Từ Burma đến Myanmar – Con đường gian truân đi đến tự do.


Tôi bị thu hút – chắc chắn như thế, bởi trang bìa của quyền sách có hình của Bà Aung San Suu Kyi (ASK), sau đó mới đến nhan đề của quyển sách. Động lực duy nhất khiến tôi bỏ ra một số tiền hơn 50.000 đồng để mua tác phẩm dịch này: tôi muốn biết “con đường gian truân” mà Bà ASK đã trải qua là gì và những gì mà đất nước Burma đã trải qua để trở thành một Myanmar (Myanmar nghĩa là “thuộc về Burma”) được cả thế giới ngưỡng mộ vì tiến trình dân chủ hóa sau hơn nửa thế kỷ thống trị của chính quyền quân sự độc tài?

Thoạt đầu, tôi thất vọng. Bà ASK chỉ được đề cập trực tiếp chưa đến 20 dòng và vài lần thấp thoáng qua những đoạn hội thoại giữa tác giả cùng các nhân vật trong quyển sách nói về The Lady. Chẳng thể tìm thấy con đường đi đến vị trí The Lady của Bà ASK trong quyển sách này. Càng không thể nhìn thấy một cách rõ ràng những diễn tiến của Burma trong nửa thế kỷ bị áp bức dưới chính quyền độc tài quân sự.

Nhưng sau đó, tôi nhận ra, đây không phải là quyển sách nói về con đường gian truân của riêng Bà ASK nhưng là con đường gian truân của dân tộc Myanmar. Hình ảnh Bà ASK trên bìa sách không phải để nói về cuộc đời Bà nhưng để nói về Niềm Hy Vọng của dân tộc Myanmar – một cách chính xác là Cơ Hội, của từng người dân Myanmar. Hy Vọng – và Cơ Hội, đó đã đến từ chặng đường hơn 50 năm gian truân tìm Tự do và Dân chủ của người Myanmar. The Lady chỉ là hình ảnh Tượng Trưng hoàn mỹ nhất cho tinh thần của người Myanmar trong suốt chặng đường đó.

Một quyển sách chính xác.

Tại sao lại muốn biết về con đường đấu tranh của The Lady chỉ bằng cách đọc về cuộc đời Bà? Tại sao không tìm hiểu về mục đích của việc chấp nhận gần 20 năm giam cầm của Bà để đánh đổi điều gì? Và tại sao không tìm hiểu con đường đấu tranh của The Lady thông qua từng tầng lớp người dân Myanmar? Từng người dân mới xây dựng nên một đất nước Myanmar hùng mạnh, một mình The Lady không thể làm điều đó, cho dù mỗi người dân sẽ có lý do riêng để gọi ASK là The Lady.

Myanmar quyết định mở cửa. Thein Sein từ nhà độc tài trở thành nhà cải cách. Chính quyền quân đội chuyển giao “hòa bình” thành chính quyền dân sự. Và người dân từ ý thức tìm hy vọng, nay chuyển sang tìm cơ hội. Và mọi tầng lớp người dân Myanmar đều nhìn thấy Cơ hội khi chính quyền quân sự quyết định mở cửa – kể cả các crony: những người làm giàu nhờ chính quyền quân sự độc tài.

Người thanh niên Myanmar làm quầy bar ở Arab Saudi với mức lương 1.700 đô la một tháng quyết định theo một doanh nhân người Đức trở về quê nhà với mức lương lúc đầu chỉ khoảng 300 đô la (đến khi tác giả phỏng vấn anh, con số này là gần 1.000 đô la). Nhưng anh bảo rằng anh thấy được cơ hội làm giàu ở quê hương mình.

Người đàn ông làm việc trong một tổ chức truyền thông có kinh phí do Nauy tài trở để thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Myanmar nay đã trở về nhà. Ông thừa nhận “không biết phải làm thế nào vì sẽ không còn được tài trợ”. Nhưng ông vừa bắt tay với đài truyền hình quốc gia Myanmar – cựu thù của ông, để cùng làm việc trong một giai đoạn mới. Ông cũng nhìn thấy cơ hội.

Một nhà sư mang áo cà sa nâu từng bị cầm tù vì chống đối chính quyền độc tài, đang tiếp tục tu sửa ngôi chùa nơi mình có trách nhiệm quản lý. Ông nói rằng mình muốn trở lại cuộc sống bình thường của một nhà sư sau những năm tháng ông đã đấu tranh và bị cầm tù. Rất nhiều những nhà sư có cùng suy nghĩ đó – tất nhiên họ cũng bị cầm tù như ông. Họ nhìn thấy cơ hội để sống một cuộc sống dân chủ và tự do.

Một vài thanh niên trẻ hơn, bảo rằng họ có những cơ hội khác khi Myanmar mở cửa. Họ không chọn Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của The Lady, họ nói rằng: chúng tôi có thể tự chọn cho mình. Họ là người đã làm việc ở Singapore và khi Myanmar mở cửa, họ trở về. Họ là người đang du học ở một quốc gia không đóng cửa và khi Myanmar mở cửa, họ trở về. Họ là người sống tại Myanmar, gánh vác trách nhiệm tìm kiat mỗi ngày cho gia đình và khi Myanmar mở cửa, họ cũng “trở về”.

Có những người không chọn con đường mà Bà ASK và Liên đoàn của Bà đã đi. Họ nhìn thấy cơ hội khi Myanmar mở cửa và họ cảm ơn Bà – tất nhiên là sự cảm ơn trân trọng, nhưng họ chọn cho mình một con đường khác để đi, cả kinh tế và chính trị. The Lady không phải thần thánh để tất cả người dân Myanmar phải tôn sùng và dĩ nhiên những cơ hội mà họ nhìn thấy cũng chính là những giá trị mà The Lady đã đấu tranh để hôm nay Myanmar có được.

Con đường đấu tranh của Bà Aung San Suu Kyi thật phi thường và đáng ngưỡng mộ. Là tấm gương trọn vẹn cho người dân trong những thể chế độc tài nhìn theo. Nhưng Bà không phải thần thánh và con đường của Bà không phải con đường “thánh chiến”. Chắc chắn Bà biết điều đó. Người Myanmar biết điều đó. Lịch sử Myanmar sẽ khắc tên Bà một cách trang trọng và vững chắc – có thể như vị trí của một con người không thể không có trong lịch sử tìm Dân chủ và Tự do của dân tộc Myanmar, như thế là quá đủ và quá đáng trân trọng.

Và bây giờ, là thời khắc của cả dân tộc Myanmar chứ không chỉ riêng của The Lady.

Sau 50 năm, người con của vị anh hùng Aung San đã thể hiện trọn vẹn khát vọng Tự do của dân tộc Miến Điện. Sau gần 20 năm, ý chí bị giam cầm của dân tộc Miến Điện cũng đã chiến thắng. Đừng kéo dài thêm 50 năm nữa. Và đừng có thêm một 20 năm nữa. Dân tộc Myanmar nghĩ như thế. Chàng thanh niên bán những đĩa phim The Lady do Mỹ sản xuất cũng nghĩ như thế.

Cảm ơn The Lady và bây giờ là thời khắc của Dân tộc Myanmar, của chàng thanh niên 20 tuổi đang hăm hở nhìn về tương lai.

Nhãn: ,

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.