tháng 8 2016


Có khi nào bạn dừng lại và tự hỏi mình đang nghĩ gì hay không? Nó là tiêu cực hay tích cực? Nó ảnh hưởng thế nào đến bản thân bạn và người khác? 

Tìm kiếm sự yên ổn, an toàn, hạnh phúc và thành công luôn là động cơ chính của mỗi người. Thế nhưng, chúng ta lại dành rất nhiều thời gian phàn nàn về hoàn cảnh, về người khác và về chính mình. Chúng ta dễ dàng chụp mũ “Tại người này, tại hoàn cảnh này... nên tôi mới thế”.


Hầu như chúng ta không ngó ngàng gì đến suy nghĩ của mình. Ví dụ, con gái bạn bỏ học để đi làm phục vụ bàn cho nhà hàng, bạn sẽ nghĩ gì? Có phải bạn sẽ hét toáng lên trong suy nghĩ của mình rằng“Lại nổi loạn nữa ư! Muốn chọc tức tôi chắc? Sao lại không hiểu tôi đã phải vất vả thế nào vì nó cơ chứ!...”. Rồi sản phẩm “lời nói và hành động” được hình thành từ suy nghĩ ấy sẽ là gì? Chắc chắn là sẽ không mấy tốt đẹp. 

Bây giờ, bạn hãy dừng lại và nhìn vào màn hình tâm trí để đánh giá xem bạn đang suy nghĩ gì? Chúng thuộc loại nào trong 4 loại suy nghĩ chính sau đây:

1. Suy nghĩ cần thiết:
Là những suy nghĩ liên quan đến những nhu cầu cơ bản, suy nghĩ về nhiệm vụ cần hoàn thành hay có những thay đổi nào đó ở các tình huống xung quanh... Chúng ta không thể tránh khỏi những ý nghĩ này, nhưng nếu lập kế hoạch để ít phải ghi nhớ thì sẽ tiết kiệm được năng lượng và thời gian.

2. Suy nghĩ lãng phí:
Là những suy nghĩ liên quan đến điều không thể kiểm soát (như quá khứ hoặc tương lai), gây mất thời gian và năng lượng của chúng ta. Những suy nghĩ này thường bắt đầu bằng “Nếu... Giá mà... Đáng lẽ... Ước gì... Mong sao...”. 

3. Suy nghĩ tích cực:
Là kết quả của việc tự lựa chọn cách phản hồi trước mỗi tình huống. Loại suy nghĩ này thường có ý nghĩa, có chủ đích, hiệu quả và hữu ích. Ta tập trung vào điều ta có thể kiểm soát và thay đổi được, do vậy ta luôn cảm thấy nhiệt tình, hợp tác và hạnh phúc.

4. Suy nghĩ tiêu cực:
Là loại suy nghĩ bắt nguồn từ nỗi đau, tổn thương trong quá khứ, sợ hãi, đố kị hoặc thù ghét... Loại suy nghĩ này không những gây tổn hại cho sức khỏe tinh thần, thể chất, mà còn ảnh hưởng đến môi trường và người khác nữa.


Hình dung bạn bước vào bếp, mở tủ lạnh và lấy ra một trái xoài xanh, gọt vỏ, cắt lát vừa ăn. Bạn cầm một miếng và bỏ vào miệng. Bạn cảm thấy thế nào? Cảm thấy chua, phải không? Rõ ràng là trên thực tế bạn không hề thực hiện hành động ấy, nhưng hình ảnh bạn vẽ ra trong tâm trí (cũng là một dạng suy nghĩ) đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ và trực tiếp đối với các giác quan của bạn. 

Nghiên cứu cho thấy mỗi một suy nghĩ có ảnh hưởng đến 57 nghìn tỷ tế bào của cơ thể. Suy nghĩ lãng phí, tiêu cực cũng sẽ gây bệnh. Bác sĩ Prem Masand, một chuyên gia tư vấn về sức khỏe của các Trung tâm Inner Space tại Ấn Độ đã nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng: cảm giác trống trải, không lối thoát có thể gây ra bệnh ung thư; cảm giác giận dữ, hối hận gây ra các bệnh về gan; căng thẳng, chống đối và thiếu khoan dung gây ra bệnh căng cơ; lo lắng, phàn nàn, cáu gắt gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày... 

Thực hành suy nghĩ tích cực 
 
• Nhận thức: Hàng ngày bạn hãy tập nhận diện những suy nghĩ bằng việc theo dõi cảm xúc của mình, bởi vì khoảng 80% suy nghĩ của chúng ta bắt nguồn từ kho tiềm thức (những ký ức) mà không hề được nhận thức hay được lựa chọn có ý thức, và thường không được chú ý cho đến khi những hệ quả của chúng bắt đầu lộ diện. Do đó, để tránh rắc rối, chúng ta cần ý thức hơn về những suy nghĩ của mình, nghĩa là kiểm soát chúng hơn nữa. 

• Quan sát: Nếu bạn thấy mình đang hướng đến suy nghĩ tiêu cực (buồn chán, giận dữ) thì hãy đổi hướng... Đọc một cuốn sách, đi dạo, nghe nhạc hoặc làm bất cứ điều gì để nâng đỡ tinh thần, để cảm thấy vơi nhẹ và được khơi gợi cảm hứng mới.


Càng để ý kiểm tra suy nghĩ của mình, bạn sẽ càng có khả năng nhận ra những suy nghĩ tiêu cực/lãng phí khi chúng vừa mới manh nha. Suy nghĩ tiêu cực/lãng phí thường trồi lên từ kho tiềm thức (những trải nghiệm quá khứ). Một điều may mắn là mỗi lúc chúng ta chỉ có một suy nghĩ. Bạn không thể vừa có ý nghĩ vui và buồn đồng thời, vì vậy bạn hãy kiên quyết thay thế suy nghĩ tiêu cực/lãng phí bằng suy nghĩ khác hiệu quả hơn ngay khi nó xuất hiện. 

(Trích sách "GIẢM 'XÓC' HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI"
của tác giả Trish Summerfield – Phạm Thị Sen)

Nguồn: http://qtcs.com.vn/bai-hoc-cuoc-song/tam-anh-huong-cua-suy-nghi/


Tôi dặn lòng mình phải sống thế này, phải sống thế nọ thế nhưng cuộc sống đã xô đẩy tôi thế đấy. Tôi vốn chẳng thích bon chen, nhưng nếu cuộc sống này không bon chen thì cố chỗ nào cho tôi đứng. Vậy nên tôi mệt mỏi với chuyện phải suy nghĩ mỗi ngày, à thì mình phải thắng người này, tiếp cận người nọ, chứng tỏ với người kia, rồi tự đặt câu hỏi với chính mình, có nên làm thế này, không làm thế kia...đại loại là những suy nghĩ mà chỉ mình tôi mới là người-trả-lời cho tất cả. 

Vậy là đã hai-mươi-hai-mùa tháng ba. Cảm giác đầu tiên của những ngày hai-mươi-hai sao chông chênh đến lạ, tôi như đang lơ lủng giữa một khoảng không, chẳng biết bám víu vào đâu, không một cánh tay đưa ra để níu kéo, không một bức tường để dựa dẫm lúc mệt mỏi, không có nơi để hướng tới. Nhắm mắt lại, tôi chỉ thấy một khoảng trông trống rỗng, có ai đó đưa tôi ra khỏi nơi này đi! Mặc cho tôi tha thiết khẩn gọi-chẳng ai cả! Ừ, thì có ai nữa, ngoài tôi thôi, chỉ khi tôi mở mắt thì mới thoát khỏi điều đó.

Nhưng, tôi sợ, tôi sợ phải đối mặt với cuộc sống này, nơi mà con người chẳng phải là chính họ chẳng còn là con người như chính những điều mà tạo hóa đã ban cho họ,nơi mà tiền bạc và địa vị là tất cả. Càng ngày con người còn có nhiều lòng tham, sự đố kị, sự tàn nhẫn, và chính họ cũng đã đánh mất đi những thứ tốt đẹp nhất vốn có của phần Người.

Còn trẻ, bớt suy nghĩ đi cho nhẹ lòng!

Tôi, cũng từng là một người có ước mơ và hoài bão,thế nhưng thực tế đã đánh tan cái ước mơ nhỏ nhoi ấy của tôi. Những khoảnh khắc tôi đặt ra mục tiêu và ước mơ của mình là những lúc tôi nhìn cuộc đời màu hồng, nó đẹp như một bức tranh. Nhưng khoảnh khắc tôi bắt đầu ma sát với công việc, ma sát với cuộc sống ngoài gia đình thì tôi nhân ra rằng đằng sau bức tranh ấy là những mảnh giấy vụn chắp ghép, không lành lặn, mảnh nhàu nát, chắp vá mảnh kia, còn có những lỗ hổng, những mảng màu đối nghịch. Và điều đáng buồn nhất là tôi-cũng-là-một-mảnh-ghép của bức tranh ấy.

Tôi dặn lòng mình phải sống thế này, phải sống thế nọ thế nhưng cuộc sống đã xô đẩy tôi thế đấy. Tôi vốn chẳng thích bon chen, nhưng nếu cuộc sống này không bon chen thì cố chỗ nào cho tôi đứng. Vậy nên tôi mệt mỏi với chuyện phải suy nghĩ mỗi ngày, à thì mình phải thắng người này, tiếp cận người nọ, chứng tỏ với người kia, rồi tự đặt câu hỏi với chính mình, có nên làm thế này, không làm thế kia...đại loại là những suy nghĩ mà chỉ mình tôi mới là người-trả-lời cho tất cả.

Còn trẻ, bớt suy nghĩ đi cho nhẹ lòng!

Lúc tôi muốn đi thật xa, chỉ đi như thể mình sinh ra để đi, đôi chân này sẽ đưa tôi qua những miền đất mới, nơi mà chẳng có những con người để tôi phải bận tâm suy nghĩ, nơi mà tôi sẽ đắm chìm cho qua tuổi thanh xuân. Cũng có lúc tôi muốn từ bỏ mọi thứ để tìm đến cửa Phật, nơi lòng tôi cảm thấy thanh thản và bình yên nhất. Tôi thích nghe tiếng chuông chùa, bởi khi tiếng chuông vang lên mọi điều cầu nguyện sẽ thành hiên thực, tiếng chuông ngân dài, du dương, da diết nhưng tôi thấy lòng an yên đến lạ. Chỉ cần vậy thôi, hai-mươi-hai nhé, sống cho mình nhưng không phải ích kỷ, bớt suy nghĩ cho nhẹ ba-lô đời, hãy nhìn trời để thấy mình bình yên.

Tuổi hai-mươi-hai ơi,cho tôi xin hai chữ Bình Yên thôi nhé!
Xuân Thủy

Nguồn: 


Để lại dấu chân
Một vị đại sư đã xuống tóc hơn một năm mà vị trụ trì vẫn cho ông ấy đi hóa duyên. Mỗi ngày ông đều phải cực khổ. Cần biết đó là việc làm cực khổ khó khăn mà hầu như không ai chịu làm.

Có một ngày đã vào buổi chiều rồi, nhưng Huyền Trân đại sư vẫn chưa chịu thức dậy. Vị trụ trì cảm thấy rất lạ, nên đã vào phòng của Huyền Trân. Thấy đại sư vẫn chưa dậy, bên giường lại có rất nhiều dép rách, vị trụ trì hỏi: “Hôm nay con không đi hóa duyên à? Sao lại có nhiều dép rách ở đây?”.

Huyền Trân đại sư trả lời một cách rất phẫn nộ: “Người khác mang đôi dép cả hơn một năm mà vẫn không rách còn con đã hư bao nhiêu đôi rồi”.

Khi nghe xong, vị trụ trì lập tức hiểu ra và nói: “Hôm qua có một trận mưa, con hãy theo ta đến trước cửa chùa mà xem thử”.

Con đường ở trước chùa chỉ là một miếng đất màu vàng và khô cằn. Trụ trì vỗ vào vai đại sư: “Con muốn làm một hòa thượng chỉ sống qua ngày, hay một hòa thượng được nhiều người biết đến?” “Đương nhiên con muốn là một danh tăng”. Trụ trì nói tiếp: “Hôm qua, phải chăng con đã đi qua con đường này”.

Huyền Trân trả lời: “Đương nhiên”.

Trụ trì hỏi tiếp: “Vậy con có thể tìm kiếm dấu chân của mình không?”.

Huyền Trân: “Hôm qua, con đường này vừa cứng vừa khô cằn, làm sao tìm thấy dấu chân của con?”.

Trụ trì im lặng, từng bước đi vào chỗ bãi lầy. Đi hơn mười mấy bước, đột nhiên dừng lại: “Hôm nay, thầy đi một vòng trên con đường này, con tìm thấy dấu chân của thầy chứ?’.

Huyền Trân: “Đương nhiên là được rồi”.

Nghe xong trụ trì nói tiếp: “Đi trên bãi lầy mới có thể để lại dấu chân, trên đời này chẳng phải như vậy sao. Những người chưa từng trải qua sóng gió cũng giống như đi trên con đường vừa khô vừa cứng vậy, làm sao để lại dấu chân?”.

Sau khi nghe xong Huyền Trân đã tỉnh ngộ: “Làm sao để lại dấu chân trên bãi lầy”.

Muốn đạt được thành công thì phải bỏ ra mồ hôi xương máu. Không ai có thể tự nhiên đạt được thành công, vì thành công không phải từ trời rơi xuống.


[LỜI NHẠC]
 
Dương trần đã vang lên bài thánh ca, mùa Đông năm ấy Chúa sinh vì ta, năm ấy không xa bây giờ vào 1 mùa giáng sinh xưa nữa đêm đi lễ anh đưa.
Nay mùa giáng sinh đã về Chúa ơi, lòng con như thấy thiếu đi niềm vui đi lễ năm xưa bên người giờ này chỉ có riêng tôi quỳ bên hang đá lẻ loi.
Cầu xin ơn Chúa xót thương, cất khỏi trần gian bóng tối thê lương, lòng con sao mãi vấn vương, ngày đêm trông ngóng người yêu vắng xa.
Bao mùa giáng sinh vẫn 1 mối tình, cầu xin ơn chúa chứng cho lòng con, ban xuống cho con phước lành, hòa bình trên khắp quê hương, tình yêu mãi thắm màu xanh


Đức Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê (1898 - 1978)
Hồng y tiên khởi của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Dưới đây là danh sách các Hồng y Công giáo người Việt Nam. Giáo hội Công giáo tại Việt Nam kể từ khi có Giám mục bản địa đầu tiên vào năm 1933, và khi Hàng giáo phẩm chính thức được thành lập vào năm 1960, cho tới nay đã có 6 Giám mục được phong tước Hồng y, trong số đó có 5 người là Hồng y bậc Linh mục và 1 người là Hồng y bậc Phó tế (Hồng y Nguyễn Văn Thuận). Trong danh sách này, tên các Hồng y được sắp xếp theo năm được thăng tước vị này.

Danh sách Hồng y

STTẢnhTên đầy đủNăm sinh
Năm mất
Năm linh mụcNăm giám mục
Năm tổng giám mục
Năm thăng Hồng yCai quản giáo phận với tước Hồng yGhi chúChú thích
1 †
lớn
Giuse Maria Trịnh Như Khuê1898 - 197819331950
1960
1976Tổng giáo phận Hà NộiHồng y bậc Linh mục
2 †
lớn
Giuse Maria Trịnh Văn Căn1921 - 199019491963
1978
1979Tổng giáo phận Hà NộiHồng y bậc Linh mục
3 †
lớn
Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng1919 - 200919491963
1990 (Tổng Giám mục Giám quản Tổng Giáo phận Hà Nội)
1994Tổng giáo phận Hà NộiHồng y bậc Linh mục
4 †
lớn
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận1928 - 200219531967
1975 (Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn)
2001Giáo triều RômaHồng y bậc Phó tế
5
lớn
Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn1934 -19651993
1998
2003Tổng giáo phận Sài GònHồng y bậc Linh mục
6
lớn
Phêrô Nguyễn Văn Nhơn1938 -19671991
2010
2015Tổng giáo phận Hà NộiHồng y bậc Linh mục



Gioan Phaolô II (hay Gioan Phaolô Đệ Nhị, Latinh: Ioannes Paulus II; tên sinh ; 18 tháng 5 năm 1920 – 2 tháng 4 năm 2005) là vị giáo hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của ông đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo hoàng dài thứ hai trong lịch sử hiện đại, sau triều đại dài 32 năm của Giáo hoàng Piô IX. Cho đến hiện tại, ông là vị Giáo hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Giáo hoàng Ađrianô VI năm 1520. Ông được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Bộ phim kể về cuộc đời Ngài trên trang YouTube gồm 8 phần bên dưới!



Sáng nay, một tuần mới bắt đầu với chuyện dọn dẹp cho ở chỗ làm. Nản!

Lên face tính lướt vài dòng để xem noti và tin tức bạn bè, bỗng đón nhận những tin vui bất ngờ.

Người anh – nay đã là thầy triều năm 4, đi lễ Chúa Nhật ở quê và nghe lời rao hôn phối có tên mình. Vậy là chuỗi ngày để chuẩn bị chính thức bước vào đời sống hôn nhân giờ đây mới bắt đầu. Một cảm xúc gì đó rất khó tả, khi giờ đây nơi thánh đường quen thuộc đã nuôi lớn tâm hồn thơ của mấy đứa tôi, giờ đã có tiếp tôi là người thứ hai trong đám chuẩn bị “lên xe bông”, vậy là mọi chuyện sẽ bước vào một trang mới, một hành trình mới. Trong lòng giờ đây thấy rộn ràng thay vì cảm thấy mệt mỏi như những ngày qua…

Vui hơn nữa, khi nghe tin người bạn thân ở quê mà hôm thứ sáu tuần rồi tưởng rằng “Ổng” gọi về với “Ổng”, nhưng phút cuối không biết nghĩ sao “Ổng” tới gặp xíu rồi kiu ở lại. Chẳng biết ý Ông thế nào, làm sao đoán được, nhưng tôi tin chắc rằng, những Ý muốn đó luôn là những điều tốt nhất cho bạn tôi và chúng tôi. Nghe tin bạn khỏe hơn một chút, tôi cũng thấy mình như có thêm niềm vui.

Mạnh mẽ và hãnh diện lên nhé, my friend, vì bạn, sự hiện của bạn và cuộc sống của bạn đã mang đến cho chúng tôi hơn cả một niềm vui mà còn là những bài học giá trị của cuộc sống.

Rồi nhìn lại, nhìn vào sâu bên trong của lòng mình, tôi cảm thấy chúng ta thật may mắn bạn à! Niềm tin mà chúng ta được hun đức từ bé đã cho chúng ta một niềm tin Vui và Hạnh phúc của cái ngày mà ai cũng sẽ trải qua đó. Có người đến sớm, có người đến muộn. Nhưng sớm hay muộn chỉ là vấn đề của thời gian, còn đối với chúng ta, sớm hay muộn chỉ là Niềm vui đến vào lúc nào mà thôi.

“Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…”, hãy sống đời một này vui vẻ và hạnh phúc như bạn đã đang nhé, tất cả anh em bạn bè chúng ta sẽ cùng nhau như thế và cùng đợi đến ngày Vui sống muôn đời bên nhau nhé!

Trong Niềm tin của chúng ta, xin Phó thác mọi sự nơi Cha Nhân Lành!

Ý nghĩa huy hiệu Năm Thánh Thương Xót - RV
05/05/2015 13:42
 
VATICAN. Trong cuộc họp báo sáng ngày 5-5-2015, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, đã giới thiệu và giải thích ý nghĩa huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót.
 Cùng với khẩu hiệu ”Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), huy hiệu này trình bày một tổng hợp xúc tích về Năm Thánh.

 Huy hiệu, do Cha Marko I. Rupknik S.I sáng tác, trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai, theo hình ảnh rất được Giáo Hội cổ kính quí chuộng, vì diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể của Ngài bằng công trình cứu chuộc.

 Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đi sâu vào thân thể con người, với tình thương yêu đến độ thay đổi cuộc sống của con người. Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử Nhân Lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Adam và Adam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Adam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha.

 Cảnh tượng trên đây được đặt bên trong hào quang bầu dục màu xanh, đây là hình ảnh rất được quí chuộng theo lối họa hình đạo thời thượng cổ và trung cổ, nhắc nhớ sự đồng hiện diện của hai bản tính: thiên tính và nhân tính, trong Chúa Kitô. Ba hình bầu dục đồng qui của hào quang, với màu dần dần sáng hơn khi tiến ra vòng ngoài, gợi lên tác động của Chúa Kitô đưa con người ra khỏi đêm đen của tội lỗi và sự chết. Đàng khác, màu đậm hơn ở bên trong cũng diễn tả tính chất khôn lường của tình thương Chúa Cha, Đấng tha thứ mọi sự.

 Đức TGM Fisichella cho biết huy hiệu đã được đăng ký nơi các cơ quan quốc tế để tránh bất kỳ việc lạm dụng nào và để bảo vệ tác quyền. Hiển nhiên là mọi sự sử dụng khác với mục tiêu tôn giáo phải được Hội Đồng Tòa Thánh chấp thuận và mọi lạm dụng sẽ bị truy tố.

 G. Trần Đức Anh O.P

http://vi.radiovaticana.va/news/2015/05/05/%C3%BD_ngh%C4%A9a_huy_hi%E1%BB%87u_n%C4%83m_th%C3%A1nh_th%C6%B0%C6%A1ng_x%C3%B3t/1141827
 


Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn (thủ đô Hà Nội) diễn ra với hàng nghìn ngưởi tụ họp. Từ buổi chiều hôm đó, phong trào cách mạng giành chính quyền của nhân dân lan rộng khắp cả nước. Kết quả, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” một cách công khai và chính thức trong cả nước, tuyên bố sự tự do – độc lập của người Việt Nam trước các đế quốc Nhật Bản, Pháp và thế giới, chuẩn bị tổng tuyển cử để bầu ra Chính phủ của người Việt Nam.

Nhưng, ngoài thời cơ giành chính quyền năm 1945, Việt Nam lúc đó còn có một “thời cơ” khác mà chúng ta đã không thể nắm lấy vì rất nhiều lý do, đó là thời cơ “bắt tay” với nước Mỹ ở bên kia Thái Bình Dương.

Trước đó, năm 1829, khi Tổng thống Andrew Jackson vừa lên nhậm chức đã cử phái bộ của Bộ ngoại giao sang đặt vấn đề thông thương với Đại Nam, nhưng sự việc không thành.

Năm 1845, chiến thuyền Constitution của Hoa Kỳ đã cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng là John Percival liên lạc với triều Nguyễn để đặt mối giao hảo. Nhưng do vấn đề bách đạo Công giáo đời vua Thiệu Trị, nỗ lực bang giao Việt-Mỹ bế tắc.

Năm 1873, lần này do xúc tiến của triều đình nhà Nguyễn, Bùi Viện được vua Tự Đức cử sang Mỹ như một "đại sứ đặc mệnh toàn quyền" để cầu viện tìm cách chống Pháp. Nhưng đến tận năm 1875, gặp lúc Mỹ và Pháp đã hết thù địch nên TT. Ulysses Grant lại khước từ cam kết giúp Đại Nam đánh Pháp.

Sáng ngày 16/7/1945, sáu thành viên Đội Hươu (nhóm tình báo do OSS – tiền thân của CIA, thành lập) lên một chiếc máy bay C-47, nhảy dù xuống Tân Trào để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện quân đội Việt Minh trong vài tuần của tháng 7 và tháng 8. Đây là dấu mốc đầu tiên cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong thế kỷ XX.

Ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ H. Truman một bức thư để nêu lên sự chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam và bày tỏ sự mong muốn “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Bức thư này đã được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng Tổng thống Mỹ B. Obama trong chuyến thăm chính thức ngày 28/7/2013. Đây là dấu mốc thứ hai cho mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong Chiến tranh Đông Dương (1945-1954), Mỹ đã giúp Pháp trong cuộc chiến chống cộng và đến năm 1963, Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại Việt nam với vai trò đồng minh của Việt Nam Cộng hòa chống lại quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ 1975 đến 1994, Hoa Kỳ đã cấm vận Việt Nam. Trong thời gian này, từ 1977 đến 1978 Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán bình thường hóa quan hệ nhưng không thành, một phần do Việt Nam yêu cầu Hoa Kỳ bồi thường những tổn thất mà họ đã gây ra ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ đã bác bỏ.

Ngày 11/7/1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Ngày 23/5/2016, Tổng thống Barack Obama công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí áp lên Việt Nam kéo dài từ năm 1975 đến nay.

Và hiện nay, trước những động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông và tham vọng làm bá chủ tuyệt đối tại vùng biển này, Việt Nam và Hoa Kỳ lại có một thời cơ thúc đẩy để đến gần với nhau hơn nữa kể từ ngày 16/7/1945 với sự hiện diện của lực lượng OSS bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng, lợi ích quốc gia vẫn là mục đích tối thượng của các bên trong hợp tác và cũng chính lợi ích quốc gia sẽ dẫn dắt và cho phép Việt Nam hôm nay lựa chọn con đường hợp tác phù hợp nhất, hữu hiệu nhất cho chính mình.

Nhưng dù sao đi nữa, Việt Nam chưa bao giờ và không bao giờ hợp tác với một nước để chống lại nước khác. Do đó, chỉ có chính tiềm lực và sức mạnh của người Việt Nam mới là yếu tố quan trọng nhất, hiệu quả nhất để người Việt Nam giữ lấy thành quả độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mà CÁCH MẠNG THÁNG 8 đã mang lại.


Tham phan Pham Cong Hung va cai duyen voi an hanh chinh hinh anh 1


Thẩm phán Phạm Công Hùng trong một lần xét xử tại Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM. 

Từ hôm nay, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM) sẽ khép lại một chặng đường dài công tác trong ngành tòa án. 30 năm với bao buồn vui, thăng trầm của nghề, ông đã ghi dấu ấn trong lòng nhiều người về một thẩm phán giỏi chuyên môn, tận tụy với công việc.

Vị chủ tọa sắc sảo 
Dấu ấn hoạt động xét xử của thẩm phán Hùng để lại có ở tất cả loại án nhưng đáng chú ý nhất là án hình sự và án hành chính. 
Về hình sự, nhiều người không quên vụ án từng gây xôn xao dư luận trước đây: Một vụ đâm chém có nhiều người tham gia xảy ra ở một quán cà phê làm một người chết, một người trọng thương. Sau đó, cháu trai của một võ sư nổi tiếng, nguyên là HLV trưởng đội tuyển Taekwondo Việt Nam ra đầu thú, tự nhận chỉ có một mình gây án nên bị khởi tố, còn võ sư kia và hai kẻ gây án khác thì được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Xử sơ thẩm lần đầu năm 1999, TAND TP HCM đã phạt cháu trai võ sư án tù chung thân. Người bị hại kháng cáo. Thẩm phán Hùng được phân công giải quyết.

Nhận thấy sự bất hợp lý giữa kích thước của con dao tang vật với vết thương của nạn nhân, cộng với các trình bày từ phía người bị hại, ông đã quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Kết quả cuối cùng là ngoài người đã nhận tội thay còn có ba người từ chỗ “vô can” đã bị kết tội giết người, trong đó võ sư bị phạt tử hình.

Ít ai biết để làm sáng tỏ vụ án, ngoài việc nghiên cứu thật kỹ tất cả tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, kỹ năng xét hỏi sắc sảo, thẩm phán Hùng còn phải vượt qua nhiều áp lực bởi từng có chỉ đạo tha ba bị cáo, không lật lại vụ án nữa.

Bản lĩnh, thẳng thắn

Án hình sự phức tạp nhưng với phẩm phán Hùng, khó khăn nhất vẫn là xét xử án hành chính. “Chính từ cái khó nó lại làm cho tôi say mê với loại án này lúc nào không hay. Mối nhân duyên này có từ khi tôi nhận chức chánh Tòa Hành chính TAND một tỉnh” - ông kể.

Theo ông, một bản án hành chính nghiêm minh có sức lan tỏa rất lớn, thúc đẩy việc cải cách hành chính, ích nước lợi dân. Nhưng khi xử án, thẩm phán phải giao tiếp với những người bị kiện “đặc biệt”. Họ có chức, có quyền trong cơ quan nhà nước, thậm chí còn có quyền tham gia, quyết định việc tái bổ nhiệm thẩm phán.

Như trong phiên phúc thẩm vụ một công ty kiện Cục Hải quan một tỉnh nọ, đại diện người bị kiện liên tục tỏ thái độ quan quyền trước tòa. Rất nhiều lần ông hỏi, vị này không thèm trả lời. Ông phải liên tục lưu ý người bị kiện về thái độ, cách trả lời và nghiêm giọng: “Dù người ban hành quyết định hành chính quyền to bao nhiêu đi nữa thì quyền lực này vẫn phải bị kiểm sát. Khi tham gia tố tụng, các anh bình đẳng với dân, không thể kẻ cả trên đầu người khác!”.

Trả lời đại diện VKS, vị cán bộ hải quan còn xưng hô “anh, tôi” một cách tự nhiên chủ nghĩa, rất phản cảm. Thẩm phán Hùng lập tức đề nghị đại diện VKS nhận định về cách xưng hô không chuẩn mực này, đồng thời nhắc nhở người bị kiện phải tuân thủ cách xưng hô tại tòa cho đúng.

Vụ khác, khi thụ lý vụ một doanh nghiệp kiện thanh tra một bộ, tòa sơ thẩm đã gửi thông báo đến người bị kiện. Thay vì cung cấp các chứng cứ liên quan cho tòa để bảo vệ quyết định của mình, người bị kiện lại gửi văn bản đến tòa cho rằng doanh nghiệp cố tình trốn thuế và đề nghị tòa chuyển hồ sơ sang công an.

Trong phiên phúc thẩm, thẩm phán Hùng đã luôn nhắc nhở thái độ của đại diện bên bị kiện. Ông phân tích bên bị kiện trong trường hợp này đừng nghĩ mình là cơ quan nhà nước mà quên đi tư cách tham gia tố tụng. Ông cũng chấn chỉnh ngay việc gửi đơn đến các cơ quan tố tụng tối cao yêu cầu chỉ đạo thế này thế kia của người bị kiện là không đúng Luật Tố tụng hành chính. Kết quả, đại diện người bị kiện đã nhận thấy sai sót và tự điều chỉnh hành vi của mình tại phiên tòa.

Khi xét xử, phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, thẩm phán Hùng không ngại kiến nghị ngay trong bản án dù có thể đụng chạm đến nhiều cơ quan công quyền khác. Chẳng hạn, có vụ phát hiện nghi vấn “bôi trơn” hàng triệu USD trong một dự án đầu tư, ông đã kiến nghị các cơ quan liên quan phải xem xét làm rõ.

Vì sự thẳng thắn ấy, ông từng gặp những trải nghiệm khó quên. Một lần, khi còn làm ở TAND một tỉnh, ông hủy quyết định của chủ tịch UBND tỉnh. Ngay năm đó, Ban Thi đua khen thưởng tỉnh này đã đề nghị Hội đồng thi đua TAND tỉnh rút tên ông ra khỏi danh sách được cấp bằng khen. Ông rất kiên quyết yêu cầu Hội đồng Thi đua TAND tỉnh phải xem xét lại, nếu ông không xứng đáng thì không đề nghị nữa, còn nếu ông đủ điều kiện thì vẫn phải để tên ông trong danh sách. Cuối cùng, Hội đồng Thi đua TAND tỉnh kết luận ông xứng đáng và năm đó ông đã được cấp bằng khen.

Người thầy nhiệt huyết

Ngoài thành công trong nghề, thẩm phán Hùng còn được kính trọng ở vai trò người thầy của bao lớp thẩm phán trẻ đi sau.

Phần thưởng lớn nhất mà ông có được chính là sự yêu quý, tin tưởng của nhiều học trò là thẩm phán các tỉnh, thành. Trong công tác hàng ngày, khi xét xử, vướng mắc gì người đầu tiên họ nhớ đến gọi điện thoại hỏi ý kiến là ông. Hằng ngày ông nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi của học trò hỏi về tố tụng lẫn nội dung các vụ án hành chính họ đang giải quyết. Thậm chí ngay trong phòng nghị án, có khi họ vẫn cần ông tư vấn, hỗ trợ thêm về pháp lý.

Với ông, những hoạt động trao đổi chuyên môn như trên là có ích nên ông rất thoải mái đáp ứng dù bận rộn thế nào. Tại cơ quan, ông và đồng nghiệp cũng thường xuyên thảo luận cởi mở về các vụ án hành chính.

Một thành công khác trong giảng dạy của ông chính là giáo trình kỹ năng xét xử án hành chính theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm được trường Cán bộ tòa án phát hành và được nhiều tòa địa phương quan tâm. Hai nội dung lớn nhất trong giáo trình được mọi người đánh giá cao đó là các tiêu chí đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính và đối thoại trong án hành chính (đã được ghi nhận đưa vào dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi).

Khác với nhiều thẩm phán thường ngại xuất hiện trên báo chí, thẩm phán Hùng sẵn lòng đồng hành với báo chí, thể hiện những quan điểm về pháp lý của mình rất thoải mái, không né tránh bất kỳ vấn đề gì. Không ít trường hợp ông sẵn sàng đi ngược lại quan điểm của TAND Tối cao như vụ không miễn trừ trách nhiệm cho thẩm phán xử oan...

“Nếu vì sợ cấp trên mà cấp dưới không dám nói khác là rất nguy hiểm. Đừng co mình lại để cố được lòng cấp trên. Ban đầu cũng có vài đồng nghiệp khó chịu với phong cách thẳng như ruột ngựa của tôi. Nhưng dần dần khi hiểu, họ lại yêu thương tôi và bảo vệ lẫn nhau trong cuộc sống. Sống mà không ai ghét là món quà lớn mà tôi có hiện nay” - ông tâm sự.

Niềm vui của nghề

Năm 2012, thẩm phán Hùng nhận được một lá thư cảm ơn từ một ông cụ quê ở Mỹ Tú (Sóc Trăng). Ông cụ viết: “Nỗi oan ức của tôi - người hưu trí có công với cách mạng bị một quyết định tước đất canh tác hợp pháp nhiều năm, bị phớt lờ việc kêu oan, khiếu nại. Nay tòa phúc thẩm công minh buộc tòa sơ thẩm thụ lý, giải quyết vụ án, tôi rất vui mừng, xúc động và có niềm tin vào công lý”. Ông cụ cảm ơn: “Thẩm phán đã cho tôi một niềm hy vọng, một niềm tin mãnh liệt vào công lý. Xin gửi lời cảm ơn, lời chúc sức khỏe và tôi tin rằng thẩm phán sẽ còn có nhiều quyết định công minh để giúp đỡ nhiều người dân hơn...”.

Đưa cho tôi đọc lá thư, thẩm phán Hùng tâm sự: “Cái nghề thẩm phán, chúng tôi xét xử đúng luật mà làm được chút gì cho người dân đỡ khổ là mừng lắm! Lá thư cảm ơn này tôi sẽ lưu giữ cẩn thận vào ngăn tủ cùng những lá thư khác để làm kỷ niệm trong đời xét xử của mình”.
---
Ông kể có lần một người đàn ông sang trọng, thành đạt rất vui mừng khi nhìn thấy ông, thốt lên: “Em chào thầy” rồi chạy vội đến bắt tay thân mật khiến ông ngỡ ngàng. Nói chuyện, ông mới nhớ lại nhiều năm trước anh phạm tội lừa đảo, bị tòa sơ thẩm phạt án tử hình. Lên phúc thẩm, có một số tình tiết giảm nhẹ mà án sơ thẩm chưa xem xét nên ông giảm án cho người này xuống tù chung thân. Bây giờ anh đã được tha, mở doanh nghiệp làm ăn rất khấm khá.

"Quốc hội đã rất đúng đắn khi không đưa án tử hình vào tội lừa đảo. Người đàn ông đó không đáng tội chết. Hồi đó nếu tôi không cân nhắc kỹ mà tuyên y án sơ thẩm thì xã hội đã mất đi một người tốt. Câu chuyện này cũng là một nguồn động viên rất lớn trong nghề với tôi", ông nói.

Từ người lính đến người thẩm phán

Năm 1972, cùng các thầy, trò tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp... ở miền Bắc, ông Hùng xếp bút nghiên lên đường vào Nam đánh Mỹ. Năm 1976, nước nhà thống nhất, ông trở về tiếp tục học tập, công tác tại một đơn vị kinh tế của tỉnh Phú Khánh (cũ).

Năm 1987, ông được tổ chức điều động sang TAND tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, ông lần lượt trải qua các chức vụ như chánh văn phòng, chánh tòa hành chính. Từ năm 1999, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm thẩm phán TAND Tối cao và công tác tại Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM cho đến nay.

http://phapluattp.vn/phap-luat/tham-phan-pham-cong-hung-va-cai-duyen-voi-an-hanh-chinh-558173.html
Theo Hoàng Yến/Pháp luật TP HCM


Bắn súng là một môn thể thao thế mạnh truyền thống của Việt Nam. Từ SEA Games đến các kỳ ASIAD, bắn súng Việt Nam luôn có một vị trí, vai trò nhất định trong chỉ tiêu đoạt huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Nhưng ở lần Thế vận hội Rio lần này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với 02 tấm huy chương: 01 vàng và 01 bạc, không những đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với vô vàn những cái nhất mà còn đặt ra một câu hỏi: điều gì khiến cho hàng trăm người đổ ra sân bay Nội Bài chào đón một vận động viên bắn súng? Huy chương vàng và bạc Thế vận hội thôi có đủ sức thu hút để người ta tự nguyện đến để… nhìn thấy anh tận mặt hay không?

Thành tích chỉ là một phần, quan trọng nhất là niềm tin, lòng ngưỡng mộ vào một giá trị gương mẫu trong xã hội!

Có gương mẫu hay không? Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt lấytấm huy chương vàng lịch sử, những câu chuyện quá khứ của anh tràn lan trên các mặt báo. Từ đó, người ta nhìn ra và biết được những khó khăn mà anh phải đối diện không chỉ trong đời sống mà còn trong cả công việc.

Bảo rằng anh là vận động viên trọng điểm đầu tư quốc gia để lấy huy chương quốc tế, nhưng đạn bắn luyện tập chỉ có 200 viên một ngày với không kính chuyên dụng, không thiết bị chuyên nghiệp, không bảng điện tử chuyên dùng… và vân vân những thứ không khác so với vận động viên trọng điểm quốc gia của những nước khác. Ấy thế mà anh lại hơn hẳn những đồng đội khác ở… đội tuyển bắn súng quốc gia, khi họ thậm chí còn chẳng có đạn để bắn, chỉ bắn chay bằng cách… nâng súng lên – ngắm – (giả vờ) bóp cò rồi hạ xuống và tưởng tượng kết quả.

Quá khó khăn và… quá [tự] xấu hổ!

Đó là khó khăn trong con đường tập luyện để đi đến vinh quang! Còn có những khó khăn khác trong những con đường tìm kiếm vinh quang trong quá khứ. Bao nhiêu lần khi vinh quang đã đến gần, đến rất gần, anh lại để vụt mất. Người ta bình luận rằng anh mất bình tĩnh, anh không chịu được sức ép… còn ông Park – chuyên gia Hàn Quốc, từ ấn tượng ban đầu với đoàn bắn súng Việt Nam, lại nói rằng đoàn Việt Nam “bỡ ngỡ”, không quen với những thiết bị hiện đại mang tầm quốc tế của môn bắn súng. Theo nghĩa đen, thật buồn.

Anh từng nói “Nước mình còn nghèo” ngẫm mà thấy chua xót cho chữ nghèo anh đã nhắc tới. Hơn 40 năm đất nước thống nhất, nước mình vẫn còn nghèo. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, chỉ với một nửa khoảng thời gian đó, họ đã trở thành những quốc gia… giàu có của thế giới. Tất nhiên, những nhà lãnh đạo trong những thời gian này sẽ phải có trách nhiệm với lịch sử phát triển của đất nước, vì dù muốn hay không, dù với những cách thức nào, họ cũng đã nắm giữ vận mệnh của dân tộc, đã một cách trực tiếp nhất đại diện cho người dân Việt Nam bang giao với thế giới trong hơn 40 năm qua.

Lịch sử, trách nhiệm không thể tách rời sự thật, thực tiễn khách quan trong hơn 40 năm đó. Nhưng nhìn lại xuyên suốt sự phát triển của nền văn hóa dân tộc từ xa xưa cho đến nay, có thể ý thức hệ đó thật sự phù hợp với thực tiễn xã hội.

Chữ “S” Việt Nam như một nắm tay kiên cường phải gồng mình chống đỡ thực tại một người hàng xóm nặng ký từ phía Bắc là Trung Quốc. Dù muốn thoát khỏi hay không sự ảnh hưởng của quốc gia hùng mạnh này, Việt Nam bắt buộc vẫn phải chụ ảnh hưởng của họ. Có thể khác đi được là ít hay nhiều, mạnh hay yếu về mức độ ảnh hưởng đó.

Tôi tin rằng, sự ảnh hưởng đó đã tác động xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam vào tâm thức của người dân. Người dân luôn mong muốn thoát khỏi cái nghèo, thoát khỏi sức ảnh hưởng khủng khiếp của một người hàng xóm to bự và xấu tính. Họ mong chờ vào một niềm tin, chỗ dựa nào đó đủ sức giúp họ thực hiện được khát vọng như thế.

Những con người làm rạng danh Việt Nam, làm cho lòng người Việt Nam đồng lòng hướng về lại vô tình trở thành những điểm giao cho lòng khát vọng Việt Nam và Xuân Vinh là một ví dụ điển hình.

Xuân Vinh trở về, những người Việt Nam chân thành chắc chắn ai cũng tự hào vì rồi cũng có một lúc, hai từ “Việt Nam” chiễm chệ trên bản đồ huy chương thế giới; quốc ca Việt Nam hào hùng vang lên trong những cử chỉ chào nghiêm trang của bạn bè thế giới. Tự hào chứ, tôi yêu nước, tôi không nghĩ gì về ý thức hệ, tôi chỉ yêu màu cờ mà tôi cảm thấy phù hợp với dân tộc tôi, tôi chỉ yêu bài hát phù hợp với lịch sử dân tộc tôi và tôi tự hào về giây phút đó.

Hình ảnh người người chào đón xạ thủ Hoàng Xuân Vinh về nước như một người hùng còn là hình ảnh thách thức cho những việc làm, suy nghĩ của những nhà lãnh đạo mang trọng trách với đất nước.

Người Việt Nam có tố chất để vươn tầm thế giới, người Việt Nam có tinh thần để vươn tầm thế giới, người Việt Nam có khả năng để vươn tầm thế giới! Vậy các nhà lãnh đạo hiện tại sẽ còn thờ ơ đến bao giờ với những vinh quang thế giới mà người dân Việt Nam đang ngóng đợi qua những đồng tiền thuế tự nguyện hay bắt buộc của mình!? Không lẽ phải chờ đợi những thế hệ lãnh đạo tiếp theo!? Cho đến thế hệ của những người 8x, 9x làm lãnh đạo cao nhất của nước nhà trong vài mươi năm nữa? Lúc ấy là quá lâu, chúng tôi mong ngay lúc này!



Cuối tuần rồi, tôi có thêm một trải nghiệm quý báu cho hành trình tương lai của mình.

Tôi được thông báo sẽ tham dự tập huấn một khóa 02 ngày tại Thư viện trường ĐH Công nghệ Đồng Nai về chuyên ngành thư viện từ 11 – 12/82016. Thú thật, tôi chẳng mặn mà lắm với cụm từ “quyền tác giả trong thư viện”. Vì đơn giản, vấn đề này trong thực tế đã tự có hướng giải quyết ngầm bên cạnh nhưng điều luật, nghị định, thông tư khô khan về sở hữu trí tuệ rồi. Thư viện mỗi pháp lệnh mà 15 năm nay vẫn chưa nâng lên thành luật, đủ thấy cách đánh giá về tầm quan trọng của hệ thống thư viện trong xã hội Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Miễn cưỡng! Tôi tham gia khóa tập huấn với “tinh thần” như thế và cảm thấy tiếc nuối cho 02 ngày phải “vật vựa” với một chủ đề mình chẳng thích nổi. Nhưng mọi chuyện thay đổi, cho đến ngày thứ hai của buổi tập huấn, tôi bắt đầu gặp những “người thầy và đồng nghiệp” mới.

Thầy Nghĩa – một chuyên gia “tự đào tạo” về công nghệ phần mềm nguồn mở của Việt Nam; anh Minh – giám đốc chương trình Qũy Việt Nam, người tích cực đưa khái niệm nguồn mở đến với Việt Nam và thầy Hùng – trưởng khoa Thư viện – Thông tin học của ĐHQG Hà Nội – họ, những người đang đi truyền bá một khái niệm rất “lạ lùng” tại Việt Nam hiện nay: “mở”.


Ngày tập huấn thứ hai thật sự cuốn hút tôi về những khái niệm tôi đã biết nhưng hôm nay được hiểu sâu hơn một chút. Cùng với đó, là một sự phát triển đến đáng kinh ngạc của sức mạnh nguồn mở trên thế giới thể hiện qua những con số đầu tư 70 triệu EURO (100 triệu USD) của EU vào hệ thống tài nguyên giáo dục mở cho toàn Liên minh Châu Âu. Hoa Kỳ - kinh đô giáo dục thế giới, đầu tư hàng tỷ đô la cho dự án sách giáo khoa dùng chung cho toàn hệ thống giáo dục phổ thông của mình, cũng trên nền tảng tài nguyên giáo dục mở.

Những con số ấn tượng và ấn tượng hơn nữa, chính là tinh thần và nhiệt huyết của những người thầy tôi gặp hôm nay đang say mê đi theo con đường mà mình tin tưởng: con đường đưa tư duy cùng xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở đến với cộng đồng Việt Nam. Đó sẽ là một chặng đường roadshow đầy khó khăn và thách thức dành cho các vị. nhưng với mình tôi lại học được thêm nhiều điều về tinh thần và mục đích mà những người có lý tưởng đang theo đuổi.

Vậy nên, may mắn, khi 02 ngày tập huấn tưởng vô nghĩa bỗng lại mang đến một ý nghĩa lạ lùng!


Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.