CMT 8 /1945 - Nhìn lại những cơ hội bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ. (Từ 1829 đến nay)


Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn (thủ đô Hà Nội) diễn ra với hàng nghìn ngưởi tụ họp. Từ buổi chiều hôm đó, phong trào cách mạng giành chính quyền của nhân dân lan rộng khắp cả nước. Kết quả, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” một cách công khai và chính thức trong cả nước, tuyên bố sự tự do – độc lập của người Việt Nam trước các đế quốc Nhật Bản, Pháp và thế giới, chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu ra Chính phủ của người Việt Nam.

Nhưng, ngoài thời cơ giành chính quyền năm 1945, Việt Nam lúc đó còn có một “thời cơ” khác mà chúng ta đã không thể nắm lấy vì rất nhiều lý do, đó là thời cơ “bắt tay” với nước Mỹ ở bên kia Thái Bình Dương.

Trước đó, năm 1829, khi Tổng thống Andrew Jackson vừa lên nhậm chức đã cử phái bộ của Bộ ngoại giao sang đặt vấn đề thông thương với Đại Nam, nhưng sự việc không thành.

Năm 1845, chiến thuyền Constitution của Hoa Kỳ đã cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng là John Percival liên lạc với triều Nguyễn để đặt mối giao hảo. Nhưng do vấn đề bách đạo Công giáo đời vua Thiệu Trị, nỗ lực bang giao Việt-Mỹ bế tắc.

Năm 1873, lần này do xúc tiến của triều đình nhà Nguyễn, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Mỹ như một "đại sứ đặc mệnh toàn quyền" để cầu viện tìm cách chống Pháp. Nhưng đến tận năm 1875, gặp lúc Mỹ và Pháp đã hết thù địch nên TT. Ulysses Grant lại khước từ cam kết giúp Đại Nam đánh Pháp.

Sáng ngày 16/7/1945, sáu thành viên Đội Hươu (nhóm tình báo do OSS – tiền thân của CIA, thành lập) lên một chiếc máy bay C-47, nhảy dù xuống Tân Trào để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân đội Việt Minh trong vài tuần của tháng 7 và tháng 8. Đây là dấu mốc đầu tiên cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thế kỷ XX.

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ H. Truman một bức thư để nêu lên sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam và bày tỏ sự mong muốn “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Bức thư này đã được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng Tổng thống Mỹ B. Obama trong chuyến thăm chính thức ngày 28/7/2013. Đây là dấu mốc thứ hai cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong Chiến tranh Đông Dương (1945-1954), Mỹ đã giúp Pháp trong cuộc chiến chống cộng và đến năm 1963, Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại Việt nam với vai trò đồng minh của Việt Nam Cộng hòa chống lại quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ 1975 đến 1994, Hoa Kỳ đã cấm vận Việt Nam. Trong thời gian này, từ 1977 đến 1978 Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán bình thường hóa quan hệ nhưng không thành, một phần do Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường những tổn thất mà họ đã gây ra ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ đã bác bỏ.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Ngày 23/5/2016, Tổng thống Barack Obama công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí áp lên Việt Nam kéo dài từ năm 1975 đến nay.

Và hiện nay, trước những động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và tham vọng làm bá chủ tuyệt đối tại vùng biển này, Việt Nam và Hoa Kỳ lại có một thời cơ thúc đẩy để đến gần với nhau hơn nữa kể từ ngày 16/7/1945 với sự hiện diện của lực lượng OSS bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng, lợi ích quốc gia vẫn là mục đích tối thượng của các bên trong hợp tác và cũng chính lợi ích quốc gia sẽ dẫn dắt và cho phép Việt Nam hôm nay lựa chọn con đường hợp tác phù hợp nhất, hữu hiệu nhất cho chính mình.

Nhưng dù sao đi nữa, Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ hợp tác với một nước để chống lại nước khác. Do đó, chỉ có chính tiềm lực và sức mạnh của người Việt Nam mới là yếu tố quan trọng nhất, hiệu quả nhất để người Việt Nam giữ lấy thành quả độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà CÁCH MẠNG THÁNG 8 đã mang lại.

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.