Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và giấc mơ Việt Nam!


Bắn súng là một môn thể thao thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Từ SEA Games đến các kỳ ASIAD, bắn súng Việt Nam luôn có một vị trí, vai trò nhất định trong chỉ tiêu đoạt huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng ở lần Thế vận hội Rio lần này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 02 tấm huy chương: 01 vàng và 01 bạc, không những đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với vô vàn những cái nhất mà còn đặt ra một câu hỏi: điều gì khiến cho hàng trăm người đổ ra sân bay Nội Bài chào đón một vận động viên bắn súng? Huy chương vàng và bạc Thế vận hội thôi có đủ sức thu hút để người ta tự nguyện đến để… nhìn thấy anh tận mặt hay không?

Thành tích chỉ là một phần, quan trọng nhất là niềm tin, lòng ngưỡng mộ vào một giá trị gương mẫu trong xã hội!

Có gương mẫu hay không? Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt lấytấm huy chương vàng lịch sử, những câu chuyện quá khứ của anh tràn lan trên các mặt báo. Từ đó, người ta nhìn ra và biết được những khó khăn mà anh phải đối diện không chỉ trong đời sống mà còn trong cả công việc.

Bảo rằng anh là vận động viên trọng điểm đầu tư quốc gia để lấy huy chương quốc tế, nhưng đạn bắn luyện tập chỉ có 200 viên một ngày với không kính chuyên dụng, không thiết bị chuyên nghiệp, không bảng điện tử chuyên dùng… và vân vân những thứ không khác so với vận động viên trọng điểm quốc gia của những nước khác. Ấy thế mà anh lại hơn hẳn những đồng đội khác ở… đội tuyển bắn súng quốc gia, khi họ thậm chí còn chẳng có đạn để bắn, chỉ bắn chay bằng cách… nâng súng lên – ngắm – (giả vờ) bóp cò rồi hạ xuống và tưởng tượng kết quả.

Quá khó khăn và… quá [tự] xấu hổ!

Đó là khó khăn trong con đường tập luyện để đi đến vinh quang! Còn có những khó khăn khác trong những con đường tìm kiếm vinh quang trong quá khứ. Bao nhiêu lần khi vinh quang đã đến gần, đến rất gần, anh lại để vụt mất. Người ta bình luận rằng anh mất bình tĩnh, anh không chịu được sức ép… còn ông Park – chuyên gia Hàn Quốc, từ ấn tượng ban đầu với đoàn bắn súng Việt Nam, lại nói rằng đoàn Việt Nam “bỡ ngỡ”, không quen với những thiết bị hiện đại mang tầm quốc tế của môn bắn súng. Theo nghĩa đen, thật buồn.

Anh từng nói “Nước mình còn nghèo” ngẫm mà thấy chua xót cho chữ nghèo anh đã nhắc tới. Hơn 40 năm đất nước thống nhất, nước mình vẫn còn nghèo. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, chỉ với một nửa khoảng thời gian đó, họ đã trở thành những quốc gia… giàu có của thế giới. Tất nhiên, những nhà lãnh đạo trong những thời gian này sẽ phải có trách nhiệm với lịch sử phát triển của đất nước, vì dù muốn hay không, dù với những cách thức nào, họ cũng đã nắm giữ vận mệnh của dân tộc, đã một cách trực tiếp nhất đại diện cho người dân Việt Nam bang giao với thế giới trong hơn 40 năm qua.

Lịch sử, trách nhiệm không thể tách rời sự thật, thực tiễn khách quan trong hơn 40 năm đó. Nhưng nhìn lại xuyên suốt sự phát triển của nền văn hóa dân tộc từ xa xưa cho đến nay, có thể ý thức hệ đó thật sự phù hợp với thực tiễn xã hội.

Chữ “S” Việt Nam như một nắm tay kiên cường phải gồng mình chống đỡ thực tại một người hàng xóm nặng ký từ phía Bắc là Trung Quốc. Dù muốn thoát khỏi hay không sự ảnh hưởng của quốc gia hùng mạnh này, Việt Nam bắt buộc vẫn phải chụ ảnh hưởng của họ. Có thể khác đi được là ít hay nhiều, mạnh hay yếu về mức độ ảnh hưởng đó.

Tôi tin rằng, sự ảnh hưởng đó đã tác động xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam vào tâm thức của người dân. Người dân luôn mong muốn thoát khỏi cái nghèo, thoát khỏi sức ảnh hưởng khủng khiếp của một người hàng xóm to bự và xấu tính. Họ mong chờ vào một niềm tin, chỗ dựa nào đó đủ sức giúp họ thực hiện được khát vọng như thế.

Những con người làm rạng danh Việt Nam, làm cho lòng người Việt Nam đồng lòng hướng về lại vô tình trở thành những điểm giao cho lòng khát vọng Việt Nam và Xuân Vinh là một ví dụ điển hình.

Xuân Vinh trở về, những người Việt Nam chân thành chắc chắn ai cũng tự hào vì rồi cũng có một lúc, hai từ “Việt Nam” chiễm chệ trên bản đồ huy chương thế giới; quốc ca Việt Nam hào hùng vang lên trong những cử chỉ chào nghiêm trang của bạn bè thế giới. Tự hào chứ, tôi yêu nước, tôi không nghĩ gì về ý thức hệ, tôi chỉ yêu màu cờ mà tôi cảm thấy phù hợp với dân tộc tôi, tôi chỉ yêu bài hát phù hợp với lịch sử dân tộc tôi và tôi tự hào về giây phút đó.

Hình ảnh người người chào đón xạ thủ Hoàng Xuân Vinh về nước như một người hùng còn là hình ảnh thách thức cho những việc làm, suy nghĩ của những nhà lãnh đạo mang trọng trách với đất nước.

Người Việt Nam có tố chất để vươn tầm thế giới, người Việt Nam có tinh thần để vươn tầm thế giới, người Việt Nam có khả năng để vươn tầm thế giới! Vậy các nhà lãnh đạo hiện tại sẽ còn thờ ơ đến bao giờ với những vinh quang thế giới mà người dân Việt Nam đang ngóng đợi qua những đồng tiền thuế tự nguyện hay bắt buộc của mình!? Không lẽ phải chờ đợi những thế hệ lãnh đạo tiếp theo!? Cho đến thế hệ của những người 8x, 9x làm lãnh đạo cao nhất của nước nhà trong vài mươi năm nữa? Lúc ấy là quá lâu, chúng tôi mong ngay lúc này!

Nhãn:

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.