Anh em à, ông bà xưa đã dạy thì chẳng bao giờ sai rằng “trước khi trách người thì hãy tự trách mình” trước đã. Có bao giờ anh em đặt câu hỏi vì sao họ “may mắn”? Vì sao họ nhận được những hệ quả tốt hơn mình? Nói thẳng luôn, vì họ không có những tính cách sau.
1. Tính trì hoãn
“Việc hôm nay chớ để ngày mai”, câu này nghe quen không anh em? Đây là câu tục ngữ được dậy từ cấp tiểu học thế mà phần đông anh em ngoài kia lại chẳng nhớ. Nói rộng hơn, chờ đợi đến một thời điểm chỉ để thực hiện một công việc, bắt đầu một dự án hay đơn giản là tạo ra thay đổi cho bản thân luôn là một rào cản vô hình mà rất rất nhiều anh em mắc phải. Không có thời gian bắt đầu nào hợp lý hơn, tốt hơn là NGAY BÂY GIỜ. Cứ bắt đầu, có thể từng bước nhỏ thôi nhưng anh em sẽ thấy nguồn năng lượng của sự “bắt đầu” to lớn và có sức ảnh hưởng lớn, đủ lớn để đưa anh em đi đến kết quả mà mình mong muốn.
2. Sợ thất bại
Một trong những điều tàn nhẫn nhất là nhìn thấy những nỗ lực của chúng ta phải “đổ đống” khi đối diện sự thất bại. Điều này chỉ cần nghĩ đến là nó đã mang lại cảm giác vừa nặng nề, vừa thật nên nhiều anh em thậm chí chưa bắt đầu đã cảm thấy run rồi. Đúng là chúng ta suy nghĩ bằng đầu nhưng cũng hãy giảm lí trí một chút để cho trái tim một cơ hội bày tỏ chứ. Dù dự đoán được tỉ lệ thành công chỉ 1%, anh em cũng hãy bắt đầu vì thực tế sẽ khác rất xa dự đoán. Đường cứ đi rồi sẽ tới. Thành công và mạo hiểm luôn song hành.
3. Luôn ở trong “vùng an toàn”
“Vùng an toàn” là những chuẩn mực thông thường do chính mỗi anh em tự đặt ra, tự giới hạn bản thân để có được những thoải mái hàng ngày mà không cần phải bận tâm hay lo lắng nhiều. Nhiều nghiên cứu và thực tế đã chứng minh rằng “vùng an toàn” là rào cản cho mọi sự phát triển của bất kì ai. Nhiều câu hỏi rất chi là thực tế được đặt ra rất tự nhiên trong suy nghĩ khi anh em vừa có những cơ hội để bước khỏi “vùng an toàn”, ví như “tại sao phải kinh doanh khi đang có một công việc rất tốt?” hay “sao phải ra riêng làm gì khi đang sống với bố mẹ rất tốt?”. Nếu anh em vẫn chưa tự đưa bản thân của mình đến sát giới hạn thì sẽ chẳng bao giờ biết được khả năng của mình sẽ làm được những điều to lớn đến đâu.
4. Nghi ngờ quá nhiều
Một cách rất tự nhiên, khi con người được tiếp cận với những môi trường lạ lẫm, một loạt các câu hỏi nghi ngờ sẽ được đặt ra và suy nghĩ của chúng ta sẽ cố giải thích chúng trong một giới hạn hiểu biết nhất định. Ví dụ như trong công việc, khi được cấp trên tin tưởng giao cho một trọng trách mới, nhiều anh em lại bị những câu hỏi như “nếu mình không làm được thì sao?” hoặc “nếu làm sai khiến công ty mất hợp đồng lớn thì sẽ thế nào?” mà bỏ qua một cơ hội phát triển hiếm có. Nghi ngờ ở một mức độ vừa phải là liều thuốc tốt nhưng quá đa nghi sẽ giết chết tinh thần cầu tiến của anh em đấy.
5. Xấu hổ
Tính cách này nghe có vẻ lạ nhưng nhiều anh em chia sẻ rằng họ cảm thấy tính xấu hổ đang cản đường phát triển của mình. Họ cảm thấy ngại khi nhờ người khác giúp đỡ trong công việc, họ cảm thấy ngượng ngùng khi thấy người khác biết họ vừa nghỉ việc để sang một công ty mới… Điều này Chuẩn Men đã từng nói nhiều ở các bài viết trước, đừng để cái tôi của bản thân mình trở thành rào cản cản trở việc tiến bước trong tương lai.
6. Làm hài lòng tất cả mọi người
Nếu muốn thực hiện điều gì lớn lao mà bản thân tin rằng điều đó là đúng, thì anh em phải nhớ 1 điều rằng bản thân mình mới nên và đáng để được đặt ở vị trí hàng đầu. Anh em đừng vì kế hoạch của mình có ảnh hưởng đến kế hoạch người khác mà thay đổi nếu đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật hoặc phạm trù đạo đức. Nhiều khi anh em cần phải ích kỉ một chút để đi những bước lớn trong cuộc sống.
7. Không thích thay đổi thói quen hàng ngày
Trừ khi đang ở đỉnh thành công và vận hành một công ty có tuổi đời trên 5 năm với một cơ số nhân viên trung thành, nếu muốn thành công, anh em không nên quá sa đà vào một số thói quen quen thuộc hàng ngày, quen đến độ ghét thay đổi nó để đến khi thực hiện dự án riêng của mình mà vẫn cứ bám riết lấy nó. Đi trên con đường của riêng mình cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận sự xáo trộn khủng khiếp trong cuộc sống riêng, nhớ nhé anh em.
8. Không chấp nhận sự chỉ trích
Rất nhiều anh em khi đang thực hiện kế hoạch của riêng mình ghét bị “người khác chõ miệng” vào việc họ làm, cứ thế từ chối mọi ý kiến mang tính chỉ trích hay phủ nhận ý tưởng của họ mà chỉ chấp nhận những ý kiến đồng ý với những gì họ nghĩ. Tin vào những việc mình nên làm là tốt nhưng những ý kiến phủ nhận không có nghĩa là ý kiến sai. Hãy cố gắng tiếp nhận tất cả những ý kiến đổ về và cố gắng sàng lọc ra những điều có thể áp dụng cho kế hoạch của mình sẽ tốt hơn nhiều.
Theo CHUANMEN.COM.VN
Đăng nhận xét