Khi bước sang tuổi 30, rất có thể bạn sẽ đạt được bước tiến lớn trong sự nghiệp và kiếm được rất nhiều tiền. Nếu bạn là một người biết tiết kiệm, tài khoản của bạn có thể tăng dần qua từng năm, bạn có thể sở hữu thêm một ngôi nhà đẹp và chuẩn bị dần cho kế hoạch về hưu.
Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn tuổi 30 quan trọng này mà bạn đưa ra những quyết định sai lầm về tiền bạc, có thể bạn sẽ phải hối hận suốt đời. Theo chuyên gia tài chính Jared Snider, dưới đây là 5 chiến lược tiền bạc quan trọng bạn cần biết ở tuổi 30 để thành công về sau này.
1. Đừng quá thận trọng
“Rất nhiều người ở độ tuổi 30 không dám đối mặt với rủi ro nữa. Họ lo sợ về bất cứ điều gì có thể xảy ra chẳng hạn như những sự kiện chính trị trong ngày hoặc diễn biến bất thường của thị trường khiến họ mất trắng”, Snider cho biết.
Tuy nhiên, nếu bạn đã sẵn sàng muốn đạt được thành công về tài chính ở tuổi 30 và kiếm được một khoản thu nhập lớn, bạn cần biết cách tiết kiệm và dám chấp nhận rủi ro. Ở tuổi 30, bạn vẫn còn hơn một thập kỷ nữa để đến tuổi nghỉ hưu thông thường. Vì vậy, nếu trốn chạy khỏi thị trường ở thời điểm đó, bạn có thể sẽ mất rất nhiều thứ.
“Khi bạn 30 tuổi, bạn vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Do vậy, bạn vẫn còn khá nhiều thời gian để đo lường rủi ro. Đừng lơ là với những rủi ro, nhưng cũng đừng quá thận trọng với chúng kẻo bạn sẽ bỏ lỡ mất cơ hội quý báu để làm giàu”, chuyên gia tài chính Snider nói.
2. Không làm giàu bằng đồng lương
Với hầu hết chúng ta, việc đạt được một vị trí nào đó trong sự nghiệp được coi là thành công và giúp gia tăng thu nhập nhờ tiền lương tăng. Tức là bạn làm việc để kiếm tiền và phục vụ đồng tiền. Tuy nhiên người giàu luôn biết rằng, nguồn gốc của sự giàu có xuất phát từ việc bạn phải khiến tiền làm việc cho mình. Đây cũng là nguyên tắc chủ yếu mà tác giả của cuốn sách làm giàu số một thế giới "Rich Dad, Poor Dad" thường đề cập.
Việc chủ động tạo ra nguồn thu nhập cho chính mình quan trọng hơn thụ động nhận tiền lương mỗi tháng và nó sẽ là cách tốt nhất giúp bạn tích lũy tài sản. Hãy đem tiền đi đầu tư cổ phiếu, chi trả cổ tức, bất động sản hoặc kinh doanh một cái gì đó, chứ đừng để tiền nằm yên một chỗ.
3. Đừng chi tiêu vượt quá mức thu nhập
Bạn được tăng lương và đạt được mức thu nhập 6 con số mỗi năm, mọi chuyện dường như quá tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn đừng lấy điều đó làm hài lòng và lao vào ăn tiêu quá đà. Hãy cân nhắc xem liệu gia đình bạn có sử dụng hết 5 phòng ngủ trong căn nhà mới không? Liệu chiếc xe Maserati quyền lực có khiến cho cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn không?
Tất nhiên, nếu bạn có đủ khả năng để đáp ứng những cám dỗ của bản thân, điều đó cũng rất tuyệt. Nhưng đừng bao giờ để những cám dỗ này làm ảnh hưởng đến khoản tiết kiệm hưu trí của bạn.
“Nếu một người ở tuổi 30 có thể kiếm được rất nhiều tiền nhưng họ ăn tiêu quá đà khiến cho chi tiêu vượt quá mức thu nhập, họ có thể hưởng thụ một cuộc sống hạnh phúc ở hiện tại nhưng sẽ là bất hạnh về sau này. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu bạn có cần đến những món đồ xa xỉ và tốn kém đó khi về hưu không”, chuyên gia tài chính Snider nói.
4. Không bao giờ để tiền nhàn rỗi
Grant Cardone – một người từng tay trắng lâm vào cảnh nợ nần ở tuổi 21 và vươn lên trở thành triệu phú năm 30 tuổi cho biết: “Cách duy nhất để tiết kiệm tiền là mang chúng đi đầu tư. Bạn đừng bao giờ dùng khoản tiền để đầu tư này vào bất kì mục đích nào khác, kể cả những trường hợp khẩn cấp”.
Tất nhiên, đầu tư luôn gắn liền với rủi ro và nguy cơ mất tất cả; nhưng đó cũng là kênh sinh lời nhanh nhất. Trung bình các triệu phú đầu tư khoảng 20% tổng thu nhập của họ mỗi năm. Tài sản của các tỷ phú không phải đo bằng số tiền tăng lên trong tài khoản mỗi năm mà ở cách họ đầu tư như thế nào.
5. Đầu tư cho bản thân
Hầu hết chúng ta đều cho rằng người giàu tham lam và luôn theo đuổi tiền bạc. Nhưng thực tế là đa số các triệu phú theo đuổi thành công trước tiền bạc. Tiền chỉ là thước đo sự giàu có khi bạn đã đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời mình.
Ở một khía cạnh nào đó, người giàu bị coi là ích kỷ và chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nhưng nếu bạn không biết lo cho chính bản thân mình, bạn cũng chẳng thể lo được cho bất cứ ai khác. Bạn không thể cho đi những thứ mà bạn thậm chí còn không có. Như vậy, triết lý của sự giàu có là bạn phải đạt được những gì bạn muốn, sau đó giúp đỡ người khác theo cách của bạn.
Nếu người nghèo nghĩ rằng đầu tư cho bản thân là một điều vô bổ thì người giàu hoàn toàn ngược lại. Họ tự tạo cho mình nền tảng giáo dục tốt nhất, cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe tuyệt vời nhất. Với họ, đầu tư cho bản thân chính là tiền để để phát triển và gặt hái thành công sau này.
Rào cản khiến những người thông minh đôi khi lại lao đao trong sự nghiệp
Huy Hoàng
Theo Trí thức trẻ/B.I
Đăng nhận xét