Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.
Một bóng ma đang ám ảnh Châu âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng , Mét-téc-ních và Ghi-dô, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đều đã liên hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.
Có phái đối lập nào mà lại không bị địch thủ của mình đang nắm chính quyền, buộc tội là cộng sản? Có phái đối lập nào, đến lượt mình, lại không ném trả lại cho những đại biểu tiến bộ nhất trong phái đối lập, cũng như cho những địch thủ phản động của mình, lời buộc tội nhục nhã là cộng sản?
Từ đó, có thể rút ra hai kết luận.
Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở Châu âu thừa nhận là một thế lực.
Hiện nay, đã đến lúc những người cộng sản phải công khai trình bày trước toàn thế giới những quan điểm, mục đích, ý đồ của mình; và phải có một Tuyên ngôn của đảng của mình để đập lại câu chuyện hoang đường về bóng ma cộng sản.
Vì mục đích đó, những người cộng sản thuộc các dân tộc khác nhau đã họp ở Luân Đôn và thảo ra bản "Tuyên ngôn" dưới đây, công bố bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng I-ta-li-a, tiếng Phla-măng và tiếng Đan Mạch.
Phần I.
Tư sản và vô sản
Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay[2] chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp.
Người tự do và người nô lệ, quý tộc và bình dân, chúa đất và nông nô, thợ cả phường hội[3] và thợ bạn, nói tóm lại, những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau.
Trong những thời đại lịch sử trước, hầu khắp mọi nơi, chúng ta đều thấy xã hội hoàn toàn chia thành những đẳng cấp khác nhau, một cái thang chia thành từng nấc thang địa vị xã hội. Ở La Mã thời cổ, chúng ta thấy có quý tộc, hiệp sĩ, bình dân, nô lệ; thời trung cổ thì có lãnh chúa phong kiến, chư hầu, thợ cả, thợ bạn, nông nô, và hơn nữa, hầu như mỗi giai cấp ấy, lại có những thứ bậc đặc biệt nữa.
Xã hội tư sản hiện đại, sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi.
Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại chúng ta, thời đại của giai cấp tư sản, là đã đơn giản hoá những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Từ những nông nô thời trung cổ, đã nảy sinh ra những thị dân tự do của các thành thị đầu tiên; từ dân cư thành thị này, nảy sinh ra những phần tử đầu tiên của giai cấp tư sản.
Việc tìm ra Châu Mỹ và con đường biển vòng Châu phi đã đem lại một địa bàn hoạt động mới cho giai cấp tư sản vừa mới ra đời. Những thị trường Đông - Ấn và Trung Quốc, việc thực dân hoá Châu Mỹ, việc buôn bán với thuộc địa, việc tăng thêm nhiều tư liệu trao đổi và nói chung tăng thêm nhiều hàng hoá, đã đem lại cho thương nghiệp, cho ngành hàng hải, cho công nghiệp, một sự phát đạt chưa từng có, và do đấy, đã đem lại một sự phát triển mau chóng cho yếu tố cách mạng trong xã hội phong kiến đang tan rã.
Tổ chức công nghiệp theo lối phong kiến hay phường hội trước kia không còn có thể thỏa mãn những nhu cầu luôn luôn tăng theo sự mở mang những thị trường mới. Công trường thủ công thay đổi tổ chức cũ ấy. Tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng thay cho thợ cả phường hội; Sự phân công lao động giữa các phường hội khác nhau đã nhường chỗ cho sự phân công lao động bên trong từng xưởng thợ.
Nhưng các thị trường cứ lớn lên không ngừng, nhu cầu luôn luôn tăng lên. Ngay cả công trường thủ công cũng không thoả mãn được nhu cầu đó nữa. Lúc ấy, hơi nước và máy móc dẫn đến một cuộc cách mạng trong công nghiệp. Đại công nghiệp hiện đại thay cho công trường thủ công; tầng lớp kinh doanh công nghiệp trung đẳng nhường chỗ cho các nhà công nghiệp triệu phú, cho những kẻ cầm đầu cả hàng loạt đạo quân công nghiệp, những tên tư sản hiện đại.
Đại công nghiệp đã tạo ra thị trường thế giới, thị trường mà việc tìm ra châu Mỹ đã chuẩn bị sẵn. Thị trường thế giới thúc đẩy cho thương nghiệp, hàng hải, những phương tiện giao thông tiến bộ phát triển mau chóng lạ thường. Sự phát triển này lại tác động trở lại đến việc mở rộng công nghiệp; mà công nghiệp, thương nghiệp, hàng hải, đường sắt càng phát triển thì giai cấp tư sản càng lớn lên, làm tăng những tư bản của họ lên và đẩy các giai cấp do thời trung cổ để lại xuống phía sau.
Như vậy, chúng ta thấy rằng bản thân giai cấp tư sản hiện đại cũng là sản phẩm của một quá trình phát triển lâu dài, của một loạt các cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất và trao đổi.
Mỗi bước phát triển của giai cấp tư sản đều có một bước tiến bộ chính trị tương ứng. Là đẳng cấp bị chế độ chuyên chế phong kiến áp bức; là đoàn thể vũ trang tự quản trong công xã[4]; ở nơi này, là cộng hoà thành thị độc lập; ở nơi kia, là đẳng cấp thứ ba phải đóng thuế trong chế độ quân chủ[5]; rồi suốt trong thời kỳ công trường thủ công, là lực lượng đối lập với tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ theo đẳng cấp hay trong chế độ quân chủ chuyên chế; là cơ sở chủ yếu của những nước quân chủ lớn nói chung,- giai cấp tư sản, từ khi đại công nghiệp và thị trường thế giới được thiết lập, đã độc chiếm hẳn được quyền thống trị chính trị trong nước đại nghị hiện đại. Chính quyền nhà nước hiện đại chỉ là một uỷ ban quản lý những công việc chung của toàn thể giai cấp tư sản.
Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử.
Bất cứ ở chỗ nào mà giai cấp tư sản chiếm được chính quyền thì nó đã đạp đổ những quan hệ phong kiến, gia trưởng và điền viên. Tất cả những mối quan hệ phức tạp và muôn màu muôn vẻ ràng buộc con người phong kiến với "những bề trên tự nhiên" của mình, đều bị giai cấp tư sản thẳng tay phá vỡ, không để lại giữa người và người một mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối "tiền trao cháo múc" không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ. Nó đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; nó đã đem tự do buôn bán duy nhất và vô sỉ thay cho biết bao quyền tự do đã được ban cho và đã giành được một cách chính đáng. Tóm lại, giai cấp tư sản đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị.
Giai cấp tư sản tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng. Bác sĩ, luật gia, tu sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê được trả lương của nó.
Giai cấp tư sản đã xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là quan hệ tiền nong đơn thuần.
Giai cấp tư sản đã cho thấy rằng biểu hiện tàn bạo của vũ lực trong thời trung cổ biểu hiện mà phe phản động hết sức ca ngợi, đã được bổ sung một cách tự nhiên bằng thói chây lười và bất động như thế nào. Chính giai cấp tư sản là giai cấp đầu tiên đã cho chúng ta thấy hoạt động của loài người có khả năng làm được những gì. Nó đã tạo ra những kỳ quan khác hẳn những kim tự tháp Ai-cập, những cầu dẫn ở nước La-mã, những nhà thờ kiểu Gô-tích; nó đã tiến hành những cuộc viễn chinh khác hẳn những cuộc di cư của các dân tộc và những cuộc chiến tranh thập tự.
Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tôn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo.
Vì luôn luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản sâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi.
Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt. Những ngành công nghiệp dân tộc bị thay thế bởi những ngành công nghiệp mới, tức là những ngành công nghiệp mà việc thu nhập chúng trở thành một vấn đề sống còn đối với tất cả các dân tộc văn minh, những ngành công nghiệp không dùng những nguyên liệu bản sứ mà dùng những nguyên liệu đưa từ những miền xa xôi nhất trên trái đất đến và sản phẩm làm ra không những được tiêu thụ ngay trong sứ mà còn được tiêu thụ ở tất cả các nơi trên trái đất nữa. Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới.
Nhờ cải tiến mau chóng công cụ sản xuất và làm cho các phương tiện giao thông trở nên vô cùng tiện lợi, giai cấp tư sản lôi cuốn đến cả những dân tộc dã man nhất và trào lưu văn minh. Giá rẻ của những sản phẩm của giai cấp ấy là trọng pháo bắn thủng tất cả những vạn lý trường thành và buộc những người dã man bài ngoại một cách ngoan cường nhất cũng phải hàng phục. Nó buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất tư sản, nếu không sẽ bị tiêu diệt; nó buộc tất cả các dân tộc phải du nhập cái gọi là văn minh, nghĩa là phải trở thành tư sản. Nói tóm lại, nó tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó.
Giai cấp tư sản bắt nông thôn phải phục tùng thành thị. Nó lập ra những đô thị đồ sộ; nó làm cho dân số thành thị tăng lên phi thường so với dân số nông thôn, và do đó, nó kéo một bộ phận lớn dân cư thoát khỏi vòng ngu muội của đời sống thôn dã. Cũng như nó đã bắt nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, bắt những nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh, nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây.
Giai cấp tư sản ngày càng xoá bỏ tình trạng phân tán về tư liệu sản xuất, về tài sản và về dân cư. Nó tụ tập dân cư, tập trung các tư liệu sản xuất, và tích tụ tài sản vào trong tay một số ít người. Kết quả tất nhiên của những thay đổi ấy là sự tập trung về chính trị. Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất.
Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Sự chinh phục những lực lượng thiên nhiên, sự sản xuất bằng máy móc, việc áp dụng hoá học vào công nghiệp và nông nghiệp, việc dùng tàu chạy bằng hơi nước, đường sắt, máy điện báo, việc khai phá từng lục địa nguyên vẹn, việc khai thông các dòng sông cho tầu bè đi lại được, hàng khối dân cư tựa hồ như từ dưới đất trôi lên, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội!.
Vậy là chúng ta đã thấy rằng: những tư liệu sản xuất và trao đổi, làm cơ sở của giai cấp tư sản hình thành, đã tạo ra được từ trong lòng xã hội phong kiến. Những tư liệu sản xuất và trao đổi ấy phát triển tới một trình độ nhất định nào đó thì những quan hệ mà trong đó xã hội phong kiến tiến hành sản xuất và trao đổi, tổ chức nông nghiệp và công nghiệp theo lối phong kiến, nói tóm lại, những quan hệ sở hữu phong kiến không phù hợp với những lực lượng sản xuất đã phát triển. Những cái đó đã cản trở sản xuất, chứ không làm cho sản xuất tiến triển lên. Tất cả những cái đó đều biến thành xiềng xích. Phải đập tan những xiềng xích ấy, và qủa nhiên những xiềng xích ấy đã bị đập tan.
Thay vào đó là sự cạnh tranh tự do, với một chế độ xã hội và chính trị thích ứng, với sự thống trị kinh tế và chính trị của giai cấp tư sản.
Ngày nay, trước mắt chúng ta, đang diễn ra một quá trình tương tự. Xã hội tư sản hiện đại, với những quan hệ sản xuất và trao đổi tư sản của nó, với những quan hệ sở hữu tư sản, đã tạo ra những tư liệu sản xuất và trao đổi hết sức mạnh mẽ như thế, thì giờ đây, giống như một tay phù thuỷ không còn đủ sức trị những âm binh mà y đã triệu lên. Từ hàng chục năm nay, lịch sử công nghiệp và thương nghiệp không phải là cái gì khác hơn là lịch sử cuộc nổi dậy của lực lượng sản xuất hiện đại chống lại những quan hệ sản xuất hiện đại, chống lại những quan hệ sở hữu đang quyết định những tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản. Để chứng minh điều đó, chỉ cần nêu ra các cuộc khủng hoảng thương nghiệp diễn đi diễn lại một cách chu kỳ và ngày càng đe doạ sự tồn tại của toàn xã hội tư sản. Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có nữa. Một nạn dịch nếu ở một thời kỳ nào khác thì nạn dịch này hình như là một điều phi lý - thường gieo tai hoạ cho xã hội, đó là nạn dịch sản xuất thừa. Xã hội đột nhiện bị đẩy lùi về một trạng thái dã man nhất thời; dường như một nạn đói, một cuộc chiến tranh huỷ diệt đã tàn phá sạch mọi tư liệu sinh hoạt của xã hội; công nghiệp và thương nghiệp như bị tiêu diệt. Vì sao thế? Vì xã hội có quá thừa văn minh, có quá nhiều tư liệu sinh hoạt, quá nhiều công nghiệp, quá nhiều thương nghiệp. Những lực lượng sản xuất mà xã hội sẵn có, không thúc đẩy quan hệ sở hữu tư sản phát triển nữa; trái lại, chúng ta đã trở thành quá mạnh đối với quan hệ sở hữu ấy, cái quan hệ sở hữu lúc đó đang cản trở sự phát triển của chúng; và mỗi khi những lực lượng sản xuất xã hội khắc phục được sự cản trở ấy thì chúng lại xô toàn thể xã hội tư sản vào tình trạng rối loạn và đe doạ sự sống còn của sở hữu tư sản. Những quan hệ tư sản đã trở thành quá hẹp, không đủ để chứa đựng những của cải được tạo ra trong lòng nó nữa.- giai cấp tư sản khắc phục những cuộc khủng hoảng ấy như thế nào? Một mặt, bằng cách cưỡng bức phải huỷ bỏ một số lớn lực lượng sản xuất; mặt khác, bằng cách chiếm những thị trường mới và bóc lột triệt để hơn nữa những thị trường cũ. Như thế thì đi đến đâu? Đi đến chỗ chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng toàn diện hơn và ghê gớm hơn và giảm bớt những phương cách ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng ấy.
Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lạị đập vào ngay chính giai cấp tư sản.
Những giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí đã giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản.
Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ tăng thêm tư bản cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hoá, tức là một món hàng đem bán như bất cứ một món hàng nào khác; vì thế họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau.
Do sự phát triển của việc dùng máy móc và sự phân công, nên lao động của người vô sản mất hết tính chất độc lập, do đó họ mất hết hứng thú. Người công nhân trở thành một vật phụ thuộc giản đơn của máy móc, người ta chỉ đòi hỏi người công nhân làm được một công việc đơn giản nhất, đơn điệu nhất, dễ học nhất mà thôi. Do đó, chi phí một công nhân hầu như chỉ là còn là số tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì đời sống và nòi giống của anh ta mà thôi. Nhưng giá cả lao động, cũng như giá cả hàng hoá, lại bằng chi phí sản xuất ra nó. Cho nên lao động càng trở nên thiếu hấp dẫn thì tiền công càng hạ. Hơn nữa, việc sử dụng máy móc và sự phân công mà tăng lên thì lượng lao động cũng tăng lên theo, hoặc là do tăng thêm giờ làm, hoặc là do tăng thêm lượng lao động phải tăng thêm lượng lao động phải làm trong một thời gian nhất định, do cho máy chạy tăng thêm,...
Công nghiệp hiện đại đã biến xưởng thợ nhỏ của người thợ cả gia trưởng thành công xưởng lớn của nhà tư bản công nghiệp. Những khối đông đảo công dân, chen chúc nhau trong xưởng, được tổ chức theo lối quân sự. Là những người lính trơn của công nghiệp, họ bị đặt dưới quyền giám sát của cả một hệ thống cấp bậc sĩ quan và hạ sĩ quan. Họ không những là nô lệ của giai cấp tư sản, của nhà nước tư sản, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính nhà tư sản chủ công xưởng. Chế độ chuyên chế ấy càng công khai tuyên bố lợi nhuận là mục đích duy nhất của nó thì nó lại càng trở thành ti tiện, bỉ ổi, đáng căm ghét.
Lao động thủ công càng ít cần đến sự khéo léo và sức lực chừng nào, nghĩa là công nghiệp hiện đại càng tiến triển thì lao động của đàn ông càng được thay thế của đàn bà và trẻ em. Những sự phân biệt về lứa tuổi và giới tính không còn có ý nghĩa xã hội gì nữa đối với giai cấp công nhân. Tất cả đều là công cụ lao động mà chi phí thì thay đổi theo lứa tuổi và giới tính.
Một khi người thợ đã bị chủ xưởng bóc lột và đã được trả tiền công rồi thì anh ta lại trở thành miếng mồi cho các phần tử khác trong giai cấp tư sản: chủ nhà thuê, chủ hiệu bán lẻ, kẻ cho vay nặng lãi,...
Những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp và người thực lợi nhỏ, thợ thủ công và nông dân là những tầng lớp dưới của tầng lớp trung đẳng xa kia, đều bị rơi xuống hàng ngũ giai cấp vô sản, một phần vì số vốn ít ỏi của họ không đủ cho phép họ quản lý những xí nghiệp, nên họ bị sự cạnh tranh của bọn tư bản hơn đánh bại, một phần vì sự khéo léo nhà nghề của họ bị những phương pháp sản xuất mới làm giảm giá trị đi. Thành thử giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư.
Giai cấp vô sản trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Cuộc đấu tranh của họ chống giai cấp tư sản bắt đầu ngay từ lúc họ mới ra đời.
Thoạt đầu, cuộc đấu tranh được tiến hành bởi những công nhân riêng lẻ; kế đến, bởi những công nhân cùng một công xưởng; và sau đó, bởi những công nhân cùng một ngành công nghiệp, cùng một địa phương, chống lại người tư sản trực tiếp bóc lột họ. Họ không phải chỉ đả kích vào quan hệ sản xuất tư sản mà còn đánh ngay vào cả công cụ sản xuất nữa; họ phá huỷ hàng ngoại hoá cạnh tranh với họ, đập phá máy móc, đốt các công xưởng và ra sức giành lại địa vị đã mất của người thợ thủ công thời trung cổ.
Trong giai đoạn đó, giai cấp vô sản còn là một khối quần chúng sống tản mạn trong cả nước và bị cạnh tranh chia nhỏ. Nếu có lúc quần chúng công nhân tập hợp nhau lại thì đó cũng chưa phải là kết quả của sự liên hợp của chính họ, mà là kết quả của sự liên hợp của giai cấp tư sản, nó muốn đạt những mục đích chính trị cả nó, nên phải huy động toàn thể giai cấp vô sản và tạm thời có khả năng huy động được như vậy. Bởi vậy, suốt trong giai đoạn này, những người vô sản chưa đánh kẻ thù của chính mình, mà đánh kẻ thù của kẻ thù của mình, tức là những tàn dư của chế độ quân chủ chuyên chế, bọn địa chủ, bọn tư sản phi công nghiệp, bọn tiểu tư sản. Toàn bộ sự vận động lịch sử được tập trung như vậy vào tay giai cấp tư sản; mọi thắng lợi đạt được trong những điều kiện ấy đều là thắng lợi của giai cấp tư sản.
Nhưng sự phát triển của công nghiệp không những đã làm tăng thêm số người vô sản, mà còn tập hợp họ lại thành những khối quần chúng lớn hơn; lực lượng của những người vô sản tăng thêm và họ thấy rõ lực lượng của mình hơn. Máy móc càng xoá bỏ mọi sự khác nhau trong lao động và càng rút tiền công ở khắp mọi nơi xuống một mức thấp ngang nhau, thì lợi ích, điều kiện sinh hoạt của vô sản, càng dần dần ngang bằng nhau. Vì bọn tư sản ngày càng cạnh tranh với nhau hơn và vì khủng hoảng thương mại do sự cạnh tranh ấy sinh ra, cho nên tiền công càng trở nên bấp bênh; việc cải tiến máy móc không ngừng và ngày càng nhanh chóng hơn làm cho tình cảnh của công nhân ngày càng bấp bênh, những cuộc xung đột cá nhân giữa công nhân và tư sản ngày càng có tính chất những cuộc xung đột giữa hai giai cấp. Công nhân bắt đầu thành lập những Liên minh (Công đoàn) chống lại bọn tư sản để bảo vệ tiền công của mình. Thậm chí họ đi tới chỗ lập thành những đoàn thể thường trực để sẵn sàng đối phó, khi những cuộc xung đột bất ngờ xảy ra. Đây đó, đấu tranh nổ thành bạo động.
Đôi khi công nhân thắng; nhưng đó là một thắng lợi tạm thời. Kết quả thực sự của những cuộc đấu tranh của họ là sự đoàn kết ngày càng rộng của những người lao động, hơn là sự thành công tức thời. Việc tăng thêm phương tiện giao thông do đại công nghiệp tạo ra, giúp cho công nhân các địa phương tiếp xúc với nhau, đã làm cho sự đoàn kết đó được dễ dàng. Mà chỉ tiếp xúc như vậy cũng đủ để tập trung nhiều cuộc đấu tranh địa phương, đâu đâu cũng mang tính chất giống nhau, thành một cuộc đấu tranh toàn quốc, thành một cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng bất cứ cuộc đấu tranh giai cấp nào cũng là một cuộc đấu tranh chính trị, và sự đoàn kết mà những thị dân thời trung cổ đã phải mất hàng thế kỷ mới xây dựng được bằng những con đường làng nhỏ hẹp của họ, thì những người vô sản hiện đại chỉ xây dựng trong một vài năm, nhờ có đường sắt.
Sự tổ chức như vậy của người vô sản thành giai cấp và do đó thành chính đảng, luôn luôn bị sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau phá vỡ. Nhưng nó luôn luôn được tái lập và luôn luôn mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn, hùng mạnh hơn. Nó lợi dụng những bất hoà trong nội bộ giai cấp tư sản để buộc giai cấp tư sản phải thừa nhận, bằng luật pháp, một số quyền lợi của giai cấp công nhân : chẳng hạn như đạo luật 10 giờ ở Anh.
Nói chung, những xung đột xảy ra trong xã hội cũ đã giúp bằng nhiều cách cho giai cấp vô sản phát triển. Giai cấp tư sản sống trong một trạng thái chiến tranh không ngừng : trước hết chống lại quý tộc; sau đó, chống lại các bộ phận của chính ngay giai cấp tư sản mà quyền lợi xung đột với sự tiến bộ của công nghiệp, và cuối cùng, luôn luôn chống lại giai cấp tư sản của tất cả các nước ngoài. Trong hết thảy những cuộc đấu tranh ấy, giai cấp tư sản tự thấy mình buộc phải kêu gọi giai cấp vô sản, yêu cầu họ giúp sức, và do đó, lôi cuốn họ vào phong trào chính trị. Thành thử giai cấp tư sản đã cung cấp cho những người vô sản một phần những tri thức chính trị và những tri thức phổ thông của bản thân nó, nghĩa là những vũ khí chống lại bản thân nó.
Hơn nữa, như chúng ta vừa thấy, từng bộ phận trọn vẹn của giai cấp thống trị bị sự tiến bộ của công nghiệp đẩy vào hàng ngũ giai cấp vô sản, hay ít ra thì cũng bị đe doạ về mặt những điều kiện sinh hoạt của họ. Những bộ phận ấy cũng đem lại cho giai cấp vô sản nhiều tri thức.
Cuối cùng, lúc mà đấu tranh giai cấp tiến gần đến giờ quyết định thì quá trình tan rã của giai cấp thống trị, của toàn xã hội cũ, mang một tính chất dữ dội và khốc liệt đến nỗi một bộ phận nhỏ của giai cấp thống trị tách ra khỏi giai cấp này và đi theo giai cấp của cách mạng, đi theo giai cấp đang nắm tương lai trong tay. Cũng như xa kia, một bộ phận của quý tộc chạy sang hàng ngũ giai cấp tư sản; ngày nay, một bộ phận của giai cấp tư sản cũng chạy sang hàng ngũ giai cấp vô sản, đó là bộ phận những nhà tư tưởng tư sản đã vươn lên nhận thức được, về mặt lý luận, toàn bộ quá trình vận động lịch sử.
Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp.
Các tầng lớp trung đẳng là những tiểu công nghiệp, tiểu thương, thợ thủ công và nông dân, tất cả đều đấu tranh chống giai cấp tư sản để cứu lấy sự sống của họ với tính cách là những tầng lớp trung đẳng. Cho nên họ không cách mạng mà bảo thủ. Thậm chí, hơn thế nữa, họ lại là phản động: họ tìm cách làm cho bánh xe lịch sử quay ngược trở lại. Nếu họ có thái độ cách mạng thì cũng chỉ trong chừng mực là họ thấy họ sẽ phải rơi vào hàng ngũ giai cấp vô sản: lúc đó, họ bảo vệ lợi ích tương lai của họ, chứ không phải lợi ích hiện tại của họ, họ từ bỏ quan niệm của chính họ để đứng trên quan điểm của giai cấp vô sản.
Còn tầng lớp vô sản lưu manh, cái sản phẩm tiêu cực ấy của sự thối rữa của những tầng lớp bên dưới nhất trong xã hội cũ, thì đây đó, có thể được cách mạng vô sản lôi cuốn vào phong trào, nhưng điều kiện sinh hoạt của họ lại khiến họ sẵn sàng bán mình cho những mưu đồ của phe phản động.
Điều kiện sinh hoạt của xã hội cũ đã bị xoá bỏ trong những điều kiện sinh hoạt của giai cấp vô sản. Người vô sản không có tài sản; Quan hệ giữa anh ta với vợ con không còn giống một chút nào so với quan hệ gia đình tư sản; lao động công nghiệp hiện đại, tình trạng người công dân làm nô lệ cho tư bản, ở Anh cũng như ở Pháp, ở Mỹ cũng như ở Đức, làm cho người vô sản mất hết mọi tính chất dân tộc. Luật pháp, đạo đức, tôn giáo đều bị người vô sản coi là những thành kiến tư sản che giấu những lợi ích tư sản.
Tất cả những giai cấp trước kia sau khi chiếm được chính quyền, đều ra sức củng cố địa vị mà họ đã nắm được bằng cách bắt toàn xã hội tuân theo những điều kiện đảm bảo cho phương thức chiếm hữu của chính chúng. Những người vô sản chỉ có thể giành được những lực lượng sản xuất xã hội bằng cách xoá bỏ phương thức chiếm hữu hiện nay của chính mình, và do đấy, xoá bỏ toàn bộ phương thức chiếm hữu nói chung đã tồn tại từ trước đến nay. Những người vô sản chẳng có gì là của mình để bảo vệ cả, họ phải phá huỷ hết thảy những cái gì, từ trước đến nay, vẫn bảo đảm và bảo vệ chế độ tư hữu.
Tất cả những phong trào lịch sử, từ trước tới nay, đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu cầu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của khối đại đa số, mưu cầu lợi ích cho khối đại đa số. Giai cấp vô sản, tầng lớp ở bên dưới nhất của xã hội hiện tại, không thể vùng dậy, vươn mình lên nếu không làm nổ tung toàn bộ cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội
Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã.
Trong khi phác ra những nét lớn của các giai đoạn phát triển của giai cấp vô sản, chúng tôi đã nghiên cứu cuộc nội chiến ít nhiều mạng tính chất ngấm ngầm trong xã hội hiện nay cho đến khi cuộc nội chiến ấy nổ bung ra thành cách mạng công khai, mà giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản.
Tất cả những xã hội trước kia, như chúng ta đã thấy, đều dựa trên sự đối kháng giữa các giai cấp áp bức và các giai cấp bị áp bức. Nhưng muốn áp bức một giai cấp nào đó thì cần phải bảo đảm cho giai cấp ấy những điều kiện sinh sống khiến cho họ chí ít, cũng có thể sống được trong vòng nô lệ. Người nông nô trong chế độ nông nô, đã tiến tới chỗ trở nên một thành viên của công xã, cũng như tiểu tư sản đã vươn tới địa vị người tư sản, dưới ách của chế độ chuyên chế phong kiến. Người công nhân hiện đại, trái lại, đã không vươn lên được cùng với sự tiến bộ của công nghiệp, mà còn luôn luôn rơi xuống thấp hơn, dưới cả những điều kiện sinh sống của chính giai cấp họ. Người lao động trở thành một người nghèo khổ, và nạn nghèo khổ còn tăng lên nhanh hơn là dân số và của cải. Vậy hiển nhiên là giai cấp tư sản không có khả năng tiếp tục làm tròn vai trò giai cấp thống trị của mình trong toàn xã hội và buộc toàn xã hội phải chịu theo điều kiện sinh sống của giai cấp mình, coi đó là một quy luật chi phối tất cả. Nó không thể thống trị được nữa, vì nó không có thể đảm bảo cho người nô lệ của nó ngay cả một mức sống nô lệ, vì nó đã buộc phải để người nô lệ ấy rơi xuống tình trạng khiến nó phải nuôi người nô lệ ấy, chứ không phải người nô lệ ấy phải nuôi nó. Xã hội không thể sống dưới sự thống trị của giai cấp tư sản nữa, như thế có nghĩa là sự tồn tại của giai cấp tư sản không còn tương dung với sự tồn tại của xã hội nữa.
Điều kiện căn bản của sự tồn tại và sự thống trị của giai cấp tư sản là sự tích luỹ của cải vào tay những tư nhân, là sự hình thành và tăng thêm tư bản. Điều kiện tồn tại của tư bản là lao động làm thuê. Lao động làm thuê hoàn toàn dựa vào sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau. Sự tiến bộ của công nghiệp mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hợp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiến hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu.
---//---//---//---
Chú thích
[1] Giai cấp tư sản là giai cấp những nhà tư bản hiện đại, những người sở hữu tư liệu sản xuất xã hội và sử dụng lao động làm thuê. Giai cấp vô sản là giai cấp những công nhân làm thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán sức lao động của mình để sống. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888)
[2] Tức là toàn bộ lịch sử thành văn cho tới nay. Năm 1847, người ta vẫn hầu như hoàn toàn không biết tổ chức xã hộ trước toàn bộ lịch sử thành văn, tức là tiền sử của xã hội. Sau đó, Hắc-xtơ-hau-den đã phát hiện ra chế độ công hữu ruộng đất ở Nga. Mau-rơ đã chứng minh rằng chế độ công hữu ruộng đất là cái cơ sở xã hội làm điểm xuất phát cho sự phát triển lịch sử của tất cả các bộ lạc Đức, và người ta dần dần thấy rằng công xã nông thôn, với chế độ sở hữu chung ruộng đất, đang là hoặc đã là hình thức nguyên thuỷ của xã hội ở khắp nơi, từ ấn Độ đến Ai-rơ-len. Hình thức điển hình của kết cấu nội bộ của xã hội cộng sản nguyên thuỷ đó đã được Moóc-gan làm sáng tỏ khi ông phát hiện được thực chất của thị tộc và địa vị của nó trong bộ lạc. Cùng với sự tan rã của công xã nguyên thuỷ ấy, xã hội bắt đầu phân chia thành những giai cấp riêng biệt và cuối cùng là đối kháng. Tôi đã cố gắng trình bày quá trình ta rã đó trong tác phẩm "Der Ursprung der Familie, des Privateigentums und des staats". 2.Autl.. Stuttgart, 1886 ("Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước", xuất bản lần thứ hai. Stút-gát, 1886) (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888)
[3] Thợ cả phường hội là thành viên có đầy đủ quyền hạn trong phường hội, là thợ cả trong phường hội, chứ không phải trùm phường. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888)
[4] Ở Pháp, những thành phố còn đang hình thành đã được gọi là "công xã" ngay cả trước khi những thành phố ấy giành lại được chế độ tự quản địa phương và những quyền chính trị của "đẳng cấp thứ ba" từ tay bọn lãnh chúa và chủ phong kiến. Nói chung, ở đây nước Anh được coi là nước điển hình về phương diện phát triển chính trị tư sản. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888).
Công xã là tên mà những người dân thành thị ở I-ta-li-a và Pháp gọi công xã thành thị của mình sau khi họ mua hoặc giành được từ tay bọn chủ phong kiến những quyền tự quản đầu tiên. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1890)
[5] Trong bản tiếng Anh năm 1888 do Ăng-ghen hiệu đính sau những chữ "cộng hoà thành thị độc lập" có thêm những chữ "(như ở I-ta-li-a và ở Đức)". còn sau những chữ "đẳng cấp thứ ba phải đóng thuế trong chế độ quân chủ" có thêm những chữ "(như ở Pháp)"