tháng 1 2017


Cuối năm, vài ngày nữa sẽ đến Mồng 1 năm mới, chuẩn bị về nhà nhưng vẫn cố ghé ngang đền thờ Đức Thánh để chào hỏi vài câu. Lần trước sang thăm Ngài được lâu hơn, nói chuyện, xin xỏ được nhiều hơn. Sáng nay chỉ ghé ngang vội, cầu mong một vài điều, chụp đôi tấm hình và bái từ 3 lạy rồi về. Sang năm nhất định sẽ thảnh thơi đến viếng Ngài lâu hơn.

Trong lịch sử dân tộc, duy chỉ có mình Đức Thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là người được nhân dân tôn thờ lên bậc vị Thánh ngay khi còn sống. Đó là nhờ nhân đức và tài năng của Ngài đã lãnh đạo dân tộc trải qua ba cuộc kháng chiến "thần thánh" đánh đuổi giặc Mông - Nguyên ra khỏi bờ cõi Đại Việt, cứu con dân ra khỏi họa xâm lăng, mất nước.

Năm Ngài sinh không rõ, nhưng Ngài mất ngày 20 tháng 8 năm 1300 dưới triều vua Trần Anh Tông và đã cống hiến cuộc đời mình trải 4 đời vua Trần với trước đó là Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông. Không chỉ vì công lao to lớn 3 lần lãnh đạo dân tộc đánh đuổi ngoại xâm, mà còn bởi vì đức độ của bậc trung thần mà lúc sinh thời Ngài đã được nhân dân tôn thờ thành Thánh như thế. Khi hóa thân, Ngài đi vào trong tín ngưỡng dân gian như vị thần hộ mệnh quốc gia trước họa ngoại xâm và độ trì đất nước trong các cuộc kháng chiến.

Nhưng tiếc thay, có một điều vô cùng đáng tiếc, không phải ai cũng biết Đức Thánh Trần là ai, là người nào nhưng lại rất rành rõi về Quan Thánh, Quan Vũ là ai, là người nào. Đôi khi, phải nói rằng dù sức sống dân tộc đến thế nào, chúng ta vẫn bị nền văn hóa, tín ngưỡng Trung Quốc ảnh hưởng quá nhiều. Nhà nhà đều để ảnh thờ Quan Vũ người Trung Quốc nhưng có nhà nào để ảnh tôn thờ vị Đức Thánh của dân tộc? Trong khi công nghiệp của Đức Thánh là to lớn đến nhường nào và đức độ của Ngài thì hơn hẳn Quan Vũ người Trung Quốc.

Chúng ta có thể đánh lui mọi cuộc xâm lăng của người Trung Quốc và hôm nay vẫn thế. Nhưng chúng ta không thể đánh lùi cuộc xâm lược văn hóa của họ và hôm nay còn có nhiều cuộc xâm lược khác nữa như cuộc xâm lược kinh tế chẳng hạn. Tư tưởng thoát Trung của dân tộc ta ngàn đời nay như vẫn là một giấc mơ khi chúng ta chỉ là một dân tộc, một nhược tiểu với lòng yêu nước nồng nàn, bất khuất và là miếng mồi ngon cho các cường quốc. Nghĩ đến những cường quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan lại thấy như có một điều gì đó ngậm ngùi cho đất nước ta khi chỉ đang là một quốc gia lưng lửng với tài năng, trí tuệ, sáng tạo chẳng thua kém gì người Nhật nhưng lại thua xa người Nhật; với tinh thần, khát vọng chẳng thua kém gì Đại Hàn nhưng lại ở sau quá xa Đại Hàn; có tình yêu thương, lòng từ bi, đức độ chẳng kém gì người Thái nhưng lại thua quá xa người Thái... Chúng ta bây giờ chỉ đang lưng lửng của một quốc gia "không chịu phát triển".

Viếng đền Đức Thánh, ước mong và câu xin vị Thần oai linh độ trì cho dân tộc qua bao cuộc chinh chiến hàng trăm năm nay sẽ sớm ngày tìm gặp đến ngày vinh quang, để khát vọng sánh vai với cường quốc, thoát khỏi kiếp nhược tiểu ngựa trâu sẽ đến ngày thành hiện thực. Bao đời khanh tướng vua tôi hàng ngàn năm nay đã đánh lùi bao cuộc ngoại xâm, thì đến hôm nay chắc cũng đã đến ngày một dân tộc hùng cường xứng đáng được đứng lên. Hiến pháp - bao giờ cũng thế, sẽ là thanh bảo kiếm trong tay Đức Thánh Trần đẩy lui quân xâm lược.

Cuối năm kính cẩn cúi đầu cầu xin dâng lên Đức Thánh Trần lòng thành tín, vô cùng!


Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư 2011 - 2015
Bùi Quang Vinh

Hôm nay, chúng ta có mặt tại Đại hội XII của Đảng, một sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu 85 năm ngày thành lập Đảng, hơn 40 năm đất nước hòa bình thống nhất và tròn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có mức thu nhập trung bình.

Từ năm 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 50% xuống còn dưới 5%... Những thành tựu của công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận và đó cũng chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là khi chúng ta nhìn lại mình trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện như chúng ta.

Có lẽ rất ít ai biết rằng, đầu thế kỷ thứ XIX (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới. Hiện nay (2014), thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 USD), chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan (5.519 USD).

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong lịch sử Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược và thống nhất đất nước nhưng chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, 30 năm đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương với thời gian để các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản… đưa đất nước mình từ những đất nước nông nghiệp nghèo nàn trở thành các quốc gia có kinh tế phát triển. Hơn nữa, hiện nay, yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết:

- Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi còn lại của cơ hội dân số vàng (1970-2025), như vậy, chúng ta chỉ còn khoảng tối đa là 10 năm thời kỳ mà cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.

- Những động lực từ công cuộc đổi mới trước đây đem lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.

- Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

Vì ba lý do trên, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài và rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp.


Thưa Đại hội, cũng tại hội trường này cách đây 5 năm (tháng 1/2011), Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã thông qua Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 (tại trang 99) ghi rõ: “Phải kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới. Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp. Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội...”. Nghị quyết cũng khẳng định: “Phải lấy việc thực hiện mục tiêu này làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá hiệu quả của quá trình đổi mới và phát triển”.

Thực tế 5 năm qua, chúng ta đã tích cực đổi mới thể chế về kinh tế và đạt được một số kết quả nhất định, nhưng đổi mới về chính trị thì hầu như chưa làm. Chính vì vậy mà công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới đó là chúng ta đã chuyển được nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Chính nó đã làm thay đổi căn bản cuộc sống của chúng ta và đưa đất nước phát triển. Tuy vậy, 70 năm qua cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp trong hệ thống chính trị gần như không thay đổi. Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh, nay đã không còn phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, thậm chí nó còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. Đảng là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động và nghiêm khắc đánh giá lại chính mình và thực hiện nghiêm chỉnh những nghị quyết mà Đại hội Đảng toàn quốc đã xác định; kiên quyết đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị để hoạt động có hiệu quả hơn, thực chất hơn. Đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo. Làm tốt điều này, Đảng sẽ lấy lại niềm tin trong nhân dân bằng tấm gương tự đổi mới và sự lãnh đạo hiệu quả của mình đối với đất nước và dân tộc.

Về đổi mới thể chế kinh tế, trọng tâm đổi mới thể chế kinh tế trong giai đoạn tới dựa trên 3 trụ cột chính sau đây:

- Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường

+ Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 - 18.000 USD. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Về vai trò của năng suất lao động, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman đã tổng kết: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng cao mức sống lâu dài hay không gần như hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nâng cao sản lượng tính trên đầu người của quốc gia đó”. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay, khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt, năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Có 3 nguyên nhân chính về vấn đề này:

(i) Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu: Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.

(ii) Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện, gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.

(iii) Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.


Phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam) cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt, phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp những kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này… nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững, cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Do vậy, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

- Trụ cột 2: Công bằng và hòa nhập xã hội (hay còn gọi là bình đẳng cho mọi người)

+ Bên cạnh sự phát triển nhanh vận động theo cơ chế, quy luật thị trường, sự cạnh tranh gay gắt sẽ tạo ra sự gia tăng khoảng cách giầu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Do vậy, bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, chúng ta phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo…Đây cũng chính là tính ưu việt của CNXH và cũng chính là trách nhiệm của Nhà nước trong thực thi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cũng là hành động thiết thực để thực hiện tốt các kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về Mục tiêu Thiên niên kỷ sau năm 2015.

- Trụ cột 3: Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước

+ Năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân.

+ Hiệu lực của Nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ: (a) Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài. (b) Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công cộng và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hoá sự tham gia của Nhà nước trong nền kinh tế.      

(c) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân, và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

 ­+ Khung khổ pháp lý của Việt Nam đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước. “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là những điều được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại khoảng cách giữa những cam kết này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Quy trình bầu cử và cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân.


Thưa đại hội, để thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế kinh tế, một trong ba khâu đột phá chiến lược của Đảng ta, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với Ngân hàng thế giới tập hợp các chuyên gia kinh tế hàng đầu của thế giới và Việt Nam để xây dựng “Báo cáo VN 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.

Báo cáo này nhằm xác định nền kinh tế của Việt Nam đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới; mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 là gì; những cản trở nào cho sự phát triển của Việt Nam hiện nay và bằng cách nào để Việt Nam đạt tới mục tiêu của mình. Báo cáo gồm 10 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển và 6 chuyển đổi lớn, phác thảo các chiến lược phát triển thích hợp với xuất phát điểm của một nước thu nhập trung bình thấp trong bối cảnh thế giới đầy biến động nhằm đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao hoặc cận trên của thu nhập trung bình cao đến năm 2035.

Các chuyển đổi lớn bao gồm : Thứ nhất, xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ và xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao. Thứ hai, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Thứ ba, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo lấy khu vực tư nhân làm trung tâm. Thứ tư, bảo đảm công bằng xã hội cho các nhóm yếu thế và thúc đẩy xã hội trung lưu phát triển. Thứ năm, phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Thứ sáu, gia tăng mật độ kinh tế trong quá trình đô thị hóa và tăng cường tính kết nối giữa các thành phố và vùng lân cận. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, nhất là các đồng chí trong Ban chấp hành trung ương khóa XII trúng cử lần này nghiên cứu trong quá trình xây dựng và hoạch định chính sách đổi mới của Việt Nam.  

+ Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không hề nhỏ. Để đạt được khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách dựa trên các vấn đề nêu trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức, và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi. Chúng tôi tin rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay và tương lai chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện thành công công cuộc đổi mới.

Xin chúc sức khỏe các đại biểu, chúc đại hội thành công tốt đẹp



Mỗi người đều phải chọn cho mình một con đường để bước đi và người ta vẫn hay gọi đó là số mệnh. Dù có tin hay không tin vào số mệnh, thì nỗ lực bản thân luôn là điều quyết định cho cuộc đời của mỗi người. Nhưng, bên cạnh nỗ lực, người ta còn cần đến nhiều thứ khác như may mắn, cơ hội, thời cơ, quý nhân, bạn bè, người thân, gia đình... Trong số đó, xếp thứ hai sau nỗ lực, là thời cơ.

Nỗ lực của mỗi người sẽ tạo ra cho chính họ một con đường để bước đi dù không bao giờ đến đích vì đời người là hữu hạn nhưng con người lại chẳng bao giờ cảm thấy mỏi chân trên con đường của mình. Nếu đó là con đường bạn phải bước đi, thì nỗ lực chính là chiếc rìu để bạn khai phá những rào cản phía trước và bước đi được nhanh hơn, chắc hơn, vững chãi hơn. Thời cơ là những ánh nắng, là những giọt mưa mà khi nó đến ví như nắng gắt là cơ hội để bạn nghỉ ngơi, nắng bình minh là khi bạn cần suy nghĩ, cơn mưa xối xả để đường đi được dễ nhưng cũng là trơn trượt. Tất cả đều là thời cơ.

Có người nỗ lực hoặc không nỗ lực, có người nhìn thấy hay không nhìn thấy để năm bắt hoặc để vuột thời cơ, thì đó không phải là số mệnh mà là chính họ đã không nỗ lực, không nắm lấy thời cơ.

Mỗi con người đều mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và cho người gần bản thân mình. Để chính họ có cuộc sống đáng sống giống như họ hằng mong. Và cuộc sống đáng sống đó chắc chắn chỉ có từ nỗ lực mà ra.

Hãy nỗ lực, vì bản thân, vì người gần bản thân và để có một chỗ đứng riêng là một - là duy nhất trong xã hội này.

Sẽ có những người bạn đồng hành nhưng sẽ không thể có ai bước đi thay con đường của bạn. Số mệnh của bạn, con đường của bạn phải do chính bạn tìm ra và bước đi. 

Hãy đi và nhất định phải đến!


Hiểu biết cơ bản về các quy tắc trong văn hóa kinh doanh là rất quan trọng. Trong cuốn “Những quy tắc giao tiếp thương mại”, Barbara Pachter đã viết về những điều mọi người cần biết trong giao tiếp và thể hiện bản thân một cách thích hợp trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp.
 
Dưới đây là một số quy tắc quan trọng nhất:

1 – Đứng thẳng khi được giới thiệu
“Đứng thẳng giúp bạn củng cố sự hiện diện của mình. Người khác sẽ dễ dàng phớt lờ nếu bạn không đứng thẳng. Khi chưa thể đứng dậy ngay thì nếu có thể, bạn nên hơi ngả người về phía trước để biểu lộ  rằng bạn sẽ đứng lên”, Barbara Pachter viết.

2 – Luôn giới thiệu tên đầy đủ
Trong kinh doanh, bạn nên sử dụng tên đầy đủ nhưng cũng nên chú ý xem những người khác muốn được giới thiệu như thế nào.

3 – Luôn đưa tay ra bắt trước nếu là chủ hay là người có vị trí cao hơn
Trong môi trường làm việc ngày nay, người chủ (người tiếp đón) hay người có vị trí cao hơn, không phân biệt giới tính, nên đưa tay ra bắt trước, Barbara Pachter  cho biết. “Nếu người có vị trí cao hơn không đưa tay ra bắt trước, thường là vì lý do giới tính, thì ngay sau đó những người ở vị trí thấp hơn nên chủ động đưa tay ra bắt “.

Dù thế nào cũng phải bắt tay. “Tại Hoa Kỳ, bắt tay là lời chào hỏi trong kinh doanh. Nếu muốn giao dịch nghiêm túc, bạn phải bắt tay và bắt tay đúng cách”.

4 – Ăn mặc thích hợp
“Trang phục là một yếu tố quan trọng trong giao tiếp phi ngôn ngữ, có thể giúp nâng cao hoặc hạ thấp uy tín. Bạn sẽ muốn gửi thông điệp về sự nghiêm túc trong công việc thông qua trang phục được lựa chọn”, Barbara Pachter viết.

Luôn ăn mặc phù hợp khi tới sự kiện, gặp gỡ hay đi ăn nhà hàng và hãy chắc chắn rằng trang phục của bạn phù hợp với nơi đó.

5 – Chỉ nên “cảm ơn” một hay hai lần khi trò chuyện
“Bạn chỉ cần nói “cảm ơn” một hoặc hai lần trong một cuộc trò chuyện”, Barbara Pachter viết. “Nếu không, bạn có thể làm giảm hiệu quả của từ này và khiến bạn trông có vẻ thiếu thốn và cần được giúp đỡ”.

6 – Gửi lời cảm ơn đến từng người
Bạn nên gửi thư cảm ơn trong vòng 24 giờ và gửi riêng cho từng người mà bạn muốn tỏ lòng biết ơn.
“Hãy cân nhắc lựa chọn gửi email hay thư tay vì thư tay thường mất vài ngày  mới đến nơi, trong khi email gần như đến ngay lập tức”, Pachter viết. “Sau một buổi phỏng vấn xin việc, sự chênh lệch thời gian này có thể trở nên yếu tố quan trọng khi quyết định vị trí tuyển dụng được thực hiện một cách nhanh chóng”.

7 – Đặt điện thoại sang một bên
Ngày nay, mọi người ai cũng đều mang điện thoại theo người nhưng bạn nên tránh dùng khi đang họp.
Bạn có thể bị cám dỗ trong việc gửi tin nhắn hay email nhưng bất kể kín đáo như thế nào, mọi người đều vẫn sẽ nhìn thấy và đây là một biểu hiện bất lịch sự.

Ngoài ra, không đặt điện thoại trên bàn khi gặp ai đó. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đang thể hiện cho  người đối diện thấy bạn đã sẵn sàng bỏ rơi họ và liên lạc với người khác.

8 – Đăng tải ảnh thích hợp lên mạng
Luôn tải những bức ảnh thích hợp lên Linkedln và các trang web liên quan đến công việc của bạn, Pachter gợi ý. “Bạn muốn thể hiện là một người dễ gần, đáng tin cậy – chứ không phải giống như mới từ bãi biển lên”, Barbara  Pachter nói với Business Insider. Hãy dùng ảnh chụp cận cảnh làm nổi bật đầu, khuôn mặt cùng một phần ngực và vai . “Bạn là tâm điểm của tấm ảnh”.

9 – Dùng địa chỉ email chuyên nghiệp
Nếu làm việc cho công ty, bạn nên sử dụng địa chỉ email của công ty . Nhưng nếu sử dụng email cá nhân, cho dù bạn kinh doanh riêng hay đôi khi muốn sử dụng  cho công việc, bạn nên cẩn thận trong việc lựa chọn tên cho email, Barbara Pachter cho biết.

Nên có một địa chỉ email mang tên bạn để người nhận biết chính xác  ai là người gửi email. Đừng bao giờ sử dụng email (có thể là từ thời đi học) mà giờ đây đã không còn thích hợp cho công việc, ví dụ như “babygirl@ …” hay “beerlover @ …”.


10 – Luôn kiểm tra hai lần để chắc chắn bạn gửi email đúng người
Luôn chú ý khi gõ tên từ danh sách địa chỉ vào dòng “Người nhận” email. Bạn rất dễ chọn sai tên, điều mà bạn không  muốn xảy ra chút nào.

11 – Sử dụng lời chào chuyên nghiệp trong email
Không sử dụng lối viết không chuẩn mực, chẳng hạn như “Này các bạn”, “Chào” hay “Chào anh bạn”.

“Sự dễ dãi trong cách viết không nên ảnh hưởng đến lời mở đầu trong email”, Pachter nói. ““Này” là lời chào thân mật và nhìn chung không nên sử dụng tại nơi làm việc. Và “Chào” cũng không ổn. Thay vào đó hãy sử dụng  “Xin chào” hay “Chào anh/chị”

Pachter cũng khuyên chúng ta không nên rút ngắn tên của bất kỳ ai. Hãy nói “Xin chào Michael” trừ khi bạn biết chắc rằng anh ta thích được gọi là “Mike”.

12 – Hãy thừa nhận nếu bạn quên tên ai đó
Đôi khi chúng ta cũng quên tên người khác, Pachter nói với Tờ Business Insider. Nếu bạn lỡ quên tên người đối diện, hãy thừa nhận  điều đó: “Tôi rất xin lỗi. Tôi đã quên mất tên của bạn”, hay “Khuôn mặt của bạn trông quen quá, tôi chỉ không thể nhớ tên của bạn”, Pachter gợi ý.

13 – Chào mọi người tại nơi làm việc
Nói “xin chào” hay “chào buổi sáng” với những người dù bạn biết hay không biết, Pachter nói với Tờ Business Insider.

“Người bạn nói “xin chào” trên đường đến cuộc họp có thể là người ngồi cạnh bạn trong cuộc họp. Và bạn đã thiết lập một mối liên hệ nhỏ. Nếu ai đó nói “Xin chào” với bạn, bạn phải chào lại. Điều này là bắt buộc”.

14 – Khép ngón tay khi chỉ tay
“Hãy mở lòng bàn tay và giữ các ngón tay khép lại khi chỉ tay. Nếu dùng ngón tay trỏ để chỉ thì đó là biểu hiện của sự hung hăng”, Pachter viết. “Cả đàn ông và phụ nữ đều chỉ tay nhưng phụ nữ có xu hướng làm điều này nhiều hơn nam giới”.

15 – Đúng giờ
Luôn đến đúng giờ trong các cuộc họp. Bạn không muốn lãng phí thời gian của người khác vì đến không đúng giờ. Thêm vào đó, điều này khiến bạn có vẻ không chuyên nghiệp.

Nếu một tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát khiến bạn đến muộn, hãy thông báo cho mọi người trong cuộc họp. Gửi email hay gọi điện thông báo thời gian bạn sẽ đến. Xin lỗi và giải thích ngắn gọn tình hình (đừng kể ra cả triệu lý do) và khi bạn đến nơi, đừng lãng phí thời gian phàn nàn về việc giao thông hay trễ chuyến tàu.

16 – Không kéo ghế mời người khác ngồi
Mở cửa đón khách thì được nhưng Pachter cho rằng bạn không nên kéo ghế ra mời ai đó ngồi. Trong kinh doanh, bạn nên gác những quy tắc xã hội về giới tính lại.

“Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể tự kéo ghế cho mình”.

17 – Không gọi món ăn  quá đắt
Nếu gọi một miếng thịt bò hay tôm hùm đắt tiền, có vẻ như bạn đang lợi dụng người tiếp đãi mình, Pachter viết: “Mặc dù người tiếp đãi gợi ý, bạn có thể gọi bất kỳ món gì theo những lời gợi ý này, tuy nhiên, không nên chọn những thứ đắt tiền nhất vẫn tốt hơn”. Điều này cũng tương tự đối với rượu vang.

Bạn cũng nên cẩn thận khi gọi món “đặc biệt”.

“Nhiều người phục vụ không đề cập đến giá khi nói cho bạn biết về những món ăn tối đặc biệt. Chi phí đặc biệt này có thể nhiều hơn từ 10% đến 40% so với giá ghi trên menu thông thường, nhưng bạn không thể thoải mái hỏi giá của món ăn, đặc biệt là khi đang tiếp khách”. Tốt hơn hết bạn nên tìm hiểu cho rõ.

18 – Gọi món giống khách hoặc người tiếp đãi
Nếu khách hay người chiêu đãi gọi món khai vị hoặc  tráng miệng, bạn nên làm theo.
“Bạn sẽ không muốn làm cho vị khách của hình cảm thấy không thoải mái khi gọi món mà lại ngồi ăn một mình”, Pachter nói.

19 – Không bao giờ yêu cầu gói thức ăn thừa
“Bạn ở đây để kinh doanh, chứ không phải để quan tâm đến thức ăn thừa”, Pachter cho biết. “Gói thức ăn thừa phù hợp với bữa ăn gia đình nhưng không thích hợp cho những bữa ăn kinh doanh”.

20 – Hãy nhớ rằng người đón tiếp nên là người trả tiền
“Nếu bạn đưa ra lời mời thì bạn là người chiêu đãi  và nên là người thanh toán hóa đơn, không phân biệt giới tính. Nếu một vị khách nam muốn trả tiền thì sao? Phụ nữ có thể có một số lựa chọn. Cô ấy có thể nói: “À, không phải tôi trả mà là công ty sẽ trả”. Hoặc cô có thể xin phép rời khỏi bàn và thanh toán hóa đơn, không để những vị khách nhìn thấy. Cách này cũng hợp với đàn ông và đó là một cách trả tiền rất tế nhị”, Pachter viết.

“Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề là bạn không muốn tranh giành trong việc thanh toán. Nếu một khách nam khăng khăng đòi trả tiền bất chấp nỗ lực của người nữ  thì hãy để anh ta trả tiền”.

21 – Giữ tỉnh táo
Đừng say xỉn trong giao tiếp kinh doanh – xã hội, Pachter nói với Tờ Business Insider. “Mất việc và sự nghiệp bị hủy hoại bởi người ta say rượu rồi nói hoặc làm những điều không thích hợp. Một gợi ý hay đó là hãy gọi đồ uống bạn không thích và uống loại đó cả buổi”.

22 – Rút lui một cách lịch sự
Pachter có lời khuyên rằng bạn cần phải nói cho người khác biết khi bạn muốn rời đi: “Hãy nhớ rời đi khi bạn đang trò chuyện. Lúc này, bạn là người chủ động và việc rút lui sẽ nhẹ nhàng hơn”.

Bạn nên có một “đường lùi” được chuẩn bị trước trong trường hợp bạn cần rút lui khỏi cuộc trò chuyện. Bạn có thể nói “Rất vui được biết bạn” hay “Rất vui được nói chuyện cùng bạn” hay “Gặp bạn vào tuần tới tại cuộc họp”.

Bạn cũng có thể rời khỏi bữa tiệc bằng cách xin phép đi vệ sinh, đi lấy thức ăn hay nói rằng bạn muốn gặp ai đó trước khi họ rời đi.

Theo Business Insider
Hoàng Vũ


Hôm kia, em gọi điện và bảo tôi đặt vé vì Tết này em vẫn muốn về nhà, do nghe chúng bạn đã về hết rồi... Tết nhất, ai cũng muốn quây quần bên gia đình, bên bếp lửa tình thân, Tôi cũng thế và Em cũng thế cho dù lúc này chúng tôi đã là một gia đình, nghĩa là hai bên đều là Nhà.

Nhìn lại, tôi cũng có một ngôi Nhà để Tết đến sẽ về, sẽ vui vẻ và quây quần bên những người họ hàng, thân thích... Bất giác, thế nào gọi là Nhà?

Ai cũng có một tình yêu đối với Quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, rộng hơn là đất nước. Dẹp qua những câu chuyện buồn phiền, ai là người Việt Nam đi xa rồi cũng muốn trở về đất nước để đón Tết cùng người thân. Đó là tình yêu với Quê hương, Đất nước - một tình yêu lớn lao của những con người đang mang trong mình một dòng máu riêng biệt với phần còn lại của thế giới.

Nhưng đó chỉ là một ý niệm. Tình yêu đó chỉ là một tiềm thức xa xôi của câu à ơi thuở lọt lòng còn đọng lại. Một Quê hương, một Đất nước khác không phải là ý niệm, không phải tiềm thức, đó chính là Nhà. Nhà là nơi mỗi người may mắn đã sinh ra và lớn lên, đã ú tìm trong những ngày thơ bé, đã nô đùa trong những góc sân và lủi thủi sau những trận đòn dạy dỗ.

Nhà là Quê hương và Quê hương là nơi mỗi người đã lớn lên.

Nhà là tuổi thơ, là tiếng nói Mẹ Cha, là tiếng gọi Anh Em, là tiếng vọng Ông Bà và Nhà là khung trời kỷ niệm mang đầy ký ức ai cũng muốn một lần được trở về...

Nhưng vì thời gian thoi đưa, trôi qua trọng nhẹ nhàng và sâu lắng, để con người phải bước chân vội vã, để tuổi thơ lui xa dần và ngôi Nhà thêm ngày một khác. Tết đến đều mỗi năm, người đều thêm tuổi và lại thêm những vùng trời tuổi thơ mới chuẩn bị lớn lên.

Tuổi thơ của ai đã trôi qua nhưng có đầy ắp trong đó những tiếng nói cười của Cha Mẹ, những lời vọng Ông Bà yêu thương, những tiếng ới gọi nhau Anh Chị Em thì thật là may mắn.

Nếu không có, hãy tự mình xây dựng!


HOA TRINH NỮ
Sáng tác Trần Thiện Thanh

Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường gọi là hoa Trinh Nữ
Hoa Trinh Nữ không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn
Nhưng hoa Trinh Nữ đẹp tựa chuyện tình hai chúng ta

Xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn
Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao

Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền
Loài hoa không hương sắc màu nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa

Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say
Ngỡ đôi mi dầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái
Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương
Và mong ước mai sau khi tan giặc nước vua về
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành Trinh Nữ thô.



http://music.chiasenhac.vn/mp3/overseas/44870-hoa-trinh-nu~tuan-vu.html


"Gia Định thất thủ vịnh" không rõ tên tác giả, chỉ biết ra đời trong hoàn cảnh xót thương khi người Pháp đã đánh chiếm xong thành Gia Định năm 1859. Trương Vĩnh Ký là người sớm nhất đã sưu tầm bài vịnh này, nhưng lúc đó chỉ được 7 câu 14 dòng. Mãi về sau, Thái Bạch mới sưu tầm đầy đủ và cho in trong "Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp".

Bài vịnh là nỗi lòng của nhà Nho trước thời cuộc đất nước thất thủ về tay người Pháp. Nỗi mong mỏi, đợi chờ những hình ảnh Thành Thang, Võ Vương như mong chờ vị cứu tinh đã không xảy đến và để "con đỏ chốn chông gai". 

Học giả Trương Vĩnh ký đã viết lời giới thiệu trong quyển chuyên khảo của mình về bài vịnh như sau:
Vịnh này ai làm ra thì không có biết rõ, mà văn làm hay, đối đáp cân xứng. Xem hãy còn dài nữa, mà thấy bổn chép có bấy nhiêu, thì ta cũng chép lại bấy nhiêu. Bấy nhiêu cũng đủ hiểu ý tứ và chí khí của kẻ làm. Chính ý là tiếc đất cũ của mình nay đã về tay giặc; đổ cho đạo tuần hườn trời đất đổi dời khiến cho giặc mạnh. Khí giới giỏi, cơ xảo đến đánh mà lấy đi.
P.J.B. Trương Vĩnh Ký.

Đọc lại bài vịnh, chúng ta nhìn thấy lại một trang lịch sử đau thương của dân tộc và đau đớn hơn khi trập tràn trong đó những điển tích, điển cố Trung Hoa được viện dẫn. Sự tất yếu thất bại của vương triều Nguyễn từ thời Minh Mệnh đã xảy đến khi chỉ rập khuôn theo phong kiến Trung Hoa mà quên mất tinh thần dân tộc của những khai quốc công thần triều Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Lê Chất và đặc biệt là Thế tổ Gia Long.

Dưới đây là đầy đủ bài vịnh:

Gia Định thất thủ vịnh
1. Thương thay đất Gia Định! Tiếc thay đất Gia Định!
Vực thẳm nên cồn, đất bằng nổi sóng.
2. Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu
Dây thép giăng chớp nhoáng đất ngàn trùng, ngã xiêu thành Phụng.
3. Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mù.
Giang sơn dời đổi lạ mày, tưởng tới dường mê dường tỉnh.
4. Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, ngổn ngang xe ngựa đất gò bằng.
Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát cửa nhà trời dậy sấm.
5. Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ dứt câu ca
Tò le kèn thổi trời Nam, mờ mịt năm canh không tiếng trống.
6. Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ gió hạc lúc hư kinh
Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.
7. Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu.
Nơi sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
8. Cầu Thị Nghè cùng nơi Chợ Quán chúa đắc ý vểnh râu.
Chùa Cẩm Đệm trải đến Cây Mai, chịu nghèo ôm bụng.
9. Nơi nơi nổi xóm đạo nhà thờ.
Chốn chốn lập chùa thiêng miếu thánh
10. Dọc dọc ngang ngang mấy lớp, thảy đều chúng nó lâu đài.
Văn văn võ võ hai bên, nào thấy quan ta võng lọng.
11. Ngậm ngùi thay ba bốn lân Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế cũng khô.
Bát ngát nhẽ Mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng, người đời cũng rụng.
12. Mấy dặm Gò Đen - Rạch Kiến, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không.
Đòi nơi Rạch Lá - Gò Công trận gió quét cửa nhà trống rỗng.
13. Tiếng kêu oan, oan này vì nước, hồn nghĩa dân biết dựa vào đâu?
Thân liều thác, thác cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà đầy đống.
14. Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay kẻ thác chẳng an hồn.
Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy người còn khôn nỗi sống.
15. Sau trước vầy đàng tả đạo, dân ta đòi bữa đòi suy.
Đêm ngày ỏi tiếng Lang Sa, thế nó càng ngày càng lộng.
16. Cờ sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ chốn chông gai.
Áo Võ Vương sao chẳng thấy cài, nỡ để dân đen trong bùn lấm.
17. Đầu Trung nguyên tóc hãy còn dài, công này nhờ Chu Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công.
Tay tả nhậm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, học Luận ngữ cớ sao chê Quản Trọng.
18. Bóng xế dặm ngàn trong man mác, nước non này ai thấy chẳng buồn.
Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động?
19. Nay ta nhân cảm việc đời,
Vậy mới tả một bài ngâm vịnh:
Dắng dỏi lầu Tây tiếng địch xoang,
Đoái trông thấp thoáng bóng dương tàn.
Giang sơn tám cõi êm tì báo
Thế giới ba ngàn nổi sói lang.
Áy náy người lo ơn cúc dục,
Bâng khuâng kẻ tưởng nghĩa quân vương.
Ai về bến bắc thăm người Võ,
Hỏi cán cờ mao trải mấy sương?


Lời giới thiệu
 
Trương Vĩnh Ký hay Petrus Ký (1837-1898) là một học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực từ ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, từ điển đến văn học, nghệ thuật, văn hóa... Ông sớm theo đạo Thiên Chúa và được đào tạo tại nhiều chủng viện, từ tiểu chủng viện Cái Nhum (Nam Kỳ) đến chủng viện Pinhalu (Campuchia) rồi đại chủng viện Poulo-Penang (Malaysia). Ông rất thông minh và có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, thông thạo nhiều ngôn ngữ từ Hán, Nôm đến tiếng Latin, Pháp, Anh, Hy Lạp, Ấn, Nhật, cả tiếng Khmer, Thái, Lào. Ông để lại một di sản đồ sộ với khoảng gần 100 tác phẩm sách, báo, luận văn, bao gồm những khảo cứu về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ đến bút ký, sáng tác thơ văn, dịch sách Hán, phiên âm truyện Nôm, từ điển. Ngoài ra, ông còn để lại nhiều thư bằng tiếng Pháp, tiếng Latin và quốc ngữ giao thiệp với các nhân vật đương thời và một số di cảo, tư liệu chưa ai có thể thống kê đầy đủ. 

Trước khi làm giám đốc trường Thông ngôn, Trương Vĩnh Ký còn làm chủ bút Gia Định báo. Trên phương diện quốc tế, ông đã từng là thành viên Hội Nhân đạo và Khoa học miền Đông Nam nước Pháp, thành viên thông tấn trường Đông phương Ngữ học, hội viên Hội Á châu. Ông còn được ghi nhận là một trong 18 học giả hàng đầu quốc tế (1873-1874). 

Ngoài công việc giảng dạy, biên phiên dịch và viết lách, Trương Vĩnh Ký có thời gian tham gia vào các hoạt động chính trị khác như tham gia Hội đồng thường trực nghiên cứu tổ chức lại nền giáo dục Nam Kỳ, Hội đồng thị xã Sài Gòn, được cử vào Viện Cơ mật của Nam triều, làm Giám quan cố vấn cho Đồng Khánh. Chính từ những hoạt động này mà trong giới nghiên cứu đã từng có những nghi vấn, phê phán gay gắt. 

Học giả Nguyễn Đình Đầu là người đã dày công nghiên cứu về Petrus Ký, đã thu thập được nhiều tư liệu về Trương Vĩnh Ký trong Thư viện Hội Nghiên cứu Đông Dương (Société des Études indochinoises), Trung tâm lưu trữ Hội Thừa sai Paris (Société des Missions étrangères de Paris) và đã dịch, chú thích, xuất bản một số tác phẩm của Trương Vĩnh Ký. 

Trên cơ sở chuẩn bị nhiều năm, học giả Nguyễn Đình Đầu đã hoàn thành một công trình như một hồ sơ Trương Vĩnh Ký mang tên Petrus Ký - Nỗi oan thế kỷ. 
 
Trong công trình biên khảo này, trong chương một, tác giả viết về thân thế và sự nghiệp Trương Vĩnh Ký, trình bày một cách hệ thống cuộc đời và hành trạng của Trương Vĩnh Ký cùng những sáng tác của ông. Tác giả lập danh mục các tác phẩm và niên biểu Trương Vĩnh Ký; viết lại các hoạt động và thái độ hành xử của Trương Vĩnh Ký trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể để người đọc tự rút ra các nhận xét, bình luận. Theo đó, cuối đời, Trương Vĩnh Ký cũng tự thấy những mâu thuẫn trong cuộc sống của mình khiến hậu thế khó hiểu khi căn dặn chôn mình trong một nhà mồ đơn sơ với dòng chữ Latin “Sic vos non vobis” (Ở với họ mà không theo họ) và đôi câu đối bằng chữ Hán: “Lưu bì văn dự dị thiên địa - Ủy thế linh thần tại tử tôn” (Tiếng thơm ngưng đọng trong trời đất - Ý chí lưu truyền tại cháu con). Tác giả Nguyễn Đình Đầu không tranh luận về sự đánh giá công và tội của Trương Vĩnh Ký mà chỉ tỏ ra thông cảm với những uẩn khúc khó xử của Trương Vĩnh Ký và muốn chiêu tuyết cho ông. 

Một nội dung quan trọng của cuốn sách dành cho một số trước tác của Trương Vĩnh Ký trong chương hai và ba. Đó là một số sách, báo, bài viết chọn lọc và một số thư từ trao đổi của Trương Vĩnh Ký với nhà cầm quyền Pháp, với vua Đồng Khánh, và với các nhân sĩ trí thức đương thời. 

Nội dung chủ yếu của cuốn sách là những bài khen tặng Trương Vĩnh Ký lúc sinh thời và những bài khảo cứu, phê bình Trương Vĩnh Ký từ khi ông qua đời cho đến ngày nay. Đó là các chương từ chương bốn đến chương bảy qua các giai đoạn khi Trương Vĩnh Ký còn sống (chương bốn), từ khi qua đời đến năm 1945 (chương năm), từ năm 1945 đến 1975 (chương sáu) và từ khi Việt Nam thống nhất năm 1975 đến nay (chương bảy). Qua từng giai đoạn này, người đọc sẽ thấy, trải qua hơn một trăm năm với nhiều thăng trầm của lịch sử, lúc nào Trương Vĩnh Ký được tôn vinh và lúc nào bị phê phán. Trong lịch sử Việt Nam, việc bình luận, đánh giá không ít nhân vật lịch sử thường bị chi phối bởi bối cảnh lịch sử như vậy. Nhưng xu hướng chung vẫn là sự thắng thế của kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc, khách quan và thái độ công minh trước lịch sử. Petrus Ký cũng trải qua nhiều sóng gió của khen - chê, tôn vinh - phê phán, nhưng cuối cùng xu thế khách quan, trung thực vẫn chi phối. Những hội thảo và bài nghiên cứu về Petrus Ký gần đây đánh giá cao những cống hiến văn hóa, những di sản ông để lại, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với những uẩn khúc trong thời gian cộng tác với Pháp, coi ông là một học giả uyên bác, một nhà bác học. 

Cuốn sách của học giả Nguyễn Đình Đầu không chỉ là một công trình khảo cứu về Trương Vĩnh Ký mà còn là một công trình tổng hợp bao gồm các trước tác tuyển chọn của Trương Vĩnh Ký và hệ thống theo thời gian các sách, báo nghiên cứu, phê bình Trương Vĩnh Ký kể cả khen và chê. Trong sách, tác giả còn sưu tập và công bố một số tư liệu mới về Trương Vĩnh Ký, đóng góp thêm cơ sở tư liệu về nhân vật lịch sử này.
Tôi đánh giá cao công lao sưu tầm, biên soạn công phu với thái độ khách quan, trung thực của học giả Nguyễn Đình Đầu. Tôi coi đây là một công trình tổng hợp có giá trị về Trương Vĩnh Ký, cung cấp một hệ thống tư liệu khá đầy đủ và khách quan với nhiều góc nhìn khác nhau, cho tất cả các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực muốn nghiên cứu sâu về nhà bác học Trương Vĩnh Ký. 

Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2016
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê

Vậy là năm mới theo Dương lịch đã đến - năm 2017. Mấy hôm nay và sáng nay, lướt qua mấy trang mạng xã hội đều thấy người người nói, nhắn tin, chúc mừng một năm mới sắp đến. Trong lòng chợt chẳng thấy nôn nao chút nào, dù rằng tối 30 vừa dự xong một buổi tiệc Tất niên tại trường, nghe bài "Tết Nguyên đán" thì trong lòng cũng dâng lên chút hứng khởi... Có lẽ do nhiều việc, nhiều chuyện mà năm mới đã đến vẫn chưa xong nên trong lòng còn vương vấn nhiều suy nghĩ.

Chợt nghĩ đến chuyện thăm người xưa. Do cả tháng nay đang ôm quyển sách "Người Pháp và Annam - Bạn hay thù?" để đọc, chợt thấy có nhiều cảm xúc lạ lùng khi nghĩ về Ngài Tả quân Lê Văn Duyệt. Thế là sáng nay, quyết định đến thăm mộ Ngài một chuyến... nữa.

8 năm ở Sài Gòn, nhiều lần đi ngang qua nhưng chỉ đúng một lần duy nhất ghé vào thăm mộ Ông. Lần này đến, có chủ đích hơn, có mục đích hơn và cũng chuẩn bị nhiều thứ trong lòng hơn.

Nơi thờ phụng Ông thật sạch sẽ, khang ngang và nghi ngút khói hương. Khi đưa xe vào bãi, chạy ngang cổng chính là thấy rõ sự bề thế của của nơi yên nghỉ ngàn thu của vị Tả quân uy hùng năm xưa. Trong nhiều quyển sách cả xưa và nay viết lại, cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã bắt đầu từ khi 17 tuổi theo chân Gia Long Nguyễn Ánh bôn tẩu tứ phương, chờ ngày "phục quốc". Cuộc đời trai trẻ của Người đang nằm dưới nấm mộ kia đã oai hùng từ sớm như thế.

Ông tên thật là Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 hoặc 1764, mất ngày 28 tháng 8 năm 1832. Ông quê gốc Quảng Ngãi, nhưng sinh ra và lớn lên ở Tiền Giang và lập thân trên con đường bôn tẩu miền Gia Định.

Trong thời chiến, Ông uy dũng vô cùng, tài trí, mưu lược hơn người. Là một trong "Ngũ hổ tướng Gia Định" được người đời xưng tụng và ghi dấu ấn võ công bậc nhất của mình trọng trận thủy chiến Thị Nại - khởi đầu dấu chấm hết của triều Tây Sơn.

Trong thời bình, Ông hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định, có tầm nhìn thời đại, trân trọng và kết giao với người Tây phương, cho phép người dân tự do tôn giáo và đã xây dựng một miền Nam giàu có, trù phú.

Nhưng khi chết - và chỉ khi Ông đã chết, Hoàng đế Minh Mạng mới dám kéo xích xiềng mã Ông lại, bảo rằng Ông có tội với triều đình, với Vua, với dân. Ấy vậy mà suốt cả trăm năm sau, người dân vẫn kính thờ Ông như một biểu tượng của lòng trung quân ái quốc, thương dân hết lòng.

Trong khu lăng thờ Ông, có thêm hai Vị Phan Thanh GiảnLê Chất lần lượt nằm ở tả hữu bàn thờ Ông. Hơn nữa thế kỷ sau ngày Ông mất, đại thần Phan Thanh Giản nuốt nước mắt ký nhượng ba tỉnh miền Tây cho người Pháp vì biết rằng có tiếp tục chiến đấu thì chỉ nhân dân phải chịu khổ, tang thương. Bài vị người thương dân bên cạnh người thương dân trong hai hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn thật khó nói nên lời...

Đầu năm, người ta đến viếng Lăng mộ Ông Tả quân không nhiều, nhưng nhiều là những cô cậu đến chụp ảnh. Khung cảnh nơi Ông yên nghỉ đẹp, nghiêm trang và cổ kính. Đó có lẽ là phần thưởng xứng đáng cho những gì mà một người thanh quan đã trải bao khói lửa chiến tranh, thấu hiểu nỗi đau của dân chúng mà hết lòng thương dân được hưởng lấy.

Đầu năm, cầu mong Vị Tả quân uy hùng ngày nào có linh thiêng, xin nhìn đến đất nước đang trong những ngày cơ cực, bòn rút của tham nhũng, quan liêu, xua nịnh mà ra tay độ trì. Để chí lớn của Ông ngày xưa không bị con cháu phụ bạc, tầm nhìn thời đại ngày xưa của Ông không bị phí hoài và quê hương Ông không chịu mãi kiếp ngựa trâu.

Đầu năm, kính dâng lòng kính mến và cảm phục lên tiền nhân, vô cùng!

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.