Tự do ngôn luận từ nhiều góc nhìn.

Một xã hội không thể có tự do nếu ngôn luận của người dân không được tự do. Tất cả các bản hiến pháp văn minh, các tuyên ngôn nhân quyền, các công ước quốc tế về quyền con người đều dành vị trí hàng đầu trang trọng cho quyền tự do ngôn luận như một sự ghi nhận thành quả đấu tranh của loài người.

Từ chén thuốc độc của Socrates đến bài thơ của Böhmermann và thuyết gây hại

Không ai biết chắc từ đâu mà con người dám quay lại bản ngã để nói với nhà cầm quyền rằng mình có quyền ngôn luận tự do. Có lẽ nó bắt đầu tư chén thuốc độc mà Socrates chấp nhận uống để đổi lấy quyền được nói cho đến giây phút cuối cùng. Cho đến những người vô danh khác đã chấp nhận mang tội phản nghịch để được ngôn luận chống lại sự bất công. Ngày nay, con người đối mặt với một cuộc chiến khác liên quan đến ngôn luận, đó là chúng ta với tư cách một cộng đồng phải tôn trọng sự tự do của những ngôn luận mà chúng ta không thích. Những ngôn luận đó có thể có tính khiêu khích, bẩn thỉu hoặc công kích. Câu hỏi đặt ra rằng liệu pháp luật có nên khoan dung và bảo vệ các ngôn luận không đáng khoan dung?

Mỗi quốc gia khác nhau sẽ có câu trả lời khác nhau cho câu hỏi ở trên. Mới đây nhất, chính phủ Đức đã từ chối sự tự do của ngôn luận phỉ báng một nguyên thủ quốc gia nước ngoài khi quyết định cho phép truy tố một nghệ sĩ hài. Trong vụ việc đang diễn ra được biết với cái tên vụ áp-phe Böhmermann (Böhmermann affair), một clip nhạc parody có tên Erdowie, Erdowo, Erdoğan được phát sóng trong chương trình hài châm biếm extra 3 của đài ARD trong đó Böhmermann công khai chỉ trích sự vi phạm nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi nhẹ tay với “huynh đệ ISIL” của họ.

Tức giận trước sự phỉ báng này, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu hồi đại sứ Đức và yêu cầu nước này phải truy tố Böhmermann. Trong một quyết định cực kỳ gây tranh cãi, Thủ tướng Angela Merkel đã cho phép truy tố Böhmermann theo Điều 103 của Bộ luật hình sự Đức chống việc phỉ báng các đại diện của một quốc gia ngoại quốc. Điều luật này tồn tại từ thế kỷ 19 với mục tiêu là để bảo vệ quan hệ quốc tế dễ tổn thương tại thời kỳ đó. Trớ trêu thay, chính bà Merkel cũng thừa nhận điều luật kể trên sẽ bị bãi bỏ vào năm 2018. Nhiều người chỉ trích vụ kiện này là chống lại quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Chưa biết số phận của Böhmermann sẽ ra sao nhưng chính quyền của Merkel đang bị chỉ trích vì quyết định của mình.

Bà Angela Merkel đã gây ra tranh cãi khi để một vụ việc liên quan đến tự do ngôn luận bị khởi tố
 Bà Angela Merkel đã gây ra tranh cãi khi để một vụ việc liên quan đến tự do ngôn luận bị khởi tố

Ở nhiều quốc gia khác, hình tượng nhà vua hay biểu tượng quốc gia hoặc chính sách Nhà nước, đảng cầm quyền được bảo vệ tuyệt đối. Một số quốc gia thường lựa chọn tiêu chí gây hại để phán xét xem một ngôn luận có nên được tự do hay không. Tiêu chí gây hại xuất phát từ diễn ngôn rằng quyền tự do của một người không được phép xâm phạm quyền và lợi ích của người khác. Kì thực, tiêu chí này tưởng như rõ ràng nhưng lại được sử dụng khá tùy tiện vì các chính quyền đôi khi bỏ qua những xâm phạm của chính quyền với người dân nhưng lại rất mạnh tay khi thấy có dấu hiệu người dân xâm phạm chính quyền.

Hơn nữa, tiêu chí này cũng là rất khắt khe vì trong sự giao lưu giữa các quyền với nhau, chắc chắn không thể tránh khỏi những mâu thuẫn lợi ích. Thiết nghĩ, pháp luật công bằng không nên né tránh mâu thuẫn mà phải được tạo ra để giải quyết các mâu thuẫn đó. Singapore cho chúng ta một ví dụ về cách giải quyết mâu thuẫn chưa hẳn là hợp lý nhưng hoàn toàn hợp pháp – đó là thay vì Nhà nước đứng ra để truy tố hình sự chống lại một ngôn luận, luật pháp nước này cho phép ngôn luận khá tự do tuy nhiên người phát ngôn phải chịu trách nhiệm dân sự, đền bù thiệt hại cho người mà phát ngôn đó nhắm vào và chứng minh được sự gây hại bất hợp pháp trong các vụ kiện phỉ báng. Đây là một cách làm đáng tham khảo cho các chính quyền vẫn một mực xem tiêu chí gây hại là kim chỉ nan để hạn chế ngôn luận của một ai đó.

Bởi lẽ, một vụ án hình sự chỉ có chức năng trừng phạt chứ không thực sự đền bù cho người bị hại. Tại Trung Quốc, những vụ án liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước cũng xuất phát từ việc áp dụng tiêu chí gây hại này. Điều thú vị là mặc dù các thẩm phán thường cho rằng phát ngôn của một ai đó gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền nhưng bản thân chính quyền lại không phải là một nguyên đơn dân sự để chứng minh thiệt hại của bản thân và đòi bồi thường. Theo thiển ý của tác giả, truy tố hình sự không phải là một giải pháp trọn vẹn nếu như các chính quyền muốn áp dụng tiêu chí gây hại để hạn chế ngôn luận tự do.

Lựa chọn khác của Hoa Kỳ

Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, các thẩm phán Tối cao Pháp viện lại đưa ra một tiêu chí khác để xác định khi nào thì một ngôn luận cần phải bị hạn chế. Trong vụ án Schenck v. Hoa Kỳ, 249 U.S 47 (1919), cố thẩm phán Oliver Wendell Holmes, Jr. đã đưa bài test “nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu” (clear and present danger). Theo bài test này thì chỉ khi nào chính quyền có thể chứng minh được rằng phát ngôn bị điều tra sẽ dẫn đến một nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu thì các biện pháp ngăn chặn mới có thể được áp dụng. Điều này có nghĩa là chính quyền không được ngăn chặn một phát ngôn chỉ vì chính quyền không thích nó, hoặc chính quyền nghĩ rằng nó sẽ gây ra nguy hiểm (nhưng không rõ ràng), hoặc nghĩ rằng nguy hiểm đó sẽ xảy ra trong tương lai (không hiện hữu). Thẩm phán Holmes ví dụ việc “hô cháy trong một nhà hát đông khách” chính là một nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu và cần bị ngăn chặn. Tuy nhiên, các phát ngôn cho dù là chống chính quyền có thể gây tổn hại cho uy tín của chính quyền nhưng nó vẫn không đáng bị ngăn chặn.

13339696_1723380921264104_927438655197553950_n

Vì sao Tối cao Pháp viện lại coi nhẹ khả năng chính quyền bị mất uy tín như vậy? Một thẩm phán nổi tiếng khác là Louis Brandeis trong ý kiến của mình trong vụ Whiney v. California, 274 U.S. 357 (1927) cho rằng ngôn luận thì phải được đối đáp bằng ngôn luận chứ không phải bằng vũ lực, trừ phi thời gian và hoàn cảnh không cho phép. Thẩm phán Brandeis cho rằng “giải pháp cho một ngôn luận tồi tệ là một ngôn luận tốt” và chỉ khi nào sự nguy hiểm nó quá rõ ràng, quá hiện hữu đến mức việc tranh luận sẽ khiến cho sự nguy hiểm không thể cứu vãn thì chính quyền mới được phép ngăn cản ngôn luận bằng vũ lực.

Các quan điểm này tạo tiền đề cho quyền tự do ngôn luận ở Hoa Kỳ. Các tiêu chí kể trên được đưa lên tầm cao mới trong vụ án Brandenburg v. Ohio, 395 U.S. 444 (1969). Lần này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ làm rõ hơn bài test của Thẩm phán Holmes bằng việc đưa ra tiêu chí “hành vi vi phạm pháp luật sắp xảy ra” (imminent lawless action) để hạn chế ngôn luận. Thật ra từ “imminent” là một từ khó dịch vì nó vừa diễn tả tính tất nhiên sẽ xảy ra của một vấn đề, vừa diễn tả tính thức thời của nó. Trong cụm imminent lawless action, một hành vi vi phạm pháp luật được coi là imminent nếu như chính quyền chứng minh được rằng nó sẽ xảy ra, đương nhiên xảy ra, và thời gian nó xảy ra sẽ là ngay tức thời hoặc không lâu sau đó.

Trong một vụ án sau đó là Hess v. Indiana, 414 U.S. 105 (1973) khi nguyên đơn là Hess bị cảnh sát Indiana bắt vì tham gia biểu tình phản chiến tại Việt Nam. Trong cuộc biểu tình, Hess lớn tiếng tuyên bố rằng sinh viên sẽ lại chiếm đóng đường phố và điều này bị coi là gây rối trật tự công cộng ở Indiana. Tuy nhiên, Tối cao Pháp viện thì lại cho rằng việc Hess làm không gì hơn là “biện hộ cho một hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra trong một khoảng thời gian vô định trong tương lai” và do đó không phải là một “hành vi vi phạm pháp luật sắp xảy ra.”

Như vậy, có thể thấy ở Mỹ, bản thân ngôn luận không phải là một hành vi vi phạm pháp luật mà tòa án chú trọng vào những gì ngôn luận có thể gây ra. Quan điểm này khác cơ bản với một số quốc gia cho rằng có những ngôn luận đương nhiên bị coi là vi phạm pháp luật.

Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn con đường khác nhau và cách thức khác nhau để đảm bảo và thúc đẩy nhân quyền. Xin lưu ý, không ai nói rằng mỗi quốc gia được phép hiểu khác và áp đặt các ngăn chặn về nhân quyền mà trái lại, họ có nghĩa vụ thúc đẩy các quyền con người đó. Quyền tự do ngôn luận cũng như các quyền khác được toàn nhân loại đấu tranh để đạt được chứ không phải từ trên trời rơi xuống và do đó, không ai có thể nói rằng một dân tộc được phép có quyền này còn dân tộc khác thì không. Thúc đẩy quyền con người không xuất phát từ việc đưa ra các hạn chế mà phải xuất phát từ sự khuyến khích phát ngôn và từ đó sửa sai.

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.