TTO - Đó là số liệu vừa được “chốt” vào ngày 12-10 giữa tỉnh Quảng Bình và đoàn công tác liên bộ do ông Nguyễn Ngọc Oai - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn.
Số liệu trên thể hiện qua việc hướng dẫn và giám sát thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân Quảng Bình do sự cố môi trường biển mà Formosa gây ra.
Để có số liệu thiệt hại một cách chính xác, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp xác định rõ hơn 26.670 lao động trực tiếp, gần 10.670 lao động gián tiếp ở bảy nhóm bị thiệt hại (khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản.
Qua thống kê, thẩm định, thẩm tra việc kê khai và áp giá bồi thường cho ngư dân và các đối tượng, cơ quan chức năng đã đưa ra con số thiệt hại 2.138 tỉ đồng. Trong đó, thiệt hại lớn nhất là khai thác thủy sản 1.171 tỉ đồng, nuôi trồng thủy sản 320 tỉ, sản xuất muối 18 tỉ…
Ông Lê Minh Ngân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết vẫn có một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ trong việc xác định thiệt hại của người dân như hướng dẫn số 6851 và 7433 của Bộ NN-PTNT có sự khác nhau về phạm vi và đối tượng thiệt hại, định mức bồi thường cho tàu cá xa bờ được ban hành thấp hơn nhiều so với đề xuất của tỉnh, việc thẩm định và hỗ trợ lãi suất đối với cơ sở thu mua gặp khó khăn do không có căn cứ pháp lý...
Vì vậy, tỉnh đưa ra các kiến nghị, đề xuất để đoàn báo cáo Chính phủ nhằm có sự điều chỉnh phù hợp trên tinh thần bồi thường đúng quy định, không bỏ sót đối tượng nào.
L.GIANG
Đăng nhận xét