Hãy Suy nghĩ vì chính bạn!


Có khi nào bạn dừng lại và tự hỏi mình đang nghĩ gì hay không? Nó là tiêu cực hay tích cực? Nó ảnh hưởng thế nào đến bản thân bạn và người khác? 

Tìm kiếm sự yên ổn, an toàn, hạnh phúc và thành công luôn là động cơ chính của mỗi người. Thế nhưng, chúng ta lại dành rất nhiều thời gian phàn nàn về hoàn cảnh, về người khác và về chính mình. Chúng ta dễ dàng chụp mũ “Tại người này, tại hoàn cảnh này... nên tôi mới thế”.


Hầu như chúng ta không ngó ngàng gì đến suy nghĩ của mình. Ví dụ, con gái bạn bỏ học để đi làm phục vụ bàn cho nhà hàng, bạn sẽ nghĩ gì? Có phải bạn sẽ hét toáng lên trong suy nghĩ của mình rằng“Lại nổi loạn nữa ư! Muốn chọc tức tôi chắc? Sao lại không hiểu tôi đã phải vất vả thế nào vì nó cơ chứ!...”. Rồi sản phẩm “lời nói và hành động” được hình thành từ suy nghĩ ấy sẽ là gì? Chắc chắn là sẽ không mấy tốt đẹp. 

Bây giờ, bạn hãy dừng lại và nhìn vào màn hình tâm trí để đánh giá xem bạn đang suy nghĩ gì? Chúng thuộc loại nào trong 4 loại suy nghĩ chính sau đây:

1. Suy nghĩ cần thiết:
Là những suy nghĩ liên quan đến những nhu cầu cơ bản, suy nghĩ về nhiệm vụ cần hoàn thành hay có những thay đổi nào đó ở các tình huống xung quanh... Chúng ta không thể tránh khỏi những ý nghĩ này, nhưng nếu lập kế hoạch để ít phải ghi nhớ thì sẽ tiết kiệm được năng lượng và thời gian.

2. Suy nghĩ lãng phí:
Là những suy nghĩ liên quan đến điều không thể kiểm soát (như quá khứ hoặc tương lai), gây mất thời gian và năng lượng của chúng ta. Những suy nghĩ này thường bắt đầu bằng “Nếu... Giá mà... Đáng lẽ... Ước gì... Mong sao...”. 

3. Suy nghĩ tích cực:
Là kết quả của việc tự lựa chọn cách phản hồi trước mỗi tình huống. Loại suy nghĩ này thường có ý nghĩa, có chủ đích, hiệu quả và hữu ích. Ta tập trung vào điều ta có thể kiểm soát và thay đổi được, do vậy ta luôn cảm thấy nhiệt tình, hợp tác và hạnh phúc.

4. Suy nghĩ tiêu cực:
Là loại suy nghĩ bắt nguồn từ nỗi đau, tổn thương trong quá khứ, sợ hãi, đố kị hoặc thù ghét... Loại suy nghĩ này không những gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần, thể chất, mà còn ảnh hưởng đến môi trường và người khác nữa.


Hình dung bạn bước vào bếp, mở tủ lạnh và lấy ra một trái xoài xanh, gọt vỏ, cắt lát vừa ăn. Bạn cầm một miếng và bỏ vào miệng. Bạn cảm thấy thế nào? Cảm thấy chua, phải không? Rõ ràng là trên thực tế bạn không hề thực hiện hành động ấy, nhưng hình ảnh bạn vẽ ra trong tâm trí (cũng là một dạng suy nghĩ) đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ và trực tiếp đối với các giác quan của bạn. 

Nghiên cứu cho thấy mỗi một suy nghĩ có ảnh hưởng đến 57 nghìn tỷ tế bào của cơ thể. Suy nghĩ lãng phí, tiêu cực cũng sẽ gây bệnh. Bác sĩ Prem Masand, một chuyên gia tư vấn về sức khỏe của các Trung tâm Inner Space tại Ấn Độ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng: cảm giác trống trải, không lối thoát có thể gây ra bệnh ung thư; cảm giác giận dữ, hối hận gây ra các bệnh về gan; căng thẳng, chống đối và thiếu khoan dung gây ra bệnh căng cơ; lo lắng, phàn nàn, cáu gắt gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày... 

Thực hành suy nghĩ tích cực 
 
• Nhận thức: Hàng ngày bạn hãy tập nhận diện những suy nghĩ bằng việc theo dõi cảm xúc của mình, bởi vì khoảng 80% suy nghĩ của chúng ta bắt nguồn từ kho tiềm thức (những ký ức) mà không hề được nhận thức hay được lựa chọn có ý thức, và thường không được chú ý cho đến khi những hệ quả của chúng bắt đầu lộ diện. Do đó, để tránh rắc rối, chúng ta cần ý thức hơn về những suy nghĩ của mình, nghĩa là kiểm soát chúng hơn nữa. 

• Quan sát: Nếu bạn thấy mình đang hướng đến suy nghĩ tiêu cực (buồn chán, giận dữ) thì hãy đổi hướng... Đọc một cuốn sách, đi dạo, nghe nhạc hoặc làm bất cứ điều gì để nâng đỡ tinh thần, để cảm thấy vơi nhẹ và được khơi gợi cảm hứng mới.


Càng để ý kiểm tra suy nghĩ của mình, bạn sẽ càng có khả năng nhận ra những suy nghĩ tiêu cực/lãng phí khi chúng vừa mới manh nha. Suy nghĩ tiêu cực/lãng phí thường trồi lên từ kho tiềm thức (những trải nghiệm quá khứ). Một điều may mắn là mỗi lúc chúng ta chỉ có một suy nghĩ. Bạn không thể vừa có ý nghĩ vui và buồn đồng thời, vì vậy bạn hãy kiên quyết thay thế suy nghĩ tiêu cực/lãng phí bằng suy nghĩ khác hiệu quả hơn ngay khi nó xuất hiện. 

(Trích sách "GIẢM 'XÓC' HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI"
của tác giả Trish Summerfield – Phạm Thị Sen)

Nguồn: http://qtcs.com.vn/bai-hoc-cuoc-song/tam-anh-huong-cua-suy-nghi/
Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.