Ông Dương Trung Quốc gay gắt nói về sách Đặng Tiểu Bình ở Việt Nam


(VTC News) - Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng dịch sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì nhân dân khó có thể chấp nhận.

Gần đây dư luận xôn xao về việc một nhà xuất bản trong nước cho tái bản một cuốn sách dịch với tựa đề “Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt". Dư luận bức xúc vì cuốn sách dùng những ngôn từ hoa mỹ để ca ngợi Đặng Tiểu Bình (người đã ra lệnh cho quân Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979).

Tổng thư ký Hội Sử học VN, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm gay gắt về việc xuất bản cuốn sách này ở Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng khẳng định Đặng Tiểu Bình là một nhân vật lớn của nước Trung Quốc hiện đại và có ảnh hưởng với thế giới. Cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác, đã có nhiều công trình nghiên cứu về tiểu sử của ông Đặng được xuất bản với nhiều cách đánh giá khác nhau.

“Việc xuất bản sách viết về nhân vật này lẽ ra là điều bình thường. Nhưng Đặng Tiểu Bình cũng chính là người trực tiếp chỉ đạo phát động cuộc chiến tranh xâm lược tấn công vào biên giới phía Bắc của nước ta (2/1979) và khởi động cho một chính sách thù địch xâm hại đến lợi ích, chủ quyền lãnh thổ trên đất liền cũng như trên biển của Việt Nam. Chính sách đó vẫn nhất quán sau khi ông Đặng qua đời cho dù đến nay hai nước đã bình thường hóa và đã gọi nhau là đối tác chiến lược”, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích.

“Sự thật đó cả thế giới đều biết. Chính ông Đặng cũng luôn công khai quảng bá mình là "tác giả" của việc "dạy cho Việt Nam một bài học", ông Quốc nói thêm.



Do vậy, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng việc xuất bản sách về nhân vật này ở Việt Nam cần được quan tâm đến hiệu ứng xã hội và chính trị của cuốn sách. Đây không phải là cuốn sách đầu tiên viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở Việt Nam.

Phần lớn là sách dịch có xuất xứ từ Trung Quốc nên nhìn chung là đề cao nhân vật này. Việc có nên dịch ra tiếng Việt hay không như loại sách tham khảo đòi hỏi người chủ trương xuất bản phải cân nhắc.

Ở nước ta, hoạt động xuất bản vừa là một thị trường vừa là một lĩnh vực "văn hóa - chính trị và tư tưởng". Do vậy cả luật và chính sách đều chọn những người có "trình độ chính trị cao" đứng đầu nhà xuất bản.

Đã có nhiều cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình được xuất bản ở nước ta, nhưng đến cuốn sách này dư luận xã hội mới lên tiếng gay gắt tựa như giọt nước làm tràn cốc nước.

Đó là nỗi bức xúc của người dân trước hiện trạng sự thật lịch sử dường như chỉ được trình bày... một nửa, mà một nửa thì không còn là sự thật.


“Dịch loại sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình theo nhận thức của tác giả nước ngoài mà không đả động gì tới trách nhiệm của nhân vật đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quy mô và sự tàn hại không thua kém gì những triều đại nhà Minh, nhà Thanh đối với Đất nước và Nhân dân ta là điều người dân ta khó chấp nhận”, ông Quốc nêu quan điểm.

Đương nhiên việc dịch sách nước ngoài phải tôn trọng bản quyền không thể cắt bỏ thì nhà xuất bản hoàn toàn có quyền viết trong lời giới thiệu những lưu ý cần thiết để người đọc có cơ sở để nhận thức.

Còn nếu không làm việc ấy thì tốt nhất là đừng xuất bản, còn nếu chỉ để bán sách thì đó  đáng gọi là sách... lậu hiểu theo nghĩa là lừa người đọc.

Sự bức xúc còn tăng thêm khi có một sự thật là cái sự thật liên quan đến cuộc chiến tranh của quân và dân ta chống lại cuộc chiến tranh xâm lược do ông Đặng phát động dường như không được đề cập tương xứng trên các phương tiện đại chúng, trong giảng dạy lịch sử và nhất là trên lĩnh vực xuất bản đã kéo dài nhiều năm.

Dư luận xã hội và ngay trong diễn đàn Quốc hội về vấn đề giáo dục lịch sử trong thời gian qua là một bằng chứng.

“Tại kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua tôi có văn bản chất vấn chính phủ về vấn đề này nhưng cho đến nay vẫn... chưa nhận được hồi âm !? Việc kéo dài thời gian cấp phép cho một cuốn sách viết về sự kiện quân đội Trung Quốc tàn bạo đánh chiếm Gạc Ma của Việt Nam, tàn sát các chiến sỹ hải quân Việt Nam cũng là một câu hỏi cần được trả lời”, ông Quốc băn khoăn.
   
Che đậy cái sự thật mà chính nhân vật của sách không giấu giếm là thù địch với Việt Nam, cuốn sách sẽ chẳng mang lại sự mở mang trí óc cho người đọc ngoài thói quen xấu là chỉ nhìn một phần sự thật, thực chất là xuyên tạc sự thật.   

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng dư luận xã hội hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về sự không bình thường này, không chỉ với nhà xuất bản cho ra mắt ấn phẩm trên mà cho những cơ quan quản lý nhà nước rằng đây là chủ trương có chỉ đạo hay chỉ là sự thiếu bản lĩnh chính trị của những người có trách nhiệm.

Dù là của ai thì hiện tượng này cũng là không thể kéo dài được nữa. Người dân đủ ý thức về sự "nhạy cảm" trong quan hệ Viêt - Trung  và chẳng ai muốn phương hại đến sự hòa hiếu với nước láng giềng không lồ và nhiều hệ lụy này.

Dân tộc ta đã có trải nghiệm chiến tranh với nhiều cuộc xâm lăng trong quá khứ. Chúng ta vẫn in nhiều sách, viết nhiều bài báo và giảng dạy trong nhà trường về cuộc chiến tranh với nước Pháp thực dân và nước Mỹ can thiệp, vậy mà Việt Nam với các quốc gia này vẫn từng bước hòa giải được quá khứ, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng vậy.

“Không lẽ với Trung Quốc là một ngoại lệ? Nói cách khác, lịch sử cho thấy: Dám nhìn thẳng vào sự thật của chiến tranh trong quá khứ chúng ta sẽ tìm thấy  những bài học hòa bình và thân thiện của tương lai”, vị đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm.

“Sự việc liên quan đến cuốn sách viết về ông Đặng Tiểu Bình (một trí tuệ siêu việt) cũng vậy thôi, che đậy cái sự thật mà chính nhân vật của sách không giấu giếm là thù địch với Việt Nam, cuốn sách sẽ chẳng mang lại sự mở mang trí óc cho người đọc ngoài thói quen xấu là chỉ nhìn một phần sự thật, thực chất là xuyên tạc sự thật,”, ông Dương Trung Quốc nói.

“Một cuốn sách như vậy có đáng giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam vào thời điểm này không?” ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.