng ta là ông anh Trung Quốc to lớn kia và sự thật đó sẽ không bao giờ thay đổi. Chẳng ai mang được cả cái nước Việt Nam này sang đặt cho gần Mỹ hay Châu Âu được đâu.

Nhìn vào trong lịch sử dân tộc, thế hệ thanh niên chúng tôi từng được dạy rằng: dù đánh thắng được những đạo quân xâm lược hùng mạnh của Trung Quốc trong bao nhiêu thế hệ, nhưng cha ông ta liền sau đó lại sang xin cống nạp, hòa hoãn với họ để tránh nạn binh đao, chiến tranh mà gây đau khổ cho nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, với tất cả sự kính trọng và biết ơn những bậc tổ tiên vĩ đại đã dựng vã giữ lại mảnh đất nhỏ bé này cho tôi và con cháu tôi về sau, tôi nghĩ rằng tư tưởng của cha ông tôi là tư tưởng của một quốc gia nhỏ bé về mặt địa lý, tôi không nói nhược tiểu, tôi nói đây là tư tưởng của một quốc gia nhỏ bé về mặt địa lý.

Trong tư tưởng giữ nước mà cha ông ta đã khẳng định ở trên, trong một thời kỳ dài đằng đẵng của hơn 10 thế kỷ, lấy mốc từ năm 938 đến nay, tư tưởng đó đúng và rất đúng. Giữa một thời đại mang bản chất mạnh được yếu thua, những tư tưởng hòa bình, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ còn chưa hình thành những khái niệm mầm mống thì tư tưởng đó đúng chứ. “Dĩ hòa vi quý” trong thời đại ấy – thời đại phong kiến hơn 1.000 năm là đúng đấy, không sai và không làm khác được đâu trong mối bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Nhưng hôm nay thì khác. Tư tưởng “dĩ hào vi quý” đó đã không còn đúng nữa. Tư tưởng đó vẫn có những giá trị riêng để vận dụng, nhưng vị thế của từng quốc gia và sự liên kết các nước trên nền tảng hợp đồng quốc tế đã mở ra những giá trị tư tưởng mới dần dần thay thế cho tư tưởng “dĩ hòa vi quý” của tổ tiên người Việt Nam.

Năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh của Đảng Cộng sản Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính thức thay thế bộ máy cai trị của triều đình phong kiến họ Nguyễn trên toàn bộ lãnh thổ và nhân dân Việt Nam.

Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mang một tầm vóc vĩ đại hơn rất nhiều so với tư tưởng “nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”. Vì hơn hẳn một nhà nước công nông, nhà nước VNDCCH về bản chất tận cùng là đại diện cho nhân dân Việt Nam và trong đó không chỉ có công nhân và nông dân, mà còn có cả trí thức, binh lính, tư sản, phú nông, địa chủ, người giàu có và những người mang dòng máu Việt mà không phải công nông.

Từ nền tảng quốc gia này, dân tộc Việt Nam chính thức bước lên vũ đài thế giới và được đón nhận tất cả mọi quyền mà tất cả những quốc gia khác đều có được: quyền bình đẳng, quyền được tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tất nhiên, Trung Quốc cũng phải tôn trọng những quyền và nguyên tắc đó của Việt Nam.

Nhưng để thực hiện được những quyền đó, để một quốc gia rộng lớn và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm đô hộ, xâm lược, đồng hóa Việt Nam như Trung Quốc thừa nhận thì người Việt Nam phải làm và làm rất nhiều thứ.

Phải phát triển nền kinh tế hùng mạnh chúng ta mới đủ sức chống chọi với mọi sự lệ thuộc về kinh tế từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Phát triển khoa học công nghệ để cải thiện đời sống người dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo mọi đứa trẻ đều có cơ hội đến trường và hoàn thành ước nguyện học tập của chúng như nhau. Quản lý quốc gia bằng pháp luật và minh bạch về mọi phương diện nhằm có được sự tin tưởng của người dân. Tìm ra con đường và thể chế phù hợp để nhân dân tin tưởng và ủng hộ nhà nước, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ để cùng chung sức xây dựng đất nước thật sự giàu mạnh, hùng cường và đủ sức đứng vững trước những thách thức từ Trung Quốc.

Sự lãnh đạo của Đảng và những ý kiến đòi hỏi thật sự đã xuất hiện trong lòng xã hội sẽ có những ảnh hưởng to lớn đến việc giải quyết vấn đề Việt Nam – Trung Quốc.

Chúng ta sinh ra và lớn lên trong thời bình, cuộc sống của chúng ta đầy đủ và an nhàn hơn thế hệ cha ông chúng ta phải sống trong chiến tranh, cận kề sinh tử. Nên suy nghĩ của chúng ta phải khác và ước ao của chúng ta cũng sẽ khác với họ. Chúng ta mang dòng máu Việt Nam – dòng máu của khát khao một nền hòa bình trọn vẹn và căm ghét chiến tranh nhưng cũng sôi sục bầu nhiệt huyết sẵn sàng cầm súng khi Tổ quốc gọi. Được sống trong hòa bình và được nghe chính những nhân chứng sống thân thuộc với mình kể về chiến tranh – một con quái thú kinh khủng vượt xa mọi tưởng tượng trên phim ảnh, chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào – trong đó có Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng không bao giờ muốn con cháu chúng ta phải sinh ra và lớn lên với bao tai họa tồn tại xung quanh từ môi trường, thức ăn, nước uống cho đến cuộc sống hằng ngày cũng nơm nớp lo sợ có thể chết vì những lý do… lãng nhách nhất.

Chúng ta mong muốn và khát khao một quốc gia mà trong đó chúng ta không phải chạy vạy tìm một cuộc xuất ngoại để học hỏi tinh hoa của thế giới giữa một đất nước 4.000 năm văn hiến; chúng ta không phải nhìn trước ngó sau để nói lên những điều mà nhân dân thế giới đã nói suốt hàng thế kỷ nay về tự do, dân chủ và hạnh phúc; chúng ta không phải lo lắng về bữa ăn hàng ngày có chất độc nào trong thực phẩm hay không; chúng ta không phải lo lắng mình sẽ được chăm sóc như thế nào khi đến bệnh viện dù lòng không muốn; chúng ta sẽ không phải lo lắng vì việc con cái mình sẽ bị đối xử như thế nào ở trường…

Chúng ta không có quyền chọn lựa quốc gia láng giềng của mình, nhưng chúng ta có quyền chọn lựa cách thức mà chúng ta sẽ cùng nhau để xây dựng và phát triển đất nước thật sự hùng cường, cùng mạnh, khiến cho các quốc gia khắp năm châu phải kính phục và tôn trọng.

Cách thức mà chúng ta sẽ lựa chọn đó, không gì bằng: Minh bạch – Dân chủ và Khát vọng. Và sự lựa chọn này phải là sự lựa chọn của chính người Việt Nam, không ai khác, không quốc gia nào khác có quyền chà đạp lên sự lựa chọn chính đáng của chúng ta.

Thời kỳ của sự lo sợ Trung Quốc nước lớn đã qua đi, một thời kỳ mới đã bắt đầu: một thời kỳ chung sức, chung lòng vì một Việt Nam hùng cường và lớn mạnh trên sự trợ giúp vì lợi ích quốc gia của toàn thế giới.

Việt Nam không bao giờ sợ Trung Quốc và sẽ luôn luôn như thế!
Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một cường quốc và sẽ như thế!
Nhãn: ,

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.